Một triển lãm tranh trên chất liệu giấy dó đang diễn ra tại Hà Nội thu hút cộng đồng yêu thích mỹ thuật quan tâm, tuy nhiên cũng không ít người nản lòng khi phải mua vé với giá 100.000 đồng mới được vào xem.
Chuyện này không phải là một ngoại lệ, vài không gian triển lãm tại TPHCM hay Hà Nội vẫn thường bán vé vào cổng ở một số triển lãm. Tuy nhiên, giá vé cũng chỉ vài chục ngàn đồng, để bù vào chi phí tổ chức sự kiện khi kinh phí tài trợ eo hẹp hoặc phụ thu để khán giả dự triển lãm thoải mái với tiệc trà, thưởng thức thêm âm nhạc như piano, violin…
Phí vào cổng xem triển lãm kể trên mất lòng không ít nhà sưu tập, có người thẳng thắn: “Đi mua xe hơi tiền tỷ, các cửa hàng có bán vé đâu, mua bức tranh có vài ngàn USD phải mất thêm tiền vé. Vậy họ muốn bán tranh hay bán vé?”. Ý kiến này cũng không hẳn quá đáng, một số không gian triển lãm với các sự kiện chưa xứng tầm để bán vé, đã phải đóng cửa sau một thời gian ngắn vì khán giả một đi không trở lại.
Tuy nhiên, nhiều giám tuyển và giới nghiên cứu mỹ thuật trong nước hiện nay khá ủng hộ việc bán vé xem triển lãm, bởi đây cũng là sự tôn trọng với tác giả - tác phẩm và định vị một nghệ sĩ trong giới. Giám tuyển Ace Lê phân tích: “Tại nhiều quốc gia, việc triển lãm bán vé hay không phân định rất rõ ràng, triển lãm phục vụ công chúng, được tổ chức bởi các bảo tàng, phi lợi nhuận, thì vé vào cửa là một nguồn thu thiết yếu để trang trải chi phí tổ chức.
Trong một số trường hợp, họ xin được đủ tài trợ từ các quỹ văn hóa thì sẽ không bán vé (một số quỹ chỉ tài trợ với điều kiện sự kiện không bán vé). Với phòng tranh thương mại, chuyện bán vé lại càng không, vì mục đích chính là kinh doanh, càng nhiều người tới tham quan càng tốt. Riêng với các hội chợ triển lãm lớn, nhà tổ chức vừa bán gian hàng cho các phòng tranh, vừa bán vé cho khán giả. Cái họ bán ở đây là một kỳ quan tổng hợp vượt trên trải nghiệm đơn lẻ tại mỗi phòng tranh, vì nó được định vị như sự giới thiệu những tác phẩm tốt nhất trong năm đó”.
Tại Việt Nam, khi công chúng vẫn chưa có thói quen mua vé xem triển lãm tranh thì những điều kể trên rất khó áp dụng, dù triển lãm đó xứng đáng. Nhiều giám tuyển đưa ra giải pháp như: vài ngày đầu là chương trình “private sales” (chương trình bán hàng đặc biệt, trong khoảng thời gian ngắn), chỉ dành cho khách quen và tiềm năng tới xem để họ có cơ hội mua trước tác phẩm họ thích nhất; sau đó là những ngày bán vé hoặc nếu có khách đặc biệt thì vẫn có thể gửi thư mời. Ngày cuối, nên mở cửa phục vụ miễn phí.
Rất khó để có một giải pháp thỏa đáng, khi thị trường mỹ thuật trong nước vẫn chưa thật sự lớn mạnh và thói quen mua vé xem tranh của khán giả chưa nhiều. Việc bán vé hay không ở một triển lãm cũng là thách thức với các đơn vị tổ chức...