Cụ thể, lĩnh vực này đã có nhiều thay đổi lớn với các game không chỉ được phát hành ở phạm vi trong nước mà còn ra thị trường quốc tế, xuyên biên giới. Thách thức đặt ra cho các nhà quản lý trong lĩnh vực này bắt nguồn từ khó khăn trong việc kiểm soát, quản lý thanh toán xuyên biên giới.
Từ thực trạng này, nhiều DN game đã e ngại xảy ra tình trạng “bảo hộ ngược”, khi game phát hành trong nước cần có nhiều giấy phép, đáp ứng nhiều thủ tục khắt khe, trong khi các DN game nước ngoài hoặc DN trong nước nhưng phát hành game ra thị trường quốc tế chỉ cần đặt máy chủ nước ngoài gần như làm gì cũng được.
Với khách hàng, game ở đâu, máy chủ ở đâu không quan trọng bởi đường truyền internet xuyên biên giới, công cụ thanh toán cũng rất thuận tiện. Và đương nhiên, khi đó, tiền doanh thu sẽ chảy ra các công ty game nước ngoài, hoặc các công ty ở Việt Nam chuyên làm game lậu…
Tốc độ phát triển game online rất nhanh, doanh thu lớn.
Đây là vấn đề DN game lớn, lâu năm ở Việt Nam như VNG, VTC Intecom đã nhiều lần lên tiếng, xem là trở ngại lớn nhất trong cuộc cạnh tranh với game ngoại, cũng như sự phát triển của cộng đồng sản xuất, kinh doanh game nói riêng và nội dung số nói chung của Việt Nam. Hiện Cục PTTH-TTĐT đang làm việc cùng các DN trong lĩnh vực này, cũng như xin ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo Bộ TT-TT để tìm hướng tháo gỡ vấn đề, tạo nên sự bình đẳng phát triển cho DN nội.
Cũng tại hội nghị, ông Lưu Vũ Hải, Chủ tịch HĐTV Tổng công ty VTC, đã đề nghị Bộ TT-TT quan tâm giải quyết vấn đề Google và Apple độc quyền trong chính sách thanh toán, gây thiệt hại cho mảng nội dung số của VTC và nhiều DN nội dung số Việt Nam. Việc Google và Apple không cho các nhà cung cấp dịch vụ nội dung tích hợp cổng thanh toán riêng đã khiến DN nội dung số Việt Nam “thiệt đơn thiệt kép” đã được đề cập trước đây. Một mặt DN phải trả cho 2 nhà cung cấp hạ tầng xuyên biên giới 30% doanh thu, mặt khác thường xuyên gặp rủi ro khi bị người dùng trục lợi dùng mã thẻ tín dụng chùa để thanh toán dịch vụ.
“Mảng nội dung số đang phụ thuộc rất lớn 2 store của Google và Apple. Khó khăn lớn nhất chủ yếu tập trung vào chính sách thanh toán. Hiện Apple đã chấp nhận cho Trung Quốc tích hợp một số công cụ thanh toán hệ thống. Vì vậy, rất mong lãnh đạo Bộ T-TT quan tâm giải quyết vấn đề này. Nếu không sẽ ảnh hưởng rất lớn tới hoạt động kinh doanh của VTC trong năm 2018” - ông Lưu Vũ Hải đề nghị.
Theo Thứ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Thành Hưng, vấn đề phát triển và quản lý nội dung số cũng như game đang rất nóng, bởi tốc độ phát triển nhanh, doanh thu lớn. Tuy nhiên, cần phải xem xét ý kiến của tất cả các bên liên quan để có chính sách hài hòa giữa quản lý và phát triển. Cụ thể, các DN nội dung số kêu rất nhiều về việc chính sách đang bảo hộ ngược, DN trong nước bị đối xử bất bình đẳng.
Nhưng ở góc độ quản lý nội dung lại muốn xiết chặt, quản lý DN nội dung số cả về mặt nội dung và đóng thuế cho Nhà nước. Về các công ty viễn thông, sau khi cân nhắc lợi ích thu được, họ đã dành lượng lớn băng thông hiện có để hỗ trợ, khuyến mại, thậm chí làm hộ việc truyền phát nội dung số cho các DN nước ngoài như Google, Facebook…
Một thực tế hiển nhiên là mảng nội dung số đang đem lại nhuận rất lớn cho các bên liên quan. Nếu các bên không cùng ngồi vào để thảo luận tìm tiếng nói chung, những mâu thuẫn vốn có hay tình trạng “bảo hộ ngược” sẽ khó chấm dứt. Ở đây, vai trò của Bộ TT-TT và các cơ quan chức năng hết sức quan trọng. Chả lẽ câu chuyện “bảo hộ ngược” bao nhiêu năm nay, nói mãi không thể thay đổi được?