Cần có ngay các văn bản hướng dẫn thực hiện phân loại rác tại nguồn
Liên quan đến quy định “nếu phân loại rác tại nguồn sẽ bị từ chối thu gom hay người dân trả tiền theo số lượng xả rác” có hiệu lực từ 1/1/2022 đang được dư luận quan tâm, TS. Hoàng Dương Tùng – chuyên gia môi trường cho biết, “theo quy định, sau khi luật ra đời thì phải có các Nghị định và Thông tư hướng dẫn. Địa phương muốn thực hiện luật như thế nào thì phải có Nghị định và thông tư hướng dẫn cụ thể. Ví dụ như chuyện thu phí theo khối lượng, người gây ô nhiễm phải trả phí theo khối hoặc trọng lượng. Tuy nhiên tính như thế nào, bao nhiêu tiền, tổ chức đấy như thế nào… thì cần có sự hướng dẫn thực hiện luật”.
Theo TS. Hoàng Dương Tùng, hiện nay tại các địa phương, chính quyền và người dân đang rất chờ đợi Nghị định và Thông tư hướng dẫn mọi người thực hiện để rõ ràng, cụ thể để thực hiện.
“Việc nhiều người đang rất băn khoăn khi thực hiện còn gặp nhiều những khó khăn nhất định trong khi luật đã có hiệu lực là điều hoàn toàn dễ hiểu. Điều này phụ thuộc vào hướng dẫn về mặt kỹ thuật của Bộ TN&MT và sau đó là các địa phương sẽ phải tổ chức thực hiện”, TS. Hoàng Dương Tùng cho hay.
TS. Hoàng Dương Tùng cho rằng: “Hiện nay, người dân còn hiểu chưa đầy đủ về quy định tính tiền thu gom xử lý rác theo số lượng/khối lượng. Mặc dù đã có cách giải thích của các cơ quan quản lý nhưng chưa đến nơi đến chốn, chưa giải thích kĩ để người dân hiểu rõ”.
Theo TS. Tùng, công tác tuyên truyền để nhiều người dân hiểu đóng vai trò rất quan trọng. Người dân phải hiểu rõ tính tiền thu gom xử lý rác theo số lượng, có thể thực hiện theo nhiều hình thức khác nhau. Ví dụ như dùng túi kích cỡ với kích cỡ, màu quy định khác nhau...
“Các cơ quan chức năng cần có văn bản hướng dẫn rõ trong việc tổ chức thực hiện như thế nào để người dân, cơ quan quản lý dễ dàng trong thực hiện. Ví dụ như là nhà cao tầng, nhà thấp tầng có đặc thù thì thực hiện như thế nào lại cần phải có hướng dẫn cụ thể. Làm sao để người dân và đơn vị thu gom thực hiện một cách dễ dàng thuận tiện. Cần dùng chế tài nhất định, có biện pháp kĩ thuật như là sử dụng camera giám sát,… để dễ dàng trong việc giám sát và xử lý người nào tuân thủ và người nào không tuân thủ. Phải xây dựng nhiều mô hình khác nhau phù hợp với đặc thù từng khu nhà, địa phương…”, TS. Tùng nhấn mạnh.
TS. Hoàng Dương Tùng cho rằng, việc thực hiện quy định phân loại rác và trả tiền theo khối lượng rác xả ra là việc làm lâu dài. Vì vậy cần đồng bộ trong chính sách.
“Để thực hiện được cần thay đổi cả trong cách làm như thay đổi cả việc đấu thầu thu gom rác; người dân có quyền yêu cầu các đơn vị thu gom công khai minh bạch việc tiền thu từ người dân được dùng vào làm gì? khâu nào?...” TS. Tùng nêu.
TS. Hoàng Dương Tùng cho biết thêm, ý thức của người dân đã đang và sẽ dần tăng lên, tuy nhiên tình trạng xả rác bừa bãi vẫn còn diễn ra, ở mức độ nào đó vẫn còn phổ biến, cần có chế tài xử lý nghiêm vấn đề này.
“Chúng ta ngoài việc có những biện pháp xử lý về kinh tế thì cần phải có các chế tài để đưa việc thực hiện đi vào quy củ. Không thể nào chỉ có tuyên truyền mà không xử phạt. Singapore đã xử phạt rất nặng việc người dân xả rác không đúng nơi quy định, thực tế người dân nước họ đã thay đổi hành vi rất nhanh và môi trường được đảm bảo rất tốt”, TS. Hoàng Dương Tùng chia sẻ thêm.