Xuất khẩu cả chục tấn lá chanh sang thị trường châu Âu thu về cả triệu USD. Nhiều vùng, lá chanh vốn chỉ để làm gia vị gà luộc nay thành hàng hót, giá cả trăm ngàn/kg.
Xuất sang châu Âu cả chục năm nay
Một trong những công ty lớn đang thu mua mặt hàng lá chanh khu vực phía Nam là Công ty Tân Đông (phường Bình Chiểu, quận Thủ Đức, TP.HCM). Theo chị Ngọc Hà, lãnh đạo công ty, từ đầu năm tới nay, Tân Đông đã xuất khẩu 6 tấn lá chanh, chủ yếu sang các nước châu Âu. Giá mua từ các nhà vườn là 22.000 đồng/kg.
Nói về mặt hàng đặc biệt “lá chanh xuất khẩu”, chị Ngọc Hà cho biết, nói đến lá chanh, ai cũng nghĩ đến gia vị của món gà luộc. Nhưng, sau nhiều năm kinh tế phát triển, hòa nhập với thị trường thế giới thì lá chanh còn được sử dụng rộng rãi trong nhiều món ăn khác ở phương Tây.
Lá chanh xuất sang thị trường châu Âu có 2 dạng, dạng gia vị được đóng gói chung với sản phẩm riềng, ớt hiểm và sả cây, tạo nên hương vị hoàn chỉnh của món lẩu Thái. So với hàng Thái Lan, gia vị nấu lẩu Thái của Việt Nam thơm và đậm đà hơn rất nhiều. Còn dạng thông thường thì chỉ bao gói lá chanh thành những túi nhỏ và được cấp đông hoàn toàn.
Một đầu mối thu mua tại khu vực Vĩnh Bắc, Vĩnh Thành, Chợ Lách, Bến Tre nói thêm, trước lá chanh dao động từ 15.000-16.000 đồng/kg. Năm nay, giá lá chanh đắt hơn, tầm 22.000-24.000 đồng/kg. Tuy nhiên, trước đây, lượng lá chanh ta nhiều, giờ, người dân chủ yếu trồng chanh Thái (lá hình số 8)
Nếu khu vực phía Nam lá chanh đã đi Tây cả chục năm thì phía Bắc, lá chanh vẫn chủ yếu là gia vị. Hiện, ngoài các chợ đầu mối, chợ Long Biên là đầu mối bán lá chanh 24/24. Tuy nhiên, chanh, tại thị trường phía Bắc gần như 100% là lá chanh ta, tận dụng mùa chanh chưa ra quả để hái. Tuy nhiên, giá lá khá cao, có thời điểm lên tới 100.000-120.000 đồng/kg.
Ngự trên đất dừa, lúa
Trước đây, để chủ động nguồn nguyên liệu, công ty Tân Đông đã liên hệ, đặt hàng lá chanh ở tận nhà vườn. Hiện có rất nhiều nông trại, bà con nông dân ở huyện Củ Chi - TP.HCM, các tỉnh Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Đồng Tháp,... đang là đối tác chiến lược, cung cấp nguồn nông sản sạch cho công ty.
Tân Đông cũng gây giống và đầu tư trồng 1 loại giống chanh chuyên lấy lá, đó là giống chanh Thái Lan (được gọi là giống chanh Kaffir). Loại chanh này lá hình số tám, sức sống rất mạnh, hầu như trồng chỉ để ăn lá, vì trái rất ít lại khô. Tuy nhiên, giá trị kinh tế từ lá mang lại rất cao.
Từ lâu, xã Lương Qưới được mệnh danh là vùng trồng chanh nhiều nhất ở tỉnh Bến Tre. Và thương hiệu chanh Lương Qưới cũng nổi tiếng trên thị trường, được xuất đi khắp các tỉnh thành trong cả nước. Với đặc thù là một xã nông nghiệp xuất phát từ cây lúa kém hiệu quả, dần dần người dân nơi đây chuyển đổi sang trồng chanh và không ít hộ đã rất thành công, nhanh chóng làm giàu từ cây chanh giấy.
Cùng với các cây trồng lâu năm như vải, ổi, quất,... cây chanh cũng đang phát triển mạnh trên đất Thanh Hà (Hải Dương). Đến nay, toàn huyện có trên 70 ha trồng chanh, tập trung chủ yếu ở các xã Thanh Xá, Thanh Xuân,...
Trồng chanh cho thu hoạch quả là chính, nhưng người dân địa phương vẫn thường xuyên kết hợp cắt tỉa lá đem bán để tăng thu nhập. Các hộ dân thường cắt tỉa lá 2-3 đợt, vào tháng 2 và tháng 8 âm lịch để bán. Vài ba năm trở lại đây, thương lái đến mua lá chanh và cành nhỏ khá nhiều với giá từ 50.000-60.000 đồng/kg, có lúc lên đến 70.000 đồng/kg, nên nhiều hộ chuyển sang trồng chanh chỉ để thu hoạch lá.
Bà Cao Thị Bích ở xóm 4 chia sẻ: Giống chanh nhà trồng là chanh gai, quả to, vỏ dày, nếu để thu quả sẽ kém hơn bán lá. Vì vậy, bà thường xuyên chăm sóc cây tốt để lá xanh, ra nhiều chồi non, nhiều lộc, nhiều cành mới, kìm hãm quá trình trình ra hoa và đậu quả. Mỗi năm, cắt tỉa lá từ 4-5 lần, trung bình 2-3 tháng lại cắt tỉa 1 lần.
Đặc biệt, thời điểm trước và sau Tết, giá lá chanh thường rất đắt, lên tới 70.000 đồng/kg, nên bà chăm sóc tốt để lá được to, đẹp. Hiện nay, người mua đến tận nhà đặt hàng, không phải đem đi bán. Mỗi năm, 2 sào chanh cho thu từ 15-17 triệu đồng tiền lá.
Lá chanh hiện không chỉ cung cấp cho các nhà hàng mà còn để sấy khô nên thường được mua với số lượng lớn. Việc trồng chanh lấy lá và cắt tỉa lá thêm để bán đã mang lại lợi ích kép về thu nhập nên bà con rất phấn khởi.