Báo cáo bền vững-Xu hướng tất yếu

Trong vòng 10 năm qua, DN cũng như nhiều chính phủ các nước đã xem báo cáo bền vững (BCBV) như một công cụ bắt buộc để đánh giá và quản lý việc thực hiện các trách nhiệm xã hội của DN. Trong khi đó, tại Việt Nam, một khảo sát gần đây cho thấy phần lớn DN chưa hiểu, chưa quan tâm và chưa từng có ý nghĩ bắt tay vào xây dựng BCBV.

Trong vòng 10 năm qua, DN cũng như nhiều chính phủ các nước đã xem báo cáo bền vững (BCBV) như một công cụ bắt buộc để đánh giá và quản lý việc thực hiện các trách nhiệm xã hội của DN. Trong khi đó, tại Việt Nam, một khảo sát gần đây cho thấy phần lớn DN chưa hiểu, chưa quan tâm và chưa từng có ý nghĩ bắt tay vào xây dựng BCBV.

Tăng trưởng mạnh

Bà Christine Koblun, điều phối viên quan hệ mạng lưới Sáng kiến báo cáo toàn cầu (GRI), cho rằng thực hiện BCBV đang là xu thế tất yếu trên thế giới. Tỷ lệ cao toàn cầu về BCBV cho thấy hiện nó đã trở thành thông lệ DN tiêu chuẩn trên toàn thế giới. Trong những năm gần đây, BCBV đã tăng trưởng mạnh mẽ nhất tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Thí dụ, Ấn Độ tăng từ 20% năm 2011 lên 73% năm 2013. Tương tự, Singapore tăng từ 43% lên 80%, Australia tăng từ 57% lên 82%. Ấn Độ và Singapore tăng trưởng mạnh mẽ do việc áp dụng các yêu cầu báo cáo bắt buộc và tự nguyện mới. Tại Thượng Hải (Trung Quốc), hiện 3 loại hình công ty phải công bố thực hành trách nhiệm xã hội của DN gồm: (1) công ty nằm trong danh mục quản trị DN theo chỉ số SSE; (2) các công ty đã niêm yết tại cả thị trường trong nước và nước ngoài; (3) các công ty tài chính.

Theo đó, các công ty này phải công bố các thông tin như chính sách bảo vệ môi trường, mục tiêu và hiệu quả của bảo vệ môi trường hàng năm, tổng tiêu thụ năng lượng hàng năm, hiện trạng đầu tư bảo vệ môi trường và phát triển công nghệ môi trường, xây dựng hệ thống bảo vệ môi trường và hiện trạng hoạt động, hiện trạng xử lý chất thải sản xuất, thỏa thuận cải thiện môi trường.

Hay tại Brazil, năm 2014 tổ chức BM&FBOVESPA khuyến nghị các công ty đã niêm yết cung cấp thông tin về việc liệu họ có xuất bản báo cáo định kỳ hoặc tổng hợp về phát triển bền vững hay không, hoặc giải thích lý do vì sao không thực hiện. Cũng trong năm 2014, Ủy ban Chứng khoán Australia (ASX) ra khuyến nghị tổ chức niêm yết công bố họ có tài liệu gì cho biết các rủi ro quan trọng đối với phát triển bền vững về kinh tế, xã hội, môi trường.

Nếu có, họ sẽ quản trị rủi ro đó như thế nào. Trước đó, năm 2010, Ủy ban Chứng khoán Johannesburg của Nam Phi yêu cầu trên 450 công ty đã niêm yết xuất bản báo cáo tổng hợp. Ủy ban Chứng khoán Ấn Độ (SEBI) năm 2011 quy định các công ty đã niêm yết trình báo cáo trách nhiệm của DN mô tả các biện pháp đã áp dụng theo các nguyên tắc chính đề ra trong Hướng dẫn tự nguyện quốc gia 2011 về trách nhiệm của DN về kinh tế, xã hội và môi trường. Tương lại không xa, EU cũng sẽ ra một đạo luật buộc DN sử dụng 500 lao động trở lên phải có BCBV thường niên.

Cần đưa BCBV vào Luật DN

Theo ông Nguyễn Quang Vinh, Tổng thư ký Hội đồng DN Vì sự phát triển bền vững Việt Nam (VCCI), BCBV nói một cách đơn giản là báo cáo qua đó các DN công khai với cổ đông về tất cả những nguồn vốn mà DN đang sử dụng, trong đó có nguồn vốn kinh tế, vốn xã hội và vốn môi trường.

Tất cả những nguồn vốn đó được báo cáo một cách minh bạch, chân thực làm cho giá trị thực của DN được hiện lên rõ nét. Từ đó những nguồn lực này sẽ được phân bổ đúng đắn, quản trị rõ ràng hơn, uy tín hơn. Hiện nay có rất nhiều sáng kiến về BCBV cũng đang được Liên hiệp quốc và các tổ chức thực hiện như: Mạng lưới Hiệp ước toàn cầu của Liên hiệp quốc (UNGC); Báo cáo DN bền vững toàn cầu năm 2013; Khung báo cáo tích hợp quốc tế (IIRC); Sáng kiến Báo cáo Toàn cầu (GRI)... mà các DN trong nước có thể tiếp cận.

Tại Việt Nam, hiện đã có một số tập đoàn, DN lớn bắt đầu tiếp cận và thực hiện BCBV. Đơn cử như Tập đoàn Bảo Việt, Công ty Vinamilk, Công ty Jia Hsin, Deloitte, Standard Charterd Bank, Công ty Schneider Electric Việt Nam…

Dù vậy, kết quả khảo sát của Hội đồng DN vì sự Phát triển Bền vững-VCCI tiến hành ở 200 DN tiêu biểu cho thấy số lượng DN tham gia thực hiện (tự nguyện) BCBV vẫn còn rất hạn chế. Ông Vinh cho biết: “Khi được hỏi về mức độ cảm nhận, hiểu biết về BCBV nói riêng và trách nhiệm xã hội nói chung, rất buồn là 60% DN đều không hiểu đúng về khái niệm BCBV cũng như mức độ quan tâm đến thực hiện trách nhiệm xã hội. BCBV đang là một xu thế tất yếu, ngày càng được phổ biến và áp dụng rộng rãi trên thế giới.

Trong khi đó, BCBV vẫn còn là một khái niệm mới với các DN, bởi trên 90% DN chúng ta là DNNVV”. Cũng theo ông Vinh, trong xu thế hội nhập kinh tế toàn cầu, DN phải nỗ lực xây dựng và áp dụng BCBV nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh. Và để làm được điều đó, Nhà nước và các cơ quan chuyên môn, trong đó có VCCI, cần có cơ chế khuyến khích DN thực hiện BCBV.

“Chúng tôi đã xin ý kiến các cơ quan chuyên môn trong và ngoài nước để hoàn thiện báo cáo trình Chính phủ những kiến nghị cụ thể. Trong đó, kiến nghị đầu tiên là đưa BCBV vào trong Luật DN. Hai là nâng cao nhận thức huấn luyện cho DN có năng lực để xây dựng báo cáo. Ba là cho phép Hội đồng DN vì sự phát triển bền vững Việt Nam phối hợp với các cơ quan, ban, ngành, Bộ Kế hoạch-Đầu tư, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước… soạn thảo chỉ số DN bền vững, thông qua đó, chúng tôi có thể xếp hạng, tôn vinh các DN bền vững tốt nhất ở Việt Nam” - ông Vinh chia sẻ.

Các tin khác