Bảo hiểm tín dụng xuất khẩu: Bên mua, bán không mặn mà

Ngày 5-11-2010, Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Quyết định 2011/QĐ-TTg về việc thực hiện thí điểm bảo hiểm tín dụng xuất khẩu (BHTDXK), mục tiêu đến cuối năm 2013, 3% kim ngạch xuất khẩu sẽ được BHTDXK. Thế nhưng, việc triển khai BHTDXK ở nước ta vẫn còn nhiều khó khăn.

Ngày 5-11-2010, Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Quyết định 2011/QĐ-TTg về việc thực hiện thí điểm bảo hiểm tín dụng xuất khẩu (BHTDXK), mục tiêu đến cuối năm 2013, 3% kim ngạch xuất khẩu sẽ được BHTDXK. Thế nhưng, việc triển khai BHTDXK ở nước ta vẫn còn nhiều khó khăn.

Khách hàng chưa mặn mà

BHTDXK giúp thúc đẩy hoạt động xuất khẩu quốc gia; giúp đảm bảo tài chính cho nhà xuất khẩu trong trường hợp nhà nhập khẩu không có khả năng thanh toán; giúp DN giảm thiểu rủi ro khi tìm đến những thị trường xuất khẩu mới và làm việc với các đối tác mới, yêu cầu thanh toán trả sau; tăng khả năng đi vay từ các tổ chức tín dụng. Nhiều ưu điểm là thế nhưng thực tế các DN vẫn chưa mặn mà với sản phẩm này.

Ông Nguyễn Thanh Tuyên, Trưởng phòng marketing Công ty Thủy sản Viet Seafood, cho hay: “Viet Seafood có biết đến sản phẩm BHTDXK, nhưng đến nay và trong tương lai gần sẽ chưa sử dụng sản phẩm này do phí mua BHTDXK khá cao, khiến giá thành sản phẩm bị đội lên, làm giảm khả năng cạnh tranh. Hơn nữa, cho đến nay, dù chưa mua bảo hiểm nhưng mọi chuyện vẫn tốt, không có vấn đề gì”.

Bảo hiểm tín dụng xuất khẩu giúp DN giảm thiểu rủi ro khi tìm đến những thị trường xuất khẩu mới. Ảnh: LÃ ANH

Bảo hiểm tín dụng xuất khẩu giúp DN giảm thiểu rủi ro khi tìm đến
những thị trường xuất khẩu mới. Ảnh: LÃ ANH

Không chỉ Viet Seafood, khá nhiều công ty khi được hỏi về sản phẩm này đều trả lời có biết nhưng chưa mua vì phí quá cao, nếu mua sẽ phải giảm lợi nhuận hoặc tăng giá bán. Cả hai trường hợp này DN đều chưa nghĩ tới trong thời điểm nhiều khó khăn hiện nay. Cá biệt có một vài đơn vị xuất khẩu ở ĐBSCL còn chưa biết gì về sản phẩm bảo hiểm này.

Trao đổi với ĐTTC, ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu Thủy sản Việt Nam, cũng thừa nhận chưa có nhiều thông tin về BHTDXK và cho biết: “Chúng tôi sẽ tìm hiểu thêm và thông tin cho các DN trong hiệp hội, vì theo tôi đây là sản phẩm các DN nên tìm hiểu”.

Công ty bảo hiểm lúng túng

Hiện nay, khi xâm nhập các thị trường mới, rất nhiều đối tác yêu cầu phương thức thanh toán trả sau. Không đồng ý, DN xuất khẩu sẽ mất khách, mà đồng ý lại lo khâu thanh toán không an toàn. Do vậy, mua BHTDXK là an tâm nhất dù có phải giảm lợi nhuận của DN. Thế nhưng, thực tế DN muốn mua cũng chẳng phải dễ vì hiện nay “người bán” là những DN bảo hiểm lại đang gặp nhiều khó khăn khi triển khai dịch vụ này.

Theo thống kê của Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, tính đến nay mới chỉ có 3 DN bảo hiểm cung cấp sản phẩm BHTDXK: Công ty Bảo hiểm Bảo Minh, CTCP Bảo hiểm Dầu khí và Công ty TNHH Bảo hiểm QBE.

Ông Phùng Đắc Lộc, Tổng thư ký Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, cho biết: DN bảo hiểm muốn triển khai sản phẩm này phải có khả năng thẩm định được nhà nhập khẩu nước ngoài. Những rủi ro thương mại và chính trị có thể đến với nhà nhập khẩu đều phải được lượng định trước. Việc này hầu hết các DN bảo hiểm Việt Nam chưa làm được, do chưa có cơ sở dữ liệu thông tin về các DN trên toàn cầu.

Công ty Bảo hiểm Bảo Minh cũng thừa nhận đây là sản phẩm tương đối khó với các công ty bảo hiểm. Để triển khai loại hình này, Bảo Minh phải liên kết với một tập đoàn bảo hiểm lớn trên thế giới có cơ sở dữ liệu về nhiều DN, có khả năng thẩm định, đánh giá rủi ro… Và tập đoàn này nhận tái bảo hiểm cho Bảo Minh. Đây cũng là cách một số công ty bảo hiểm Việt Nam tính tới khi triển khai loại hình này.

Song về lâu dài, các DN bảo hiểm Việt Nam cần có những cơ sở dữ liệu của riêng mình để khai thác thị trường tiềm năng này. Muốn vậy rất cần có sự hỗ trợ từ Nhà nước. Bởi hiện nay chúng ta đều có đại sứ quán tại hầu hết quốc gia, trong đó có bộ phận thương vụ. Các thương vụ có thể giúp cung cấp thông tin để các DN xây dựng cơ sở dữ liệu.

Ngay bản thân các DN bảo hiểm có mạng lưới đại lý nước ngoài cũng phải có các chương trình đào tạo cho chính nhân viên của mình. Bên cạnh đó, cũng phải có hình thức khuyến khích các DN xuất khẩu quan tâm hơn đến sản phẩm BHTDXK thông qua hình thức hỗ trợ của Nhà nước.

Nhưng hỗ trợ làm sao và như thế nào để không vi phạm các quy định WTO (không được coi là trợ cấp xuất khẩu) là bài toán mà phía các cơ quan chức năng còn phải tìm lời giải đáp.

Các tin khác