Chỉ chưa đầy hai tháng, Quảng Bình - nơi “đòn gánh” hai đầu đất nước đã phải oằn mình ứng phó với liên tiếp các trận mưa, bão, lũ lụt dồn dập.
Trận lũ kinh hoàng giữa tháng 10 chưa kịp khắc phục xong, trận cuồng phong của cơn bão số 13 tiếp tục đổ bộ, càn quét vùng đất Quảng Bình và để lại những hậu quả nặng nề.
Bão qua, lũ rút, đứng trước muôn vàn những khó khăn, thách thức nhưng chính quyền và nhân dân Quảng Bình vẫn đang kiên cường, dốc sức, nỗ lực hết mình để nhanh chống khắc phục, tái thiết lại cuộc sống sau thiên tai.
Cơn bão số 13 khi đổ bộ vào đất liền Quảng Bình đã suy yếu giảm cấp. Tuy nhiên, với sức gió mạnh kèm mưa lớn xảy ra diện rộng, bão đã gây thiệt hại nặng nề cho địa phương này, nhất là khu vực ven biển.
Bão số 13 đã làm 11 người bị thương; 1.886 ngôi nhà bị tốc mái, trong đó thiệt hại nặng nhất là huyện Bố Trạch với 1.197 nhà.
Toàn tỉnh đã có 15 điểm trường, 11 nhà văn hóa và trạm y tế bị tốc mái và hư hỏng nặng; 13 tàu thuyền của ngư dân tại các khu neo đậu tránh trú trên địa bàn tỉnh bị gió đánh thủng mạn tàu gây chìm và hư hại.
Các tuyến đê, kè biển tại các xã Cảnh Dương, huyện Quảng Trạch; xã Hải Phú, huyện Bố Trạch… bị sóng biển và gió đánh vỡ, sạt lở nghiêm trọng. Hàng trăm ha hoa màu, cây trồng của người dân bị mưa bão đánh gãy đổ và thiệt hại.
Những ngày này, đi dọc các xã biển của huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình rất dễ bắt gặp hình ảnh tan hoang của những tuyến đê, kè biển bị sóng đánh vỡ.
Những ngôi nhà che mưa che nắng của nhiều ngư phủ miền biển bị gió bão thổi tốc mái, chỉ còn trơ phần trụ, cột bê tông.
Xót xa nghẹn lòng, nhưng người dân vùng biển vẫn luôn lạc quan tin tưởng “còn ngươi còn của,” cuộc sống sẽ sớm được tái thiết, ổn định trở lại.
Ngư dân Nguyễn Văn Bằng, xã Đức Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình cho biết, cơn bão số 13 vừa rồi cuốn bay toàn bộ mái che nhà bếp, gian nhà chính cũng bị gió hất văng ngói ở một số vị trí.
Các tài sản, vật dụng điện tử, đồ đạc trong nhà đều bị ngấm nước mưa và không thể sử dụng được. Chiếc thuyền nhỏ đi lộng kiếm cơm qua ngày của gia đình anh cũng đã bị gió đánh dạt hư hỏng nhiều chỗ.
Anh Nguyễn Văn Bằng cho biết: “Chưa năm nào như năm nay, mưa, bão, lũ lụt triền miên. Dù chủ động chằng chống, phòng tránh trước nhưng gió mạnh, mưa lớn nên không thể tránh khỏi thiệt hại. Trời bắt đầu hửng nắng, vợ chồng anh phải tranh thủ mua fibro - ximăng và ngói để lợp lại nhà. Các vật dụng bị ướt và hư hỏng không dùng được nữa đành bỏ đi. Giờ chỉ biết trông chờ vào các chuyến đi biển tới đây, có cá có tiền sẽ dần dần sắm lại vật dụng thôi.
Những chủ tàu cá đánh bắt xa bờ như anh Võ Văn Long, ở xã Đức Trạch, huyện Bố Trạch, suốt những ngày mưa bão, lũ lụt, tàu thuyền phải nằm bờ khiến cuộc sống gặp nhiều khó khăn.
Anh Long cho hay với người dân vùng biển, nguồn thu nhập chính để chăm lo cuộc sống gia đình đều phụ thuộc vào mỗi chuyến đi biển. Suốt gần 2 tháng qua, tàu nằm bờ, không những chủ tàu mà các bạn thuyền của anh cũng không có thu nhập. Mưa bão liên tục khiến nỗi lo trong lòng của anh và các bạn thuyền ngày càng lớn.
Anh Long chia sẻ mỗi con tàu vươn khơi bám biển, nếu đóng mới và mua sắm đầy đủ ngư cụ cũng phải mất từ 5 tỷ trở lên, có tàu đầu tư cả mấy chục tỷ đồng. Đa phần kinh phí đều vay mượn ngân hàng và người thân, một phần vốn liếng tự có. Nếu không đi biển được, tàu cứ nằm bờ dài ngày không biết lấy gì để trả các khoản nợ đã vay... Từ nay đến cuối năm, mong trời yên biển lặng, đừng mưa bão thêm nữa để ngư dân yên tâm ra khơi bám biển, có thu nhập để lo cho vợ con, gia đình và cuộc sống.
Những người dân vùng rốn lũ các huyện Lệ Thủy, Quảng Ninh (Quảng Bình) không thể nào quên trận lũ kinh hoàng xảy ra vào giữa tháng 10 vừa qua đã “cướp” đi nhiều thứ quý giá của họ. Đã có những thương vong về người; hơn 110.000 ngôi nhà bị lũ nhấn chìm; hàng trăm ngôi nhà bị sập và hư hỏng nặng. Thiệt hại về người và tài sản cùng những khó khăn, vất vả của người dân và chính quyền địa phương nơi đây trong trận mưa lũ thật khó diễn tả hết bằng lời.
Với những người nông dân quanh năm “một nắng hai sương” gắn bó với đồng ruộng như vợ chồng anh Trần Hữu Doãn, xã Lộc Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình, xây cất được ngôi nhà kiên cố để ở thực sự không dễ dàng. Cơn “đại hồng thủy” vừa qua khiến ngôi nhà của anh Doãn bị thiệt hại nặng nề, phần mái che và các bức tường nhà bị cuốn đổ, tan hoang.
Anh Doãn cho biết cũng may là vợ chồng con cái đều bình an, còn người còn của, khó khăn đến đâu khắc phục đến đó. Trước mắt, gia đình phải gửi con sang nhà người thân ở nhờ, hai vợ chồng tiến hành thu dọn đất đá, bê tông bị đổ. Rút kinh nghiệm từ trận mưa lũ này, tới đây, gia đình sẽ cố gắng vay mượn thêm tiền để xây sửa lại ngôi nhà kiên cố, chắc chắn hơn phòng khi mưa bão về.
Nằm ở vùng rốn lũ của huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình, Trường Mầm non Sơn Thủy là một trong những ngôi trường chịu nhiều thiệt hại khi trận lũ lịch sử ập đến.
Cô Nguyễn Thị Hằng Hà, Hiệu trưởng Trường Mầm non Sơn Thủy, kể lại thời điểm mưa lũ xảy ra, Trường có hai điểm trường, cả hai điểm đều bị ngập trong biển nước. Đặc biệt, điểm trường đặt tại thôn Ngô Bắc, xã Sơn Thủy bị lũ đánh tan hoang. Toàn bộ hệ thống cửa của các phòng học, phòng chức năng đều bị đánh bay. Các vật dụng dạy học trôi theo dòng nước lũ. Cơ sở vật chất bị hư hỏng, các phòng học không thể đảm bảo an toàn để đón trẻ trở lại trường. Đã hơn một tháng trôi qua, toàn bộ trẻ ở điểm trường này phải chuyển về điểm trường chính hoặc học tạm tại nhà văn hóa thôn. Vất vả, khó khăn không thể nào kể hết.
"Mưa gió, bão lũ xảy ra gây nhiều tổn thất cho địa phương cũng như ngành Giáo dục của tỉnh. Trước khó khăn chung như vậy, chúng tôi mong muốn các cấp, ngành, chính quyền địa phương và cộng đồng xã hội tiếp tục chung tay, hợp sức, giúp đỡ, hỗ trợ nhà trường và nhân dân Quảng Bình, cổ vũ và tiếp thêm sức mạnh để chúng tôi nhanh chóng khắc phục thiệt hại, tái thiết cuộc sống. Tôi luôn có niềm tin, với sự đoàn kết, thấu hiểu và sẻ chia của toàn xã hội, các điểm trường bị thiệt hại nặng như trường chúng tôi sẽ sớm đón trẻ trở lại học tập trong môi trường vui tươi, chất lượng và an toàn nhất," Cô Hà bày tỏ.
Trong hoạn nạn, khó khăn, “tình dân tộc, nghĩa đồng bào” đã được lan tỏa, truyền đi mạnh mẽ cùng những giá trị nhân văn tốt đẹp của tinh thần “tương thân tương ái”, “lá lành đùm lá rách.”
Con đường phía trước sẽ còn nhiều chông gai, thử thách, nhưng với sự quan tâm, chỉ đạo sâu sát của Đảng, Nhà nước, những tình cảm tốt đẹp của toàn thể xã hội đã truyền thêm sức mạnh, niềm tin để mảnh đất và con người Quảng Bình vững vàng, kiên cường tự tin vượt qua khó khăn, tái thiệt cuộc sống tươi đẹp hơn.