Để có bức tranh nguồn nhân lực cao
Là TP đông dân nhất cả nước, nhưng so với các TP lớn khác ở châu Á như Singapore, Kuala Lumpur, Thượng Hải, chất lượng dân số của TP ở mức trung bình. Có nghĩa là TP đông dân nhưng không mạnh, chưa phải là TP tri thức, chưa đạt tới tầm đẳng cấp quốc tế.
Một TP chủ yếu vẫn còn dựa trên nền tảng của công nghiệp thiên về chiều rộng (thâm dụng lao động, chiếm dụng mặt bằng lớn, tay nghề thấp, công nghệ lạc hậu, suất đầu tư lớn, năng xuất thấp, gia công cho nước ngoài, xuất khẩu thô), không thể nào cất cánh được. Chất lượng dân số thấp không thể nói đến phát triển nhanh và bền vững được.
Quốc gia cũng như một TP đông dân được hợp thành bởi nhiều nhóm, nhiều cộng đồng khác nhau. Song không phải tất cả nhóm có vai trò như nhau trong phát triển, có nhóm đóng vai trò dẫn đắt, có nhóm động lục thúc đẩy, hưởng ứng, có những nhóm phụ thuộc. Chất lượng dân cư trong một TP được phân tầng ra trong một kim tự tháp. Hình dung như sau:
Nhóm tinh hoa. Các nghiên cứu cho thấy nhóm đóng vai trò dẫn dắt xã hội bao gồm chuyên gia cao cấp, lãnh đạo cao cấp, doanh nhân lớn. Nhóm này không quá đông nhưng là những người thông minh, giỏi, tinh thông, họ định hướng, tạo xu hướng, hình ảnh, gây ảnh hưởng và thu hút mọi người theo mình. TP nào tầng lớp tinh hoa càng đông, mạnh, đoàn kết sẽ tiến rất xa và nhanh.
Nhóm hưởng ứng. Nhóm này khá đông đảo, đóng vai trò là động lực, thúc đẩy xã hội. Họ là tầng lớp trung lưu, khá giả về kinh tế, có học vấn, có năng lực. Trong các xã hội phát triển tầng lớp trung lưu bao giờ cũng chiếm đại đa số, có thể lên tới 40-50%.
Nhóm đi theo các xu hướng xã hội được mặc định. Nhóm này rất đông, có sức mạnh tiềm tàng nếu được huy động, nhưng ít chủ động. 3 nhóm này nếu có chất lượng tốt dễ dẫn đến sự đồng thuận và thành công. Bài học của Singapore, và các nước châu Âu cho thấy điều này. Nhưng trong số đó tầng lớp tinh hoa quan trọng nhất.
Nhưng TPHCM vừa yếu vừa thiếu
Nhưng TPHCM vừa yếu vừa thiếu
Một TP đẳng cấp là TP có khả năng cạnh tranh cao. Điều đó chỉ có được khi chúng ta có đội ngũ các nhà trí thức, doanh nhân, công nhân, nông dân, dịch vụ có chất lượng. |
Các sản phẩm nghiên cứu khoa học chất lượng kém, khả năng ứng dụng thấp, quá ít sản phẩm được thương mại hóa quốc nội và hầu như không có ảnh hưởng ra ngoài biên giới.
Còn đội ngũ cán bộ công quyền không giỏi, thiếu chuyên nghiệp, thiếu kỹ năng (đặc biệt 2 kỹ năng quan trọng nhất là tổ chức hành động thực tiễn và ngoại ngữ), thiếu sáng tạo và khá phụ thuộc.
Đặc biệt, TP thiếu nhóm tham mưu giỏi, chuyên sâu cho lãnh đạo. Các kết quả khảo sát cho thấy cán bộ cấp cơ sở chưa đáp ứng được yêu cầu mới, chỉ 28% có bằng đại học. Trong đó, số được đào tạo về các lĩnh vực đô thị 25%, chỉ 9% biết sử dụng ngoại ngữ, 13,6% thành thạo tin học văn phòng, rất nhiều cán bộ phụ trách địa chính được chuyển qua từ hội phụ nữ, dân phòng, mặt trận tổ quốc; 58 cán bộ phụ trách văn hóa của 58 xã ngoại thành chỉ có 5 người là được đào tạo về văn hóa ở trường lớp, còn lại được luân chuyển qua lại từ các vị trí khác nhau.
Theo báo cáo của Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TPHCM, có đến 28% lực lượng lao động của TP chưa qua đào tạo, 26% mới được đào tạo ở mức sơ khởi.
Đội ngũ doanh nhân ở TPHCM nhỏ bé về quy mô, tầm mức ảnh hưởng hẹp, yếu ớt, chưa vươn ra được tầm quốc tế. TPHCM thiếu các đại gia kinh tế như Samsung, LG, Honda…
Các đại gia chủ yếu thuộc lĩnh vực bất động sản, giàu lên nhờ chênh lệch địa tô, nắm bắt cơ hội chuyển đổi xã hội cổ phần hóa, chưa quen với kinh tế thị trường và dựa thế quan chức.
Những thành phần này không thể dẫn dắt xã hội về kỹ thuật, công nghệ, tổ chức và hình ảnh. TP muốn có 500.000 doanh nghiệp phải có 50-100 nhà dẫn dắt, nếu không chỉ là những doanh nghiệp tý hon, siêu nhỏ.
TP thiếu vắng đội ngũ công nhân công nghiệp hiện đại gọi là “cổ cồn xanh” theo đúng nghĩa, chỉ là lao động phổ thông làm thuê, đời sống kinh tế nghèo, dân trí thấp, không kết thành giai tầng xã hội như ở các nước phát triển. Các sản phẩm công nghiệp chủ yếu là gia công cho nước ngoài, các sản phẩm thủ công nghiệp đơn điệu, ít đổi mới.
Chính vì chất lượng dân số không cao, sản phẩm tạo ra chỉ ở mức trung bình, không có khả năng cạnh tranh khu vực. Điều đó thể hiện không chỉ trong sản xuất, còn ở các lĩnh vực như các sản phẩm văn học nghệ thuật ở mức thấp, có phần dễ dãi, các sản phẩm phục vụ cho du lịch ít và lạc hậu, nghèo nàn về chủng loại, mẫu mã.
Ảnh minh họa.
Những giải pháp
TPHCM cần thay đổi cơ cấu kinh tế, chuyển nhanh sang thành trung tâm quốc tế về tài chính, dịch vụ (y tế, giáo dục), du lịch ở bậc cao, để những người làm việc ở TP hầu hết là trẻ, khỏe, có học vấn và tay nghề chuyên môn cao.
Vì thế, giải pháp tái cấu trúc không gian kinh tế là giảm lực lượng lao động có tay nghề trung bình và thấp (lao động phổ thông), không phát triển các loại nhà máy gia công ở trình độ thấp.
Phát triển các khu công nghiệp, khu công nghệ cao, khu phần mềm, khu công nghệ sinh học. Thúc đẩy phát triển công nghiệp ở các tỉnh miền Trung, miền Tây để công nhân không phải di chuyển vào TPHCM.
Hình thành tầng lớp cư dân có đẳng cấp đóng vai trò dẫn dắt xã hội, thông qua việc thu hút dân cư có chất lượng cao (chuyên gia) từ các nơi trong nước kể cả nước ngoài.
Một số trường đại học công lập (Đại học quốc gia TPHCM, Đại học Fulbright) chỉ tập trung đào tạo các chuyên gia, nhà lãnh đạo chất lượng cao cho TP, chuyển việc đào tạo lao động phổ thông cho trường đại học nhỏ và các tỉnh lân cận. Việc đào tạo ra các nhà lãnh đạo giỏi sẽ làm thay đổi nhanh chóng thực trạng ở các đơn vị, các cấp.
Nâng cấp có trọng điểm cán bộ cấp cơ sở (quận, huyện, phường, xã) theo hướng tinh thông và chuyên nghiệp, thông qua các khóa huấn luyện, khóa học trung hạn, đặc biệt là quản lý đô thị. Thúc đẩy hình thành tầng lớp doanh nhân có tầm quốc tế làm lực lượng dẫn dắt cho hơn nửa triệu doanh nghiệp vào sau năm 2020.