Ngân hàng ồ ạt rao bán tài sản "khủng"
Mới đây, Ngân hàng Ngoại Thương (Vietcombank) thông báo đang tiến hành phát mại đất và tài sản gắn liền trị giá gần 1.100 tỷ đồng thuộc tài sản đảm bảo của Công ty TNHH Kỹ Nghệ Evergreen Việt Nam.
Theo đó, Vietcombank đấu giá quyền sử dụng các thửa đất có tổng diện tích hơn 30.000 m2, công trình và toàn bộ máy móc của Công ty Evergreen Việt Nam tại Khu công nghiệp VSIP II. Khối tài sản trên còn có quyền sử dụng đất 40.000 m2, công trình và toàn bộ máy móc của công ty này tại Khu công nghiệp VSIP IIA.
Chi nhánh của nhiều ngân hàng ở nhiều địa phương trên cả nước cũng đang rao bán loạt bất động sản để thu hồi nợ. Trong đó, nhiều khoản nợ được rao bán nhiều lần nhưng vẫn chưa xử lý xong.
Đơn cử, Ngân hàng BIDV chi nhánh Thừa Thiên - Huế cũng vừa phát đi thông báo phát mại quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất có diện tích hơn 1.100 m2 nằm tại đường Hùng Vương (TP. Huế), là tài sản đảm bảo của Công ty TNHH Thanh Trang. Khối tài sản đảm bảo này được phát mại với giá khởi điểm hơn 99 tỷ đồng.
Còn Ngân hàng NN-PTNT Việt Nam (Agribank) chi nhánh Trung tâm Sài Gòn vừa tổ chức bán đấu giá 6 quyền sử dụng đất và công trình nhà cửa gắn liền trên đất tại địa chỉ 20 Trần Cao Vân (quận 1, TP.HCM) với giá khởi điểm gần 430 tỷ đồng. Tổng diện tích của khu đất này là hơn 1.900 m2. Đây là tài sản thế chấp để thanh toán khoản nợ của Công ty TNHH Phát triển địa ốc Sài Gòn Mới. Trước đó, vào cuối tháng 12/2021, khối tài sản này đã được thông báo phát mại với mức giá khởi điểm tương tự.
Vietinbank chi nhánh KCN Bình Dương cũng vừa tổ chức đấu giá quyền sử dụng và tài sản gắn liền trên thửa đất rộng hơn 7.400 m2 tại đường Tân Kỳ Tân Quý (Bình Tân, TP.HCM) với giá khởi điểm là 230 tỷ đồng. Đây là tài sản đảm bảo cho khoản nợ của Công ty TNHH Lục Kim Quân.
Ngoài đất, nhiều ngân hàng còn rao bán các căn hộ chung cư để thu hồi nợ. Chẳng hạn, Agribank chi nhánh Trung tâm Sài Gòn mới rao bán một căn hộ chung cư ở chung cư cao tầng kết hợp thương mại dịch vụ Giai Việt tại 854- 856 Tạ Quang Bửu, phường 5, Quận 8 (TP.HCM). Căn hộ này có diện tích sàn 115,51m2, giá khởi điểm là 4,79 tỷ đồng. Hồi tháng 11/2021, căn hộ này được Agribank rao bán ở mức giá 5,9 tỷ đồng.
Sacombank cũng rao bán 19 căn hộ, trong đó có 10 căn penthouse đang ở mức thô, còn lại đã hoàn thiện cơ bản thuộc dự án Xi Grand Court. Các căn hộ có giá khởi điểm thấp nhất là 3,052 tỷ đồng, cao nhất là 9,122 tỷ đồng.
Để thu hồi nợ, bên cạnh bất động sản, nhiều ngân hàng còn thông báo phát mại xe sang, tàu biển, máy móc thiết bị hay vốn cổ phần...
Trong đó, Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (VIB) đang rao bán nhiều loại xe sang như BMW, Mercedes-Benz, Chevrolet, Hyundai, Toyota,... với giá từ vài trăm triệu đến hàng tỷ đồng.
Vietcombank chi nhánh TP.HCM mới đây đã đấu giá 20% phần vốn góp của Tổng công ty Tư vấn thiết kế Dầu khí (PVE) với giá khởi điểm là hơn 340 tỷ đồng. Hay Sacombank cũng vừa rao bán khoản nợ 596 tỷ đồng của CTCP Đầu tư Địa ốc Vạn Phát, được bảo đảm bằng 40 triệu cổ phiếu CTCP Bất động sản Đô Thành (DTR).
Không dễ để thu hồi nợ là tài sản thế chấp
Việc các ngân hàng dồn dập rao bán nợ là tài sản đảm bảo cho thấy áp lực xử lý nợ của các ngân hàng hiện rất lớn. Bức tranh nợ xấu trong hệ thống ngân hàng thương mại tăng lên rõ rệt do ảnh hưởng của đợt bùng phát dịch Covid-19 lần thứ tư.
Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước, tỷ lệ nợ xấu nội bảng đến cuối năm 2021 là 1,9%, tăng 0,21% so với cuối năm 2020. Còn tỷ lệ nợ xấu bán cho Công ty Quản lý tài sản VAMC chưa xử lý và các khoản nợ tiềm ẩn trở thành nợ xấu khoảng 3,79%. Tính cả dư nợ của khách hàng được cơ cấu lại theo Thông tư 01 có nguy cơ chuyển thành nợ xấu, tỷ lệ nợ xấu dự báo lên mức 8,2%.
Nợ xấu được dự đoán sẽ còn gia tăng trong bối cảnh dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp. Doanh nghiệp khó khăn sẽ kéo theo khó khăn của các ngân hàng.
Để cố gắng thu hồi nợ, nhiều ngân hàng đang cấp tập rao bán các tài sản bảo đảm. Trong đó, không ít khoản nợ được các ngân hàng rao bán nhiều lần, đại hạ giá nhưng vẫn chưa tìm được người mua.
Giới chuyên gia lý giải, nguyên nhân khiến các ngân hàng rao bán tài sản là nợ xấu nhiều lần, dù đã giảm giá không ít, nhưng vẫn chưa bán được là bởi các quy định liên quan đến đất đai, dự án bất động sản khá phức tạp.
Các ngân hàng cũng gặp khó trong việc bán đấu giá bất động sản là tài sản thế chấp do có nhiều thủ tục pháp lý liên quan đến việc giải chấp, định giá tài sản. Ngoài ra còn cần sự đồng thuận của chủ tài sản và các cơ sở pháp lý về quyền mua và quyền bán của ngân hàng. Có nhiều mảnh đất là tài sản đảm bảo của các khoản nợ liên quan đến nhiều tổ chức, cá nhân nên việc sang tên sở hữu mất nhiều thời gian.
Hơn nữa, nhiều tài sản bảo đảm được định giá khi phê duyệt khoản vay cao hơn giá trị thực tế. Khi phát mãi, các ngân hàng thường có xu hướng định giá theo giá trị ban đầu mà không sát với giá thị trường. Vì thế, nhiều khoản nợ dù giảm giá vẫn khó bán.
Bên cạnh đó, nhiều khoản nợ có quy mô lớn, tới hàng nghìn tỷ đồng. Do đó, những khoản nợ này khá kén khách vì đòi hỏi người mua phải có tiềm lực tài chính mạnh.
Để hạn chế tình trạng nợ xấu, các chuyên gia cho rằng cần siết chặt hơn nữa trong việc cho vay kinh doanh bất động sản cũng như thẩm định bất động sản làm tài sản thế chấp cũng cần chặt chẽ hơn.