Suốt 3 năm qua trên đảo quốc Sư Tử có một cuộc thi được tổ chức hàng năm với tên gọi Người hàng xóm tốt bụng (Good Neighbour Award - GNA) được báo chí không tiếc giấy mực đưa tin.
Thoạt nghe có vẻ đây là một hoạt động phong trào theo kiểu “vui là chính” vì thể lệ rất đơn giản, người được giải chỉ cần ít nhất một láng giềng của mình đề cử. Lý do đề cử cũng chỉ là những hành vi đời thường như giúp đỡ nhau cọng hành, cân muối, sửa đồ đạc trong nhà, nói chuyện thân tình, chia sẻ buồn vui…
Năm 2011, trên cơ sở 1.600 phiếu đề cử, ban giám khảo đã chọn ra 5 người trong đó nổi bật nhất là doanh nhân Steven Chua Eng Hong, 54 tuổi trong khu căn hộ Fu Yong thuộc vùng Upper Bukit Timah. Người đề cử ông Chua là bà hàng xóm Dave Ng, 40 tuổi, đại diện cho 144 gia đình trong khu dân cư này để ghi nhận sự giúp đỡ tận tình của ông Chua từ chuyện sửa chữa cho đến chăm sóc sân vườn.
Phần thưởng cho ông Chua và 4 người khác được giải chỉ là một cái cúp tượng trưng và phiếu mua hàng siêu thị NTUC Fairprice với tổng trị giá 500 đô la Singapore. Tuy nhiên, điều vinh hạnh là đích thân Bộ trưởng Quốc vụ khanh đặc trách Phát triển quốc gia và Công thương, ông Lee Yi Shyan đến dự và trao giải.
![]() |
Tranh cổ động tinh thần láng giềng. |
Ở một đất nước có 80% người dân phải sống trong khu căn hộ tập thể thì chuyện láng giềng - xích mích vì những chuyện lặt vặt trong sinh hoạt hàng ngày không có gì lạ. Thỉnh thoảng, báo chí Singapore cũng đề cập đến những chuyện chửi rủa, thậm chí đấm đá vì nhiều lý do như hàng xóm mở nhạc ầm ĩ vào ban đêm, giành nhau chỗ đậu xe, tranh nhau không gian phơi quần áo ở hành lang…
Hậu quả nhiều trường hợp xung đột phải nhờ luật pháp can thiệp. Tòa án cấp dưới tại Singapore phải tổ chức thêm các phiên xử lý các vụ kiện tụng hàng xóm. Số đơn kiện năm nào cũng tăng với mức “đỉnh” 4.569 năm 2009 và xuống còn 4.517 vụ trong năm 2010.
Tuy nhiên, tòa án Singapore khuyến khích người dân tìm trung gian hòa giải hay đưa ra các biện pháp chủ động nhằm xử lý những vấn đề phát sinh và việc đưa cho tòa xử chỉ là giải pháp cuối cùng. Có lẽ nhờ vậy mà số vụ việc phải nhờ tòa xử đã giảm hẳn từ 22 vụ trong năm 2008 xuống còn 3 vụ trong năm 2011. Và một cách ngẫu nhiên, điều này diễn ra sau khi Giải thưởng Người hàng xóm tốt bụng được tổ chức cách đây 3 năm.
Với trải nghiệm của bản thân trong thời gian sống, học tập và làm việc trên đảo Sư Tử trong hơn 10 năm qua, xin tiết lộ là quyết định thuê hay mua nhà của tôi ở Singapore tùy thuộc rất nhiều đến yếu tố hàng xóm láng giềng. Một kinh nghiệm nhỏ có thể chia sẻ: nếu bạn có con em sang Singapore du học mà có những chỗ ở tiền thuê quá rẻ so với mức giá chung của thị trường thì đừng vội mừng.
Có thể trước mắt con em của bạn tiết kiệm được vài nghìn đô nhưng cái giá phải trả cho việc chung đụng với môi trường xấu thì khôn lường. Ông bà ta có câu: “Bán bà con xa, mua láng giềng gần”. Hàng xóm láng giềng là một phần cuộc sống của chúng ta.
Bạn có muốn ăn ngon ngủ yên, sống khỏe, sống lâu thì phải luôn lưu ý đến môi trường và những người láng giềng xung quanh. Nếu bạn mua nhà, hay căn hộ hãy chọn nơi nào đó dễ dàng trong việc giao tiếp với hàng xóm của mình. Nếu bạn là nhà xây dựng hay kinh doanh bất động sản, hãy chào bán những dự án cổ động và tôn vinh tinh thần cộng đồng, có không gian chung và riêng cho cư dân.
Trong trường hợp chẳng may chưa có láng giềng hay môi trường xung quanh tốt, chúng ta hãy chứng tỏ mình là một người hàng xóm thân thiện, bắt tay mở rộng quan hệ và xắn tay áo giúp đỡ những người xung quanh.
Singapore, ngày 4-2-2012