Người dân tìm mua cây giống mắc ca tại một cơ sở được kiểm duyệt tại xã Tu Tra, huyện Đơn Dương, tỉnh Lâm Đồng. Ảnh: ĐOÀN KIÊN
Cây tốt nhưng không cho trái
Năm 2014, thấy nhiều nơi phát triển mô hình trồng cây mắc ca, ông Mai Văn Hùng (xã Quảng Tiến, huyện Cư M’gar, tỉnh Đắk Đắk) đã bỏ hàng triệu đồng để mua 100 cây mắc ca giống về trồng xen vào 2ha cà phê. Đến nay đã 8 năm, đa phần cây mắc ca trong vườn phát triển rất tốt nhưng không có trái, hoặc cho trái rất ít. Chán nản, ông Hùng buộc phải chặt bỏ dần để trồng lại cà phê.
“Ngày đó, tôi có đi nhiều nơi, tham gia các hội thảo nông nghiệp, thấy nhiều hộ dân phất lên, thu tiền tỷ nhờ trồng cây mắc ca. Ham quá, tôi mới mua giống về trồng thử. Nào ngờ, khi trồng cây phát triển rất tốt mà lại không cho ra trái”, ông Hùng chia sẻ… Tương tự, nhiều hộ dân ở Lâm Đồng trước đây nghe “lời đồn” giá trị mắc ca mang lại rất lớn nên đã tự mua cây giống bán trôi nổi về trồng. Sau nhiều năm, chỉ thấy cây xanh tốt, trong khi trái rất ít, thậm chí không có trái, mà chặt bỏ thì tiếc!
Nhìn từ thực tế địa phương, ông Nguyễn Quốc Hưng, Chi Cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Đắk Lắk, cho biết, hiện còn tồn tại hiện tượng người dân sử dụng giống mắc ca không rõ nguồn gốc, trôi nổi nên hiệu quả chưa đạt như mong muốn, lại khó khăn cho các đơn vị quản lý khi không có hóa đơn chứng từ để truy xuất, kiểm tra. Còn theo ông Trần Quang Bảo, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp Việt Nam, đã có nhiều mô hình trồng mắc ca cho thu nhập khá và ổn định, nhưng một số nơi chưa có hiệu quả do phát triển trồng mắc ca tự phát theo phong trào, trồng không đúng quy trình kỹ thuật, trồng ở nơi có điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng không phù hợp, sử dụng giống không rõ nguồn gốc.
Để phát triển diện tích lớn (theo đề án đến năm 2030, cả nước sẽ trồng 130.000-150.000ha mắc ca), nhiều chuyên gia cho rằng, cần kiểm soát giống vì rủi ro kém chất lượng không phải nhìn thấy ngay mà phải sau 5-6 năm mới biết được. Giáo sư Nguyễn Lân Hùng, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Mắc ca Việt Nam, cho biết, hiện có 13 giống mắc ca được Bộ NN-PTNT đã kiểm duyệt, công nhận được đưa vào sản xuất. Đây là căn cứ để người dân lựa chọn giống, tránh mua phải giống kém chất lượng.
Liên kết phát triển bền vững
Ông Nguyễn Hoàng Anh, Giám đốc Công ty TNHH Hoàng Anh Maca (huyện Đơn Dương, Lâm Đồng) nhận định, hạn chế lớn nhất đối với ngành mắc ca Việt Nam trong việc xuất khẩu hạt mắc ca sấy nguyên vỏ hiện nay là sản lượng chưa đủ để thực sự tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Các nhà nhập khẩu cần nguồn hàng, giá cả ổn định, nhưng chúng ta chưa đáp ứng được điều đó. Đại diện đơn vị này cho biết, dù đã liên kết sản xuất mắc ca theo tiêu chuẩn Global GAP như trồng cây trên một ngọn đồi, môi trường gần như độc lập với những khu sản xuất khác nên đáp ứng được các tiêu chuẩn khắt khe về độ an toàn. Chính vì vậy, sản lượng làm ra chỉ đủ cung cấp 50% các đơn hàng đến từ nước ngoài.
“Cần có quy chuẩn chung về tiêu chuẩn chất lượng hạt mắc ca nguyên liệu về độ ẩm hạt, về tỷ lệ hoàn nhân, tỷ lệ sâu hại, tỷ lệ ôi dầu thống nhất với thông lệ quốc tế… Như vậy, khi cần thiết, các đơn vị có thể cùng nhau thực hiện các đơn hàng lớn. Trong khi đó, các sản phẩm chế biến từ hạt mắc ca như: nhân mắc ca tẩm vị, bánh kẹo, dầu mắc ca… đã manh nha xuất hiện”, ông Nguyễn Hoàng Anh cho biết.
Theo Giáo sư Nguyễn Lân Hùng, khi diện tích trồng đủ lớn sẽ thu hút được các doanh nghiệp mở nhà máy chế biến, vì thực tế hiện nay quy mô trồng mắc ca vẫn còn nhỏ theo từng khu vực riêng lẻ. “Phát triển mắc ca phải chú trọng đến liên kết 4 nhà: nhà nước, nhà nông, nhà đầu tư và nhà khoa học. Trong đó, nhà nước tạo cơ chế chính sách để thúc đẩy phát triển; nhà nông sử dụng đất đai, lao động để sản xuất; nhà đầu tư cung cấp vốn đầu tư, công nghệ thu mua, chế biến và kết nối thị trường; nhà khoa học nghiên cứu và chuyển giao khoa học kỹ thuật cho nhà nông và doanh nghiệp. Khi đó, Hiệp hội Mắc ca Việt Nam là sợi dây liên kết các nhà”, Giáo sư Nguyễn Lân Hùng nhấn mạnh.
Còn Giáo sư Võ Đại Hải, Giám đốc Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam, cho rằng, hiện có khoảng 10% giống chưa được kiểm soát, trong đó giống thực sinh vẫn còn nhiều. Thời gian tới cần lựa chọn giống phù hợp với biến đổi khí hậu, đầu ra sản phẩm phải chuẩn bị kỹ lưỡng. Bên cạnh đó, các địa phương phải triển khai quy hoạch cụ thể từng khu vực trồng phù hợp, đồng thời xây dựng thương hiệu, truy suất nguồn gốc, mã sản phẩm.
Theo Bộ NN-PTNT, hiện có 28 tỉnh trồng mắc ca, với tổng diện tích gần 19.000ha, tập trung chủ yếu ở hai vùng Tây Bắc và Tây Nguyên. Trong giai đoạn 2016-2020, tổng kim ngạch xuất khẩu mắc ca của Việt Nam đạt gần 60 triệu USD với sản lượng trên 3.000 tấn nhân và 390 tấn nguyên vỏ. Dự báo đến năm 2025, thị trường cần khoảng 220.000 tấn nhân mắc ca, tương đương 850.000 tấn hạt tươi. Hiện nay, nhu cầu mắc ca thế giới cao gấp 4 lần tổng sản lượng. |
Đề án “Phát triển bền vững Mắc ca giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050” được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt dự kiến đưa sản lượng mắc ca qua chế biến đạt khoảng 130.000 tấn hạt vào năm 2030, khoảng 500.000 tấn hạt vào năm 2050. Giá trị kim ngạch xuất khẩu sản phẩm mắc ca đạt khoảng400 triệu USD vào năm 2030, khoảng 2,5 tỷ USD vào năm 2050. |