Sự khác thường trong cuộc suy thoái và sự phục hồi sau Covid-19 không mấy gây ngạc nhiên. Bởi lẽ, đây là đại dịch có phạm vi ảnh hưởng chưa từng có trong kỷ nguyên hiện đại. Nhưng đi cùng với nó, phản ứng tài chính của chính phủ Mỹ cũng vậy. Mỹ đã vay, cho vay và chi hàng nghìn tỷ USD để giữ cho nền kinh tế không lao dốc hơn nữa.
Những người lao động mắc kẹt ở nhà cũng thử giao dịch. Và những gã khổng lồ công nghệ thậm chí còn có thêm chỗ đứng trong thời gian phong tỏa. Vì vậy, thị trường chứng khoán trở thành động lực thúc đẩy sự gia tăng tài sản của các hộ gia đình, chiếm gần một nửa tổng mức tăng.
Điều đó đã tạo ra sự phân bổ chênh lệch giữa lợi nhuận của cải, vì các hộ gia đình khá giả có nhiều khả năng sở hữu cổ phiếu hơn. Hơn 70% sự gia tăng của tài sản hộ gia đình thuộc về 20% những người có thu nhập cao nhất. Khoảng một phần ba nằm trong top 1%.
Những người Mỹ có công việc thu nhập cao cũng tích lũy khá tốt Nhiều nhân viên văn phòng có thể làm việc tại nhà và tiết kiệm tiền bằng cách không phải đi làm hay ăn ở ngoài. Trong khi, các đợt phát tiền của chính phủ và mở rộng trợ cấp thất nghiệp đã duy trì thu nhập cho các nhân viên phục vụ nhà hàng, nhân viên dọn dẹp nhà cửa và những người làm công việc dịch vụ lương thấp đã bị cho thôi việc.
Thậm chí, nhiều công việc lương thấp đã không còn. Tính đến tháng 4, các công việc trả hơn 60.000 USD mỗi năm đã tăng khoảng 2% so với mức tháng 1-2020, theo Opportunity Insights - một nhóm nghiên cứu có trụ sở tại Đại học Harvard. Trong khi, các công việc trả dưới 27.000 USD đã giảm gần 24%.
Những người Mỹ kiếm được nhiều tiền nhất trong năm 2020 là những người có khởi điểm nắm sẵn nhiều tài sản. Giá trị của nhà cửa, cổ phiếu và tài khoản quỹ hưu trí - những thứ mà những người giàu có nhiều khả năng sở hữu - đã tăng vọt. Các nhà kinh tế ban đầu không dự đoán mọi thứ diễn ra theo cách này.
Ví dụ, khi đại dịch lần đầu tiên tấn công Mỹ, cổ phiếu đã tăng theo hình xoắn ốc. Sau đó, Fed giảm lãi suất xuống gần bằng 0, khởi động một loạt chương trình cho vay khẩn cấp và mua nợ chính phủ quy mô lớn. Các nhà đầu tư đổ xô vào chứng khoán, không còn lo sợ rằng thị trường tín dụng sẽ đóng băng. Một số ít gã khổng lồ công nghệ, được hưởng lợi từ nền kinh tế lưu trú tại gia, đã đưa toàn bộ thị trường lên cao.
Trong nửa cuối năm, S&P 500 đã lập kỷ lục mới 33 lần.
Giá cả tăng cao khiến người sở hữu giàu hơn nhưng cũng khiến cơ hội mua nhà xa khỏi tầm với của nhiều gia đình thu nhập thấp và những người mua lần đầu. Các nhà kinh tế kỳ vọng tăng trưởng giá nhà sẽ vừa phải vào năm 2021 nhưng sẽ không giảm.
Trong khi đó, khoản viện trợ giúp người Mỹ vượt qua 15 tháng qua bắt đầu vơi dần. Các tiểu bang đã bắt đầu giảm trợ cấp thất nghiệp. Đã ba tháng trôi qua kể từ đợt phát tiền cuối cùng. Các biện pháp cho phép người đi hoãn nợ sẽ hết hiệu lực.
Do vậy, những người bỏ lỡ việc làm giàu trong mùa dịch vừa qua sẽ phải vất vả hơn để chống chọi với những căng thẳng lớn tiếp theo về tài chính của họ. Theo Fed, năm 2020, hơn một phần ba số người trưởng thành cho biết họ có thể không trang trải được nếu phát sinh khoản chi phí đột ngột 400 USD bằng tiền mặt.