Bán cao tốc để xây cao tốc

(ĐTTCO) - Để giảm áp lực cho đầu tư công và tái cấp vốn đầu tư các dự án cao tốc mới, Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) chỉ đạo Tổng công ty Phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) và Tổng công ty Phát triển hạ tầng - Đầu tư tài chính Việt Nam (VIDIFI) rao bán 6 dự án cao tốc đã hoàn thành.

(ĐTTCO) - Để giảm áp lực cho đầu tư công và tái cấp vốn đầu tư các dự án cao tốc mới, Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) chỉ đạo Tổng công ty Phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) và Tổng công ty Phát triển hạ tầng - Đầu tư tài chính Việt Nam (VIDIFI) rao bán 6 dự án cao tốc đã hoàn thành.

 Cao tốc Nội Bài - Lào Cai.

 Cao tốc Nội Bài - Lào Cai.

Việc rao bán này thu hút sự quan tâm của nhà đầu tư trong và ngoài nước, kỳ vọng mang lại nhiều tỷ USD để ngành giao thông tiếp tục thực hiện mục tiêu xây dựng khoảng 2.000 km đường cao tốc vào năm 2020.

Trong một động thái khác, để tăng vốn điều lệ lên 71.000 tỷ đồng trong những năm tới, VEC đang lên kế hoạch bán 5 dự án đường cao tốc do mình quản lý, gồm Nội Bài - Lào Cai; Cầu Giẽ - Ninh Bình; Bến Lức - Long Thành; TPHCM - Long Thành - Dầu Giây; Đà Nẵng - Quảng Ngãi. Đây là 5 tuyến cao tốc được đầu tư hiện đại từ nguồn vốn ngân sách nhà nước và vốn vay của VEC.

Trên thực tế, chủ trương nhượng quyền khai thác các dự án cao tốc đường bộ đã được Bộ GTVT đưa ra từ lâu, nhưng đến nay chỉ có Tổng công ty Đầu tư phát triển - Quản lý dự án hạ tầng giao thông Cửu Long (CIPM) bán thành công quyền thu phí cao tốc TPHCM - Trung Lương cho Công ty TNHH Sản xuất thương mại dịch vụ Yên Khánh, với giá trị đạt trên 2.000 tỷ đồng. Bộ GTVT đang chỉ đạo VEC nghiên cứu phương án bán đấu giá quyền thu phí đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai theo mô hình này trong nửa đầu năm 2016. Nếu việc bán đấu giá quyền thu phí tuyến cao tốc dài nhất Việt Nam này thành công, đây sẽ là một thương vụ nhượng quyền khai thác đường bộ lớn nhất từ trước đến nay được thực hiện.

Trong khi đó, xu hướng xã hội hóa đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông trong thời gian tới là tất yếu khi nguồn lực Nhà nước có hạn. Trong giai đoạn 2016-2020 nhu cầu vốn cho các dự án đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông vận tải do Bộ GTVT quản lý khoảng 1.015.000 tỷ đồng. Trong đó, theo tính toán của Bộ GTVT, ngân sách đáp ứng được khoảng 28% nhu cầu vốn đầu tư, nhưng theo cân đối của Bộ Kế hoạch - Đầu tư (KH-ĐT), các nguồn vốn ngân sách và có nguồn gốc ngân sách chỉ đáp ứng được khoảng 7% nhu cầu, tương đương khoảng 66.000 tỷ đồng. Trong danh mục 32 dự án hạ tầng giao thông kêu gọi đầu tư nước ngoài đến năm 2020 được Bộ KH-ĐT trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, có 15 dự án cao tốc đường bộ như dự án đường cao tốc: Ninh Bình - Thanh Hóa vốn đầu tư hơn 1,8 tỷ USD; Biên Hòa - Vũng Tàu 1,17 tỷ USD; Trung Lương - Mỹ Thuận 1,38 tỷ USD; Nội Bài - Hạ Long 1,76 tỷ USD; Dầu Giây - Liên Khương 3,5 tỷ USD…

Vì thế, việc bán quyền khai thác các dự án đường cao tốc trong thời gian tới nhằm huy động nguồn lực để tái đầu tư các dự án cao tốc mới trong quy hoạch. Khó khăn lớn nhất hiện nay chính là tìm kiếm đối tác quan tâm và thuyết phục được họ bằng chính lợi ích của dự án. Để bán thành công quyền khai thác 5 dự án cao tốc trong thời gian tới, VEC đang lên kế hoạch đưa dự án ra nước ngoài để quảng bá và mời gọi các đối tác tiềm năng. Theo đó, nhà đầu tư trong và ngoài nước nào đủ tiềm lực tài chính, kinh nghiệm VEC sẵn sàng đàm phán. Quá trình đàm phán nhượng quyền các dự án đường bộ cao tốc là một con đường dài vì chưa có tiền lệ, các quy định về chuyển nhượng cũng chưa rõ ràng. Trong trường hợp có nhiều nhà đầu tư quan tâm, VEC sẽ tổ chức đấu thầu nhượng quyền khai thác các dự án.

Theo nhiều chuyên gia, trong một nền kinh tế mở, nhất là khi Việt Nam hội nhập sâu rộng hơn, không chỉ tư nhân trong nước mà cả doanh nghiệp nước ngoài cũng có thể tham gia đầu tư vào kết cấu hạ tầng. Thông thường tư nhân đầu tư, khai thác sẽ hiệu quả hơn bởi 2 lý do. Thứ nhất, hạn chế được những xung đột giữa nguồn lực, quyền lực và lợi ích. Thứ hai, huy động được nguồn vốn, công nghệ trong bối cảnh nguồn lực ngân sách hạn hẹp, nợ công có những vấn đề nhất định. Tuy nhiên, sở hữu tư nhân dù là nhân tố giúp đầu tư và quản lý dự án hiệu quả hơn, song chưa đủ. Vẫn rất cần đảm bảo cạnh tranh, hạn chế và tránh độc quyền tư nhân khi nhượng quyền khai thác các dự án cao tốc. Việc bảo vệ áp lực cạnh tranh là cần thiết, vì chỉ có cạnh tranh và chịu áp lực cạnh tranh, nguồn lực mới được phân bổ hiệu quả nhất, mới chọn được đối tác, nhà đầu tư và doanh nghiệp tốt.

Các tin khác