Tỉnh Đồng Nai ngày 29/6 đã ban hành văn bản số 7352, do Phó Chủ tịch UBND tỉnh - Thái Bảo ký, trong đó có nội dung quan trọng là những người lao động từ TPHCM và Bình Dương đến Đồng Nai mỗi ngày phải có giấy xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 có giá trị vòng 7 ngày.
Đây là một giải pháp mạnh mẽ mà Đồng Nai xác định để tăng cường phòng, chống dịch Covid-19, áp dụng từ 0h ngày 5-7-2021, trước tình hình dịch tại TPHCM và Bình Dương diễn biến phức tạp. Nhưng, không phải không đáng băn khoăn.
UBND tỉnh Đồng Nai hoàn toàn chính xác khi nhận định tình hình dịch tại hai địa phương giáp ranh, là TPHCM và Bình Dương đang diễn biến phức tạp và khó lường. Tuy nhiên, với tính tương hỗ của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, thì Đồng Nai không thể không có chung ý chí và hành động với TPHCM và Bình Dương, để cùng nhau vượt qua thử thách đại dịch toàn cầu.
Chính Thủ tướng Phạm Minh Chính đã hơn một lần nhắc nhở các tỉnh phải quan tâm đến mục tiêu kép, vừa tích cực chống dịch vừa bảo đảm sản xuất. Nếu mỗi tỉnh chỉ ưu tiên cho địa bàn mình một cách cực đoan, thì dây chuyền gắn kết của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam có nguy cơ bị đứt gãy.
Tỉnh Đồng Nai có 32 khu công nghiệp đang hoạt động. Nhà đầu tư, người lao động của TPHCM và Bình Dương đang trực tiếp làm việc tại Đồng Nai không phải con số nhỏ. Tỉnh Đồng Nai rất có lý khi khuyến khích doanh nghiệp trên địa bàn bố trí cho cán bộ, nhân viên tạm lưu trú tại công ty, để phòng chống dịch. Thế nhưng, không phải doanh nghiệp nào cũng đủ điều kiện cơ sở vật chất để thực hiện điều này, ngoài việc luôn luôn cam kết tuân thủ nghiêm các biện pháp phòng chống dịch.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai - Thái Bảo cũng suy nghĩ thấu đáo khi cho rằng: “Nếu dịch xâm nhập vào Đồng Nai, đặc biệt là trong các khu công nghiệp, thì nguy cơ bùng phát và mức độ lây lan dịch bệnh trên địa bàn sẽ rất khủng khiếp, hậu quả thiệt hại về kinh tế - xã hội khôn lường”.
Và khi kiểm tra công tác chống dịch ở Đồng Nai, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cũng đã khuyến cáo tỉnh này cần thực hiện tốt công tác kiểm soát, tạo điều kiện thuận lợi cho lưu thông hàng hóa, phương tiện, nhưng cũng phải thực hiện nghiêm việc khai báo y tế tại các chốt kiểm soát, ứng dụng công nghệ thông tin để nâng cao hiệu quả, tiết kiệm thời gian.
Bây giờ tỉnh Đồng Nai lại đưa thêm phương án có giấy xét nghiệm âm tính đối với người lao động mỗi ngày ra vào địa bàn, liệu có phải là cách lưỡng toàn kỳ mỹ để kiểm soát dịch bệnh cho tỉnh Đồng Nai, và giảm thiểu nguy cơ lây lan dịch bệnh ở các tỉnh thành khác không? Đành rằng, TPHCM và Bình Dương đều đang triển khai xét nghiệm trên diện rộng, nhưng không thể cấp giấy chứng nhận kết quả xét nghiệm âm tính cho từng cá nhân.
Vậy những người không cư ngụ tại Đồng Nai mà phải làm việc tại Đồng Nai mỗi ngày, thì lấy đâu ra giấy xét nghiệm âm tính có giá trị trong vòng 7 ngày kể từ ngày xét nghiệm, để làm giấy thông hành?
Để đáp ứng, có lẽ họ phải tìm đến các trung tâm xét nghiệm ở các bệnh viện tư nhân? Và cứ 7 ngày, công nhân lại phải trích một phần lương để làm xét nghiệm? Nếu vậy, thì tiền lương mỗi tháng của công nhân chỉ để dành riêng cho việc xét nghiệm nếu họ muốn đến Đồng Nai làm việc.
Tỉnh Đồng Nai không nằm trong danh sách những địa phương được Bộ Y tế xác định không có ca nhiễm mới trong vòng 14 ngày gần đây. Nghĩa là tỉnh Đồng Nai không phải là vùng không có dịch. Lẽ nào, giấy xét nghiệm Covid-19 cũng có giá trị như giấy phép lao động ở Đồng Nai? Lẽ nào, cùng với giải pháp 5K, Đồng Nai không thể đưa ra một phương án nào khác hợp tình hợp lý hơn, mà phải cậy vào giấy xét nghiệm có kết quả âm tính trong vòng 7 ngày?