Băn khoăn gói 50.000 tỷ đồng

Dư luận mấy ngày qua đang rất quan tâm trước thông tin Ngân hàng Xây dựng Việt Nam (VNCB) chủ trì tung ra gói tín dụng 50.000 tỷ đồng hỗ trợ thị trường BĐS.

Dư luận mấy ngày qua đang rất quan tâm trước thông tin Ngân hàng Xây dựng Việt Nam (VNCB) chủ trì tung ra gói tín dụng 50.000 tỷ đồng hỗ trợ thị trường BĐS.

Bởi lẽ, trong bối cảnh hàng trăm dự án phải đình lại vì chủ đầu tư hết vốn, trong khi gói 30.000 tỷ đồng vẫn ì ạch giải ngân và không phải doanh nghiệp nào cũng với tới, việc một lượng tiền lớn được hứa hẹn bơm cho thị trường BĐS khiến nhiều người cảm thấy phấn chấn.

Thế nhưng, khi cơn phấn khích tạm lắng, người ta mới nhận ra nhiều chi tiết chưa được làm rõ, từ cách thức công bố đến ý nghĩa, mục đích của gói tín dụng được cho là mang nhiều ý nghĩa hỗ trợ này.

Đó là, vì sao chương trình lại được thiết kế chỉ với một nhóm khép kín, có chỉ định, từ ngân hàng cho vay đến doanh nghiệp cung ứng vật liệu, chủ đầu tư, tại sao lại lựa chọn doanh nghiệp vật liệu để cấp vốn (ở đây là Tập đoàn Thiên Thanh với tư cách đối tác cung ứng vật liệu).

Vậy liệu khi cho vay rồi, dự án có bán được không, bởi theo công bố của các ngân hàng dường như chỉ tập trung vào hoàn thiện các dự án dở dang, trong khi thực tế hiện nay phân khúc nhà ở giá cao vẫn tồn kho chất đống.

“Liên kết 4 nhà mà VNCB công bố thực chất chỉ là nghiệp vụ quản lý dòng tiền của các ngân hàng, đã làm từ nhiều năm trước nên không có gì mới, thậm chí đó chỉ là thủ thuật để lăng xê, khuếch trương. Hiện nợ xấu BĐS vẫn còn lớn, liệu việc bơm thêm tiền có kiểm soát được?” - một chuyên gia kinh tế nêu thắc mắc.

Thẳng thắn hơn, giám đốc 1 công ty địa ốc tại TPHCM cho biết thực tế ý tưởng liên kết 4 nhà mà VNCB đưa ra đã được BIDV khởi xướng từ 2 năm trước, nhưng đã không thành công và chìm dần theo thời gian.

“Bây giờ VNCB công bố có vẻ hoành tráng, quy mô nhưng từ ý tưởng đến thực hiện trong thực tiễn là cả một khoảng cách dài, bởi nếu dễ BIDV đã làm 2 năm trước” - ông này nói và cho rằng mấu chốt của gói tín dụng 50.000 tỷ đồng của VNCB là phải có đơn vị thi công tốt, vật liệu xây dựng giá rẻ chủ dự án mới có thể chọn được đầu vào giá thấp, nếu không sẽ thua lỗ. Trong khi đó, dường như gói này chỉ cô đọng đối với số ít doanh nghiệp, tức nhiều doanh nghiệp khác khó có cơ hội tiếp cận.

Không phủ nhận gói 50.000 tỷ đồng có thể giúp các dự án BĐS dở dang hoàn thành, nhưng câu hỏi đặt ra liệu sản phẩm có bán được không, có cầu không. Bởi tiền bơm vào BĐS chỉ hiệu quả nếu rót đúng vào cầu, trong khi gói này lại tập trung rót vào cung. Nếu cầu không có, bơm thêm tiền chỉ làm trầm trọng thêm nợ xấu.

Các tin khác