(ĐTTCO) - Chỉ với 10% dân số tham gia, thị trường bảo hiểm nhân thọ (BHNT) Việt Nam còn nhiều tiềm năng khai thác. Tuy nhiên, tâm lý chung không mặn mà với BHNT vì phần thiệt thòi khi tham gia luôn thuộc về khách hàng. Còn về phía công ty BHNT, để chiếm khách hàng lại áp dụng nhiều cách chào mời và câu kéo gây ra phiền toái cho khách mua bảo hiểm.
Ráo riết đua thị phần
Theo thống kê của Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính), năm 2015 doanh thu phí BHNT ước đạt 37.000 tỷ đồng, tăng 29,5% với gần 6 triệu hợp đồng bảo hiểm chính và 6 triệu hợp đồng bổ trợ (tốc độ tăng trưởng cao nhất trong 10 năm qua)… Tuy nhiên, quy mô thị trường vẫn còn nhỏ, chưa khai thác hết tiềm năng. Cụ thể, tỷ lệ tiếp cận BHNT trên GDP của Việt Nam chỉ đạt 1%, thấp hơn nhiều so với các quốc gia khác trong khu vực, như Indonesia 2%, Malaysia 3% và Thái Lan 4%. Song song đó, doanh thu phí bảo hiểm trên GDP cũng rất thấp, chỉ đạt khoảng 2% GDP, trong khi Thái Lan, Malaysia hay Singapore... đã đạt 15-17%.
Việt Nam được xem là thị trường hấp dẫn của các hãng bảo hiểm nước ngoài khi hàng loạt công ty tên tuổi sớm đặt chân vào. Mới đây, Công ty Bảo hiểm Samsung Life (Hàn Quốc) công bố kế hoạch tìm kiếm cơ hội hợp tác đầu tư tại Việt Nam với đối tác có tiềm lực tài chính đủ mạnh để mở rộng, nâng cao hiệu quả hoạt động BHNT. Trong khi đó, với 17 DN BHNT đang hoạt động tại thị trường Việt Nam chỉ có 1 DN nội tham gia thị trường BHNT. Thị phần BHNT hiện chủ yếu nằm trong tay các công ty bảo hiểm nước ngoài. Thống kê đến cuối tháng 9-2015, nhóm dẫn đầu thị phần doanh thu phí bảo hiểm khai thác gồm Prudential Việt Nam 21,74%, Bảo Việt Nhân Thọ 20,01%, Manulife Việt Nam 12,24%, AIA Việt Nam 11,32%, Dai-ichi Việt Nam 10%.
Một số DN chiếm thị phần nhỏ như PVI Sun Life 7,32%, Generali Việt Nam 4,78%, Hanwha Life Việt Nam 2,41%, Prevoir Việt Nam 2,37%, VietinBank Aviva 1,2%. Trong top 5 DN dẫn đầu, cuộc đua giữa Prudential và Bảo Việt Nhân Thọ là điểm nóng thu hút sự chú ý của thị trường khi luôn bám sát nhau về thị phần. 3 DN còn lại đang nỗ lực bứt phá khi không ngừng khi tung ra nhiều sản phẩm mới và mở rộng đại lý bán hàng. Cụ thể, năm nay Manulife Việt Nam tung ra 2 sản phẩm mới, khai trương 5 văn phòng đại lý tại các tỉnh miền Bắc, miền Trung và hợp tác độc quyền với SCB, AIA Việt Nam thiết kế mô hình văn phòng khác biệt như “Nest by AIA”, “AIA Exchange”, “GA NEXT” để mở rộng mạng lưới phục vụ khách hàng. Dai-ichi Việt Nam cũng ráo riết chạy đua với 3 sản phẩm mới, mở hơn 20 văn phòng, hợp tác độc quyền với HDBank.
Trong khi đó, các DN ở nhóm sau cũng ra sức chạy đua với những sản phẩm đặc thù hướng vào nhu cầu cụ thể như VietinBank Aviva đưa sản phẩm bảo hiểm bệnh hiểm nghèo với quyền lợi trợ cấp giảm thu nhập và chi phí phục hồi sức khỏe. Phú Hưng với sản phẩm bảo hiểm hỗn hợp giáo dục nâng cao. PVI Sun Life với 3 giải pháp bảo hiểm mới gồm Bảo an gia, Bảo an sinh và Bảo an nhân, Hanwha Life Việt Nam cũng tung ra thị trường sản phẩm bảo hiểm hỗn hợp An khang phúc lộc…
Tư vấn cho khách hàng mua bảo hiểm. |
Làm phiền khách hàng
Tuy nhiên, dù các DN bảo hiểm ra sức mở rộng thị phần nhưng hiện nay vẫn còn 90% dân số chưa tham gia BHNT. Nhiều khách hàng cho biết tham gia BHNT với mục đích phòng ngừa rủi ro trong cuộc sống, nhưng khi rủi ro xảy ra lại chịu thiệt do các hợp đồng bảo hiểm luôn bất lợi cho họ. Anh Thanh Tú, nhân viên kinh doanh xuất nhập khẩu ở quận 3 TPHCM, cho biết anh mua gói BHNT 200 triệu đồng và đóng hàng tháng 1 triệu đồng với hàng loạt điều khoản hấp dẫn: đóng phí 12 năm tương đương 144 triệu đồng, quyền lợi được hưởng gói 200 triệu đồng. Tích lũy đến già có thể đạt hơn 10 tỷ đồng, được hưởng trợ cấp nằm viện đến 75 tuổi mức 400.000 đồng/ngày, tối đa 300 triệu đồng. Rủi ro tử vong đền bồi thường 100% số tiền bảo hiểm 200 triệu đồng và số phiếu tiền mặt chưa rút, cổ tức, lãi suất.
Tuy nhiên, mới đóng được 3 năm do tài chính eo hẹp anh đề nghị ngừng tham gia. Nhưng bất ngờ anh chỉ được hoàn lại vài triệu đồng trong khi đã đóng 36 triệu đồng. Nhân viên bảo hiểm nói do khoản tiền anh đóng phải trích ra một khoản để chia sẻ rủi ro với các khách hàng khác. Đáng nói hơn, nhiều trường hợp xảy ra rủi ro nhưng mức bồi thường không thỏa đáng khiến không ít khách hàng cảm thấy bức xúc. Chẳng hạn, khách hàng đóng phí liên tục nhiều năm nhưng không may xảy ra rủi ro đúng thời điểm trễ hạn sẽ không nhận được bồi thường. Hay khách hàng mua bảo hiểm tàn tật nếu rủi ro tai nạn gãy tay chân nhưng có khả năng hồi phục cũng không được bồi thường, nếu muốn nhận bồi thường trong trường hợp này phải tham gia bảo hiểm tai nạn. Thậm chí trường hợp mua bảo hiểm tính mạng nhưng xảy ra tử vong, công ty bảo hiểm cũng cố tình kéo dài thời gian để điều tra nguyên nhân và dùng những điều khoản không rõ ràng để tránh nghĩa vụ bồi thường quyền lợi cho khách hàng.
Lãnh đạo một công ty BHNT cũng thừa nhận những bất cập trên và giải thích nguyên nhân vì đa số đại lý chủ yếu làm bán thời gian nên kỹ năng môi giới chưa thực sự hoàn thiện, chưa giải thích rõ cho khách hàng hiểu quyền lợi, nghĩa vụ cũng như các điều khoản trong hợp đồng. Trên thực tế, khi giới thiệu sản phẩm, nhân viên bảo hiểm chỉ “rót mật vào tai” để bán được hợp đồng và nhận hoa hồng, ít khi giải thích chi tiết những điều khoản trên hợp đồng để khách hàng hiểu rõ. Để gia tăng thị phần, các công ty BHNT “tấn công” khách hàng bằng nhiều cách hơn. Chẳng hạn, nhân viên môi giới Công ty Manulife bán bảo hiểm theo kiểu đa cấp, nhờ bạn bè hoặc người thân giới thiệu khách hàng tiềm năng sau đó hẹn gặp 3 bên. Tại đó, nhân viên công ty bảo hiểm sẽ giới thiệu sản phẩm và người giới thiệu chia sẻ đã tham gia và thấy lợi ích để khách hàng mới thấy hấp dẫn.
Trong khi đó, nhân viên Công ty Dai-ichi Việt Nam liên tục làm phiền khách hàng qua điện thoại. Điều đáng nói, chỉ một khách hàng nhưng nhiều nhân viên cùng có số điện thoại và liên tục gọi giới thiệu sản phẩm mới hoặc tham dự các hội thảo về bảo hiểm. Khi khách hàng phản ánh, lãnh đạo các công ty BHNT khẳng định sẽ tăng cường kỹ năng được huấn luyện để giảm phiền toái, tuy nhiên cho đến nay tình trạng này vẫn chưa cải thiện.