Ngày 15-9 đánh dấu 4 năm tròn kể từ khi Ngân hàng Lehman Brothers sụp đổ, một sự kiện được cho là đỉnh điểm của “cơn bão tài chính” năm 2008. Theo nghiên cứu của ngân hàng Dragon Capital (Nga), một cuộc khủng hoảng thông thường kéo dài từ 3 năm rưỡi đến 4 năm. Nhưng rõ ràng 4 năm sau sự sụp đổ của Lehman, mọi chuyện có vẻ ngày một tệ hơn.
Mùa thu ảm đạm
Trong phúc trình công bố vào tháng 7, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cảnh báo thế giới đang tiến vào một giai đoạn nguy kịch vì cuộc khủng hoảng nợ chưa giải quyết được ở Tây Âu. Charlie Robinson, Kinh tế trưởng của Renaissance Capital, tin rằng những năm tới sẽ cực kỳ khó khăn khi chính phủ các nước cố tìm cách giảm nợ, nguy cơ sụp đổ của khu vực đồng tiền chung châu Âu vẫn hiện hữu.
“Bão Lehman” vẫn chưa tan hẳn sau 4 năm bùng phát. |
Chính phủ các nước châu Âu đang tích cực đối phó một cuộc sụp đổ khác. Ngân hàng Trung ương Nga vào tháng 7 đã mở rộng giới hạn giao dịch của đồng rúp đối với USD nhằm tạo thêm vùng đệm cho các cú sốc từ bên ngoài.
Cùng lúc, Matxcơva cũng xây dựng kế hoạch dự phòng khủng hoảng với giá dầu giả định ở mức 60USD/thùng. Ukraine tái triển khai luật hối đoái “cứng”, cho phép Ngân hàng Quốc gia (NBU) buộc các nhà xuất khẩu bán 1/2 dự trữ ngoại tệ của họ cho NBU trong trường hợp khẩn cấp. Hungary thậm chí cắt xén hệ thống hưu trí tư nhân để huy động vốn.
Mùa thu năm nay dù không hoảng loạn như mùa thu khi Lehman Brothers sụp đổ, nhưng không khí ảm đạm không kém, khi các vị nguyên thủ quốc gia chạy khắp nơi để tìm cách cứu chữa tình thế. Thủ tướng Đức Angela Merkel, một nhân vật chủ chốt trong bất kỳ kế hoạch ứng cứu nào, bắt đầu mùa thu bằng chuyến công du vùng Trung và Tây Âu (CEE) hồi cuối tháng 8.
Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đã thông qua chương trình mua trái phiếu “không giới hạn” để giúp các nước gặp khó trong việc vay nợ. Cả Hy Lạp và Ukraine có thể sạch tiền trong mùa thu này vì trả nợ và lãi, có thể châm ngòi cho một cuộc tan chảy tài chính mới. Robinson tin rằng những cuộc khủng hoảng lớn (như khủng hoảng ở Hoa Kỳ các năm 1837 và 1929) đều kéo dài từ 7-8 năm. Như vậy, có thể chúng ta chỉ mới đi được 1/2 cuộc khủng hoảng.
Khủng hoảng nhà máy và lương thực
Hiện kinh tế toàn cầu đang đối mặt với 2 vấn đề nghiêm trọng: sự trì trệ trong sản xuất công nghiệp và mùa màng thất bát ở những nước sản xuất lớn nhất thế giới, có nguy cơ đẩy giá lương thực lên chót vót. Hoa Kỳ hạ dự báo sản lượng nông nghiệp xuống mức thấp nhất 25 năm.
Giá bắp và lúa mì giao cuối năm đã tăng hơn 40% trong tháng 8 và có lúc vượt đỉnh điểm năm 2008. Một đợt hạn hán nghiêm trọng sẽ khiến sản lượng lúa mì năm 2012 ở Kazakhstan chỉ còn 1/2 năm 2011 và Nga hạ dự báo sản lượng ngũ cốc năm nay xuống còn 75-85 triệu tấn, từ mức 94 triệu tấn hồi năm ngoái.
Hoạt động kinh doanh ở eurozone trong tháng 8 giảm liền 7 tháng. Hoạt động sản xuất yếu kém đã làm trì trệ tăng trưởng kinh tế. Dữ liệu công bố ngày 14-8 cho biết GDP của Đức chỉ tăng 0,3% trong quý II. Những nền kinh tế còn lại của Tây Âu đang ở trên bờ vực suy thoái: Pháp không tăng trưởng trong quý II, Tây Ban Nha tăng trưởng âm 0,4%, Italia -0,7%. Capital Economics dự báo hầu hết các nước CEE sẽ rơi vào suy thoái trong năm tới.
Trong khi đó, bài học từ sự sụp đổ của Lehman Brothers dường như vẫn chưa được ứng dụng nhiều. Những ngân hàng lớn ở Hoa Kỳ ngày càng lớn hơn, sau khi thôn tính những ngân hàng ngã ngựa, như Bank of America đã thôn tính Merrill Lynch. Cùng với sự bành trướng, các đại gia Phố Wall đã chống lại những kêu gọi cải tổ tài chính như của Dodd-Frank.
Các ngân hàng vẫn đầy các khoản giao dịch phái sinh và luật Volcker nhằm kiềm chế điều đó vẫn chưa được triển khai. Khi Lehman sụp đổ năm 2008, thị trường chứng khoán toàn cầu chỉ ước đạt 36.600 tỷ USD. Đến nay, riêng thị trường phái sinh đã ước đạt 791.000 tỷ USD, gấp 11 lần nền kinh tế thế giới.