Thiệt hại qua các con số
Tổn thất toàn cầu trong nửa đầu năm 2024 là 120 tỷ USD, thấp hơn so với năm 2023 là 140 tỷ USD. Tuy nhiên, năm 2023 bị ảnh hưởng bởi những tổn thất cực kỳ lớn liên quan đến trận động đất nghiêm trọng ở Thổ Nhĩ Kỳ và Syria.
Còn 2024, nếu so sánh dài hơn, tổng thiệt hại chỉ trong nửa đầu năm 2024 đã vượt quá giá trị trung bình của 30 năm trước đó. Đáng chú ý, tỷ lệ yêu cầu bồi thường vì thiên tai ở mức cao với 68% tổng thiệt hại và 76% thiệt hại được bảo hiểm.
Thảm họa thiên nhiên tốn kém nhất trong nửa đầu năm là trận động đất ở Nhật Bản vào ngày đầu năm mới. Với cường độ 7,5 độ richter, trận động đất đã làm rung chuyển bờ biển phía Tây, gần bán đảo Noto. Nhiều tòa nhà bị sập và hàng nghìn người không có điện hoặc nước sạch trong nhiều tuần. Hơn 200 người đã thiệt mạng.
Tổng thiệt hại ước tính lên tới khoảng 10 tỷ USD, bao gồm cả thiệt hại được bảo hiểm khoảng 2 tỷ USD. Dù Nhật Bản đã chuẩn bị tốt cho các thảm họa thiên nhiên bằng các biện pháp phòng chống động đất, nhưng cũng không tránh khỏi thiệt hại.
Sau trận động đất vào tháng 1 ở Nhật Bản, mặt đất cũng rung chuyển gần Hoa Liên, Đài Loan (Trung Quốc) vào tháng 4. Trận động đất mạnh 7,3 độ richter là thảm họa tồi tệ nhất trong khu vực kể từ năm 1999, với tổng thiệt hại là 4,6 tỷ USD, trong đó chỉ có 0,8 tỷ USD được bảo hiểm.
Tại Mỹ, các cơn giông bão nghiêm trọng đã thúc đẩy số liệu thống kê về thiệt hại trong 6 tháng đầu năm. Từ tháng 1 đến tháng 6, Cơ quan Quản lý khí quyển và đại dương Quốc gia (NOAA) đã báo cáo 1.250 cơn lốc xoáy, cao hơn nhiều so với mức trung bình dài hạn là 820.
Dựa trên dữ liệu nửa đầu năm 2024 NOAA đánh giá, 2024 là năm tốn kém thứ tư về thiệt hại do giông bão nghiêm trọng ở Mỹ với tổng thiệt hại khoảng 45 tỷ USD, trong đó hơn 34 tỷ USD được bảo hiểm.
Năm nóng nhất mọi thời đại
Theo thống kê, từ tháng 1 đến tháng 6, nhiệt độ trung bình toàn cầu cao hơn khoảng 1,5 độ C so với mức trước thời kỳ công nghiệp. Mặc dù cộng đồng khoa học nhấn mạnh rằng, nhiệt độ toàn cầu nóng lên hơn 1,5 độ C cũng đã được dự báo và công bố tại Paris, nhưng vấn đề quan trọng là xu hướng tăng nhiệt độ không có dấu hiệu dừng lại.
Đơn cử vào giữa tháng 6, nhiệt độ trên 50 độ C đã được ghi nhận ở nhiều nơi tại Ả Rập Xê Út, trong khi New Delhi (Ấn Độ) ghi nhận mức cao kỷ lục là 49,9 độ C vào tháng 5.
Theo dữ liệu của Chính phủ Ấn Độ, nắng nóng năm nay đã giết chết hơn 100 người trong vòng chưa đầy 4 tháng. Trong số những người tử vong có 33 nhân viên bỏ phiếu đang điều hành cuộc tổng tuyển cử của đất nước tại tiểu bang Uttar Pradesh ở phía Bắc vào đầu tháng 6, khi nhiệt độ ở một số thành phố lên tới 46,6 độ C.
Theo báo cáo gần đây của Ngân hàng Thế giới (WB), có tới 75% lực lượng lao động của Ấn Độ (khoảng 380 triệu người) làm việc trong điều kiện tiếp xúc với nhiệt độ cao, nhưng chưa đến 10% trong số 300 triệu hộ gia đình của đất nước sở hữu máy điều hòa không khí. Tại Lucknow, một thành phố ở phía bắc Ấn Độ, nhiệt độ năm nay thường xuyên tăng cao tới 45 độ C, dẫn đến tình trạng mất điện do nhu cầu điện tăng cao.
Theo dự báo của NOAA, sóng nhiệt và hạn hán không chỉ gây ra nhiều ca tử vong do say nắng hơn, mà còn khiến cháy rừng có khả năng xảy ra nhiều hơn. Tại Texas, vụ cháy rừng tồi tệ nhất trong lịch sử tiểu bang đã thiêu rụi hơn 400.000 ha, một diện tích gần bằng kích thước đảo Mallorca (Tây Ban Nha).
Vào tháng 5, các vụ cháy rừng lớn bùng phát ở miền Tây Canada, buộc hàng nghìn người phải sơ tán. Lốc xoáy và mưa đá cũng gây thiệt hại rất lớn cho khu vực Bắc Mỹ. Tổng thiệt hại cho khu vực này lên tới 60 tỷ USD, trong đó 44 tỷ USD được bảo hiểm.
Sa mạc cũng bị ngập lụt
Lũ lụt là thảm họa thiên nhiên lớn thứ ba trên toàn thế giới trong nửa đầu năm. Trận lũ bất ngờ nhất trong năm 2024 xảy ra tại Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, Oman và các quốc gia lân cận. Dubai báo cáo lượng mưa lớn nhất trong 75 năm qua.
Một nghiên cứu khác kết luận rằng, ngoài El Nino, biến đổi khí hậu cũng dẫn đến những trận mưa xối xả này, vì nó dẫn đến nhiệt độ cao hơn và độ ẩm trong khí quyển nhiều hơn. Tại Sân bay Quốc tế Dubai, hơn 1.500 chuyến bay đã bị hoãn hoặc hủy. Tổng thiệt hại cho khu vực ước tính là 8,3 tỷ USD, trong đó thiệt hại được bảo hiểm là 2,8 tỷ USD.
Tại Nam Mỹ, Brazil đã trải qua lũ lụt nghiêm trọng vào tháng 5 và tháng 4. Tại tiểu bang Rio Grande do Sul. Mưa lũ khiến các tòa nhà bị sập, cầu và đường bị phá hủy, và 181 người tử vong. Hơn 90% khu vực (tương đương diện tích Vương quốc Anh) bị ngập trong nước.
Đây là một trong những thảm họa lũ lụt tồi tệ nhất mà đất nước này từng chứng kiến trong 80 năm qua. Tương tự, nhiều tháng mưa gió mùa đã gây ra lũ lụt ở Đông Phi, đặc biệt là ở Kenya, Tanzania, Burundi và Somalia. Trong 6 tháng đầu năm, thiên tai ở các khu vực châu Á - Thái Bình Dương và châu Phi đã gây ra tổng thiệt hại là 40 tỷ USD nhưng chỉ có 9 tỷ USD được bảo hiểm chi trả.
Trong khi đó, tại Trung Quốc, nắng nóng thiêu đốt, hạn hán và lũ lụt cùng xảy ra đồng thời. Nhiệt độ lên tới 40 độ C ở một số vùng phía Bắc đất nước, các khu vực ở phía Nam đã hứng chịu những trận mưa kỷ lục. Theo Chính phủ Trung Quốc, 6 tháng đầu năm nay, thiên tai đã gây thiệt hại kinh tế trực tiếp với mức kỷ lục là hơn 93 tỷ nhân dân tệ, tương đương hơn 12,8 tỷ USD.
Theo Bộ Quản lý tình trạng khẩn cấp Trung Quốc, đây là mức thiệt hại nghiêm trọng nhất về vật chất và về con người trong nửa đầu năm, kể từ năm 2019. Nếu như cùng kỳ năm 2023, thiệt hại về kinh tế trực tiếp tương đương chỉ 5,26 tỷ USD, thì năm nay thiệt hại hơn gấp đôi, tương đương hơn 12,8 tỷ USD.