Vài năm trở lại đây, việc đầu tư hệ thống ERP (hệ thống quản trị nguồn lực toàn diện) đang trở thành xu hướng của nhiều DN. Song vẫn còn có khá nhiều băn khoăn, nhất là của DNNVV, về tính cấp thiết của việc đầu tư hệ thống này.
Bắt đầu từ đâu?
![]() |
Ông Nguyễn Đức Tài, Chủ tịch HĐQT CTCP Thế giới di động, chia sẻ câu chuyện ứng dụng ERP của DN mình: Vào năm 2006, công ty cho ra đời siêu thị đầu tiên, tất cả khâu từ bán hàng, tồn kho, quản lý tài chính… ban điều hành đều có thể quản lý tốt.
Song khi quyết định mở cửa hàng thứ hai, công ty phải đứng trước những thách thức về quản lý vì 2 cửa hàng xa nhau. “Ngay khi đó chúng tôi đã ý thức xây dựng hệ thống ERP” - ông Tài nhấn mạnh. Và 1 năm sau, khi hoàn thiện ERP, cửa hàng thứ hai của Thế giới di động mới ra đời. Cũng từ đó, thời gian để mở cửa hàng thứ ba, thứ tư… đã được rút ngắn rất nhiều.
Kinh nghiệm của Thế giới di động hiện vẫn được xem là một trong những câu chuyện ứng dụng ERP thành công xuất phát từ chính thách thức quản lý của DN. Có thể thấy, trong xu hướng hội nhập nhanh hiện nay, việc đầu tư hệ thống hạ tầng thông tin, đặc biệt ERP, đang được các DN nhắc đến khá nhiều. Nhưng với DNNVV có nên áp dụng ERP và áp dụng như thế nào là câu hỏi không dễ trả lời.
Ông Vũ Minh Trí, Tổng giám đốc Microsoft Việt Nam, đã có một góc nhìn khác: “Khi bàn về việc ứng dụng công nghệ thông tin trong việc quản lý, kinh doanh, nhiều DN sẽ nói ngay điểm bắt đầu là ERP và sau đó đặt câu hỏi ERP tốn bao nhiêu tiền. Song với riêng tôi, điểm bắt đầu chính là từ tầm nhìn của DN. Khi chúng ta có định hướng rõ ràng, lúc đó mới bàn về những giải pháp cụ thể. Vì trên thực tế khi triển khai các giải pháp ERP, có tới 90% DN khi bỏ tiền ra vẫn chưa biết mình muốn gì. DN phải kết nối tầm nhìn với xu thế thị trường. Mọi thứ phải bắt đầu từ người lãnh đạo DN, không phải từ công nghệ thông tin”.
Đồng tình với ý kiến này, ông Lữ Thành Long, Chủ tịch HĐQT Công ty Misa, bổ sung thêm ERP thực sự cần thiết cho DN, kể cả DNNVV, vì nó có thể hỗ trợ quá trình quản trị DN một cách hiệu quả.
Giá thành như thế nào?
ERP vốn được xem là một hệ thống phức tạp, thời gian triển khai có thể kéo dài đến vài năm, nên chi phí là vấn đề nhiều DN quan tâm. Đi tìm câu trả lời cho băn khoăn này của không ít DN, ông Lý Hiền Trung, Giám đốc Công ty Tin học Phương Bắc (FBS), cho hay: “Lợi ích của ERP nhiều DN đã thấy, nhưng ngân sách lại không dễ trả lời vì không có công thức hay con số chính xác, ước lượng cũng khó vì mức độ DN, ngành nghề và giải pháp trong và ngoài nước khác nhau. Nhưng theo kinh nghiệm của cá nhân tôi, với giải pháp nội địa chỉ cần khoảng 1% doanh thu hàng năm của DN là có thể đủ triển khai. Tất nhiên, có nhiều hơn càng tốt”.
Về chuyện giá thành, không ít DN còn lưỡng lự khi chọn giải pháp trong nước hay nước ngoài. Đã có một số DN như Công ty Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ) sau 2 năm ứng dụng giải pháp ngoại đã phải quay về với giải pháp nội do tính phức tạp của ngành nghề mà không phải DN ngoại nào cũng am hiểu.
Quay trở lại con số 1% do ông Trung đưa ra, đây được xem như con số phù hợp nhiều DNNVV. Nhưng thành công của một hệ thống ERP phải bao gồm từ 2 phía: phần mềm ERP tốt chiếm 50% thành công, còn lại 50% đến từ nhận thức, quyết tâm, trình độ của ban quản lý DN và nhân viên.
Trên thực tế, chưa có nhiều DNNVV ứng dụng thành công ERP. Một phần nguyên nhân chính từ sự hiểu chưa chính xác về tính năng của hệ thống này.
“Công nghệ thông tin chỉ là phương tiện hỗ trợ, không thay thế chiến lược kinh doanh của DN. Vì thế, không nên quá kỳ vọng vào việc sử dụng phần mềm ERP. Bản thân người lãnh đạo và nhân viên phải có kỹ năng hoặc được đào tạo tốt” - ông Phí Anh Tuấn, Phó Chủ tịch Hội Tin học TPHCM, chia sẻ. Cũng phải nhìn nhận không ít DNNVV đi lên từ mô hình công ty gia đình nên chuyên môn về quản lý như nhiều khái niệm căn bản cũng chưa thực sự rõ.