Quyết định này đã được đưa ra sau khi mảng truyền thông (SPH Media) thua lỗ vào năm 2020, sau nhiều thập niên ghi nhận tỷ suất lợi nhuận hàng năm 20-40%. Tuy nhiên, vấn đề không đơn thuần là chuyện kinh doanh, bởi việc tái cấu trúc SPH Limited và SPH Media, trong đó có nhật báo The Straits Times (TST), là cơ hội để suy nghĩ về vị trí và thách thức của ngành truyền thông báo chí ở Singapore trong bối cảnh và thời cuộc mới.
Theo mô hình kinh doanh truyền thống, tại Singapore, báo chí sử dụng quảng cáo để tài trợ cho việc sản xuất nội dung. Các tờ báo đăng tải tin tức và phân tích để thu hút độc giả, còn các nhà quảng cáo trả tiền để tiếp thị sản phẩm cho những độc giả này.
Mô hình này đã được báo chí Singapore khai thác tốt, và tờ nhật báo TST 176 tuổi là minh chứng thành công. Thế nhưng, sự phát triển vũ bão của các nền tảng kỹ thuật số đã phá hủy mô hình kinh doanh này.
Doanh thu từ quảng cáo trên báo in sụt giảm do lưu hành báo in giảm vì độc giả sử dụng nội dung trực tuyến. Doanh thu từ quảng cáo thuộc về các công ty nền tảng kỹ thuật số như Facebook và Google, không phải các nhà sáng tạo nội dung như các công ty truyền thông. Trong khi đó, doanh thu từ độc giả đăng ký dài hạn khó tăng trưởng do có quá nhiều tin tức miễn phí trên mạng.
Theo ông S. Iswaran, Bộ trưởng Truyền thông - Thông tin Singapore (MCI), chính phủ nhiều nước thừa nhận khó khăn của các tổ chức báo chí, đã giúp tài trợ việc sản xuất nội dung tin tức và truyền thông.
Ở Pháp, trợ cấp cho các tờ báo hàng năm lên tới hàng trăm triệu euro. Tại các nước Scandinavia, chính phủ hỗ trợ báo chí thông qua trợ cấp trực tiếp và giảm thuế. Bởi lẽ, vấn nạn tin giả và cuộc khủng hoảng Covid-19 đang diễn ra càng cho thấy tầm quan trọng của báo chí chính thống.
Nếu không có báo chí chính thống, sẽ khó có các báo cáo nghiêm túc về các cuộc tranh luận tại quốc hội, phân tích hoặc điều tra về chi tiêu hoặc chính sách của chính phủ, đồ họa diễn giải về kết quả sức khỏe ở các phân khúc dân số khác nhau. Những thông tin này giúp xã hội hiểu rõ hơn về chính mình, hỗ trợ sự phát triển dân chủ và góp phần tạo nên ý thức đoàn kết hơn cho cộng đồng xã hội và cả một quốc gia.
Nhưng thách thức đặt ra cho SPH Media không đơn thuần là tiếp tục được chính phủ hỗ trợ mà phải là duy trì, nâng cao chất lượng và đáp ứng nhu cầu thông tin của người dân. Giải trình trước quốc hội Singapore sau khi SPH Media không còn trực thuộc SPH Limited, ông S. Iswaran cho biết dù mô hình kinh doanh và tài chính thay đổi, nhưng chính phủ Singapore không có ý định cũng như không mong muốn điều này sẽ ảnh hưởng đến mối quan hệ giữa MCI và tòa soạn SPH Media.
Ông nhấn mạnh: “Chính phủ lưu ý rằng các phương tiện truyền thông trong nước phải duy trì các tổ chức đáng tin cậy được người dân tin tưởng và các biên tập viên, nhà báo trong SPH Media vẫn có trách nhiệm đưa tin và các ý kiến đa dạng một cách khách quan”.
Tuyên bố của ông Iswaran có ý nghĩa quan trọng, bởi tại Singapore tất cả công ty truyền thông đều phải hoạt động theo sự điều chỉnh của MCI.
Nhiều ý kiến cho rằng xã hội Singapore sẽ yếu hơn nếu các phương tiện truyền thông chính thống bị giảm sút, không thể cung cấp những tin tức và phân tích đáng tin cậy. Để chống lại tình trạng thông tin giả, sai lệch hay kém chính xác, báo chí đáng tin cậy là một lợi ích công cộng và cần được ủng hộ.
Do đó, chính phủ Singapore đã khuyến khích SPH Media chuẩn bị cho cuộc cạnh tranh khốc liệt này và chuyển sang phương tiện truyền thông kỹ thuật số. Đây là điều mới mẻ đối với SPH Media, buộc các tờ báo trực thuộc phải quyết liệt hơn để tăng lượng độc giả của mình, đặc biệt là giới trẻ.
Điều này đòi hỏi các khoản đầu tư đáng kể vào chuyển đổi phương tiện kỹ thuật số. Chính phủ Singapore sẵn sàng giúp SPH Media xây dựng năng lực, thử nghiệm đổi mới và mở rộng quy mô để tăng tác động và tiếp cận.
Thách thức đặt ra cho SPH Media là làm thế nào để nâng cao các sản phẩm kỹ thuật số hiện tại, tăng lượng độc giả, đặc biệt là giới trẻ, chung quy là làm thế nào để tăng doanh thu kỹ thuật số để chống lại sự sụt giảm doanh thu từ báo in.
Ông Khaw Boon Wan, Chủ tịch SPH Media, chia sẻ ưu tư khi thế hệ của ông thưởng thức cà phê sáng với tờ báo giấy của SPH, trong khi giới trẻ truy cập tin tức trong ngày qua điện thoại, máy tính bảng.
Như vậy, SPH Media phải thích ứng với thói quen và mong đợi của họ, từ đó cải thiện các sản phẩm kỹ thuật số của mình nhằm làm chúng trở nên thiết yếu đối với cuộc sống hàng ngày. Các tòa soạn hiện tại được xây dựng cho thời đại báo in, nay cần được chuyển đổi nhiều hơn nữa cho thời đại điện thoại di động và máy tính bảng.
SPH Media phải vận hành theo cách nói của một công ty truyền thông của Anh: Chúng ta đã là một công ty truyền thông in ấn với các sản phẩm kỹ thuật số, giờ đây chúng ta phải dứt khoát trở thành một công ty truyền thông kỹ thuật số với các sản phẩm in.
Để làm được những điều nói trên, ông Khaw cho rằng cần có sự thay đổi trong tư duy. Nội dung chất lượng tốt vẫn là yếu tố quan trọng nhưng chưa đủ. Giờ đây, chúng ta phải khai thác công nghệ và nền tảng kỹ thuật số để tiếp cận kết nối có ý nghĩa với độc giả đăng ký mua báo dài hạn và cả người chưa đăng ký; lắng nghe và hiểu thói quen kỹ thuật số của họ, đồng thời tùy chỉnh nội dung cho phù hợp với lối sống và sự tiện lợi của họ.
Điều này đòi hỏi phải có bước nhảy vọt về năng lực, kỹ năng và thái độ làm việc. Sau khi ổn định quá trình chuyển đổi, SPH Media sẽ thành lập Học viện Truyền thông để đào tạo một cách có hệ thống cho người mới vào nghề báo, nâng cao kỹ năng cho đội ngũ nhân viên hiện có.
Học viện sẽ là nền tảng hữu ích để các đồng nghiệp xây dựng tinh thần đồng đội, tăng cường hợp tác, củng cố các giá trị và cam kết về chất lượng báo chí trong kỷ nguyên kỹ thuật số. Thách thức này không chỉ có ở Singapore, mà là hiện tượng toàn cầu.