Trao đổi sau trận mưa lịch sử chiều 29-5 khiến hầu hết các quận trung tâm thành phố Hà Nội bị ngập sâu trong nước, giao thông tê liệt, nhiều chuyên gia cho rằng cần phải dừng ngay việc lấp ao hồ tự nhiên, đồng thời sớm quy hoạch không gian đô thị ngầm, trong đó có xây bể chứa nước.
Kiến trúc sư Phạm Thanh Tùng - chánh văn phòng Hội Kiến trúc sư Việt Nam - cho biết đến nay Hà Nội vẫn chưa có quy hoạch không gian ngầm đô thị. Hiện chỉ mới có hệ thống thoát nước, đường điện, viễn thông...
Hạ tầng chống ngập còn manh mún
Chiều 30-5, trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Bùi Ngọc Uyên - phó trưởng phòng đối ngoại truyền thông Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội - cho biết những năm qua thành phố Hà Nội đã có đầu tư lưu vực trung tâm bao gồm cả thoát nước và xử lý nước thải. Tuy nhiên các vùng khác chỉ mới đầu tư lẻ tẻ, chưa tổng thể.
"Tôi biết để đầu tư tổng thể thì kinh phí rất lớn vì hiện nay Hà Nội có hàng nghìn kilômet vuông. Muốn đầu tư cần quy hoạch sau đó phải có nguồn lực. Cả hàng trăm nghìn tỉ đồng mới làm được hạ tầng đồng bộ...", ông Uyên cho biết.
Về quy hoạch ông Uyên cho hay trong đô thị ngầm có cả giao thông, công trình ngầm, thoát nước nhưng Hà Nội vẫn chưa được triển khai dù rất cần phải có các bể chứa nước lớn. Hà Nội cũng đã có bể ngầm chứa khoảng 2.000m3 bằng công nghệ của Nhật Bản ở Trường Lý Thường Kiệt (phố Nguyễn Khuyến) giải quyết ngập úng cho khu vực này.
"Bể chứa có tác dụng khi mưa nước thoát xuống nhanh, nước mưa sau đó sẽ tái sử dụng phục vụ tưới tiêu cho nông nghiệp, rửa đường, tưới cây, cứu hỏa. Tuy nhiên với bể chứa như trên thì rất nhỏ bởi ở nhiều quốc gia họ đã có bể đựng hàng triệu mét khối nước", ông Uyên nói.
Ngoài ra ông Uyên cho biết trạm bơm Yên Nghĩa có công suất 120m3/giây nối từ sông Nhuệ ra sông Đáy đang bị chậm khoảng 2 năm. Trong quy hoạch còn có trạm bơm Liên Mạc thoát nước sông Nhuệ ra sông Hồng, công suất còn lớn hơn trạm bơm Yên Nghĩa nhưng hiện nay vẫn chưa thấy "động đậy" đầu tư.
"Nếu trạm bơm Yên Nghĩa đi vào hoạt động thì sẽ giải quyết ngập, úng các quận phía tây nam thành phố như: Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm, Cầu Giấy, Thanh Xuân, huyện Hoài Đức, Quốc Oai, Thanh Oai...", ông Uyên thông tin.
Quy hoạch không gian ngầm, bể chứa nước
Hà Nội cần triển khai mô hình khoán trách nhiệm cho từng đơn vị được giao vận hành hệ thống thoát nước trong từng khu vực. Theo đó, nếu khu vực nào để xảy ra ngập, úng sẽ phải chịu trách nhiệm, chứ không thể quy trách nhiệm rất chung chung như hiện nay. ThS Vũ Hoàng Điệp |
Kiến trúc sư Phạm Thanh Tùng bày tỏ: "Vấn đề mấu chốt cho tương lai vẫn phải quy hoạch không gian ngầm để làm các bể chứa, điều này rất quan trọng. Một số quốc gia như: Malaysia, Singapore, Nhật Bản đã làm từ lâu rồi. Bể chứa nước ngầm của họ còn trở thành nơi tham quan, giải trí. Làm bể ngầm không chỉ chống ngập úng lúc mưa mà còn tích trữ nước lúc hạn hán. Đây là bài toán tổng hợp, có tầm nhìn, cần phải tham vấn cả chuyên gia địa chất".
Về vấn đề đặt ra trước mắt để chống ngập úng, ông Tùng cho rằng cần phải hạn chế bêtông hóa đường phố Hà Nội. Nhiều tuyến đường của Hà Nội toàn nhà cao tầng nhưng chưa tính toán hết cống ngầm. Bây giờ vẫn là hệ thống cống cũ, chưa kết nối hài hòa. Hà Nội đang phải trả giá cho việc bêtông hóa lấp đi rất nhiều "túi nước" (ao, hồ). Năm 2008 mưa kéo dài một ngày đêm đã ngập toàn thành phố trong nhiều ngày.
Ngoài ra theo ông Tùng, khi xây dựng cần phải xác định lại cốt nền đô thị. "Khi có cốt nền thì hệ thống thoát nước mới được thông suốt, mới có thể tính toán được chỗ nào cần nâng cao, hạ xuống", ông Tùng nói.
Đồng quan điểm, giáo sư Đặng Hùng Võ - nguyên thứ trưởng Bộ Tài nguyên và môi trường - cho biết câu chuyện chống ngập ở Hà Nội đã được bàn thảo nhiều lần. Đô thị hóa của Hà Nội cũng như nhiều thành phố khác ở nước ta cho xây nhà, khu đô thị trên diện tích mặt nước là "chuyện rất sai lầm".
Ông Võ nói: "Túi nước chính là các ao, hồ trước đây chúng ta đã lấp đi rất nhiều, sông thì gần như "chết" gần hết. Để làm quy hoạch cần có bản đồ ngầm nhưng đến nay Hà Nội vẫn chưa có. Muốn chống ngập thành công thì về lâu dài cần phải có quy hoạch không gian ngầm đô thị".
Ngoài ra ông Võ đề xuất thành phố Hà Nội cần phải giữ lại hồ, ao tự nhiên. Đối với các công trình đang xây dựng phải yêu cầu có bể ngầm chứa nước, xử lý nước trước khi thải ra môi trường.
"Như trường hợp người dân quận Long Biên (Hà Nội) bức xúc vì hồ tự nhiên Bà Đồ bị lấp để triển khai dự án. Đến nay dù chính quyền đã dừng san lấp nhưng qua trận mưa chiều 29-5 cho thấy chúng ta đang phải trả giá quá đắt vì tùy tiện lấp ao, hồ", ông Võ nhìn nhận.
Người dân Hà Nội vất vả di chuyển trong cơn ngập lịch sử chiều 29-5 - Ảnh: QUANG THẾ
Khí hậu bất thường, mãi chưa thấy hoa sấu Kiến trúc sư Phạm Thanh Tùng cho biết quy hoạch không gian ngầm cần phải có tầm nhìn bởi biến đổi khí hậu bây giờ rất phức tạp vì chưa năm nào như năm nay cuối tháng 5 mà Hà Nội vẫn chưa thấy hoa sấu. "Nếu mưa lớn tiếp diễn thì nước sẽ đổ đi đâu? Trước đây, đô thị hóa ít nên nước đổ ra chỗ trũng, thường là đất nông nghiệp. Nhưng đến nay nhiều khu vực đất nông nghiệp đã trở thành dự án bất động sản. Do vậy cần phải đẩy nhanh được các trạm bơm đang chậm tiến độ, những trạm bơm đang trong quy hoạch thì cũng cần triển khai sớm để giải quyết những nhu cầu trước mắt chống úng, ngập. Chúng ta đẩy mạnh hơn nữa để cải tạo các dòng sông, từ đó bơm ra các con sông lớn như sông Hồng", ông Tùng góp ý. Vùng trung tâm TP.HCM đã bớt ngập Bằng việc đầu tư nhiều dự án chống ngập, tình trạng ngập nước tại các khu vực trung tâm TP.HCM đã dần được cải thiện. Nhiều "rốn ngập" trước đây như đường Nguyễn Hữu Cảnh, đường Nguyễn Xí... đã được xóa. Theo Ðề án chống ngập và xử lý nước thải TP.HCM giai đoạn 2020 - 2045, kế hoạch chống ngập và xử lý nước thải giai đoạn 2020 - 2030, trong năm 2022, TP.HCM sẽ cho khởi công dự án cải thiện môi trường nước lưu vực kênh Bến Nghé - Tàu Hủ - Ðôi - Tẻ (giai đoạn 3), hoàn thành vào năm 2027. Trong khi đó, dự án cải thiện hệ thống thoát nước, nước thải và thích ứng biến đổi khí hậu tại lưu vực tây Sài Gòn dự kiến được khởi công năm 2023 và hoàn thành năm 2028. Còn tổng thể trong giai đoạn 2021 - 2025, Sở Xây dựng nhận định TP.HCM cần khoảng 101.000 tỉ đồng (khoảng 4,3 tỉ USD) để triển khai thực hiện các dự án. Số tiền này sẽ đầu tư vào các dự án thuộc quy hoạch 752 (về tổng thể hệ thống thoát nước của TP.HCM đến năm 2020) hơn 38.100 tỉ đồng cho 16 dự án. 29 dự án thuộc quy hoạch 1547 (quy hoạch thủy lợi chống ngập úng khu vực TP.HCM) sẽ có vốn đầu tư khoảng 20.600 tỉ đồng. Các dự án xây dựng nhà máy xử lý nước thải 41.000 tỉ đồng. Và các công trình khác hơn 1.700 tỉ đồng. Với số vốn đầu tư "khủng" này, thành phố đề ra mục tiêu không để tái ngập tại các vị trí đã được giải quyết trong phạm vi 550km2 thuộc giai đoạn 2016 - 2020. Tập trung giải quyết ngập bền vững cho vùng trung tâm thành phố rộng 106,41km2, cơ bản giải quyết thoát nước cho các vùng còn lại của thành phố. Bên cạnh đó, thành phố cũng thực hiện các dự án nâng cấp, cải tạo hệ thống thoát nước, giải quyết 15 tuyến đường ngập do mưa còn lại. Tuy nhiên, hiện nay sau khi chống ngập tương đối thành công cho vùng trung tâm thì các quận huyện vùng ven lại xuất hiện các điểm ngập mới. Nguyên nhân do tốc độ đô thị hóa nhanh nhưng hệ thống hạ tầng kỹ thuật, nhất là hệ thống thoát nước chưa theo kịp. Do đó, TP.HCM sẽ xây dựng mới, hoàn thiện hệ thống thoát nước tại khu vực chưa có hệ thống thoát nước, đặc biệt là khu vực phía đông thành phố. Thực hiện nạo vét các trục tiêu thoát nước lớn nhằm tăng cường khả năng thoát nước cho khu vực trung tâm thành phố về phía nam. |