Cuộc họp ứng phó bão sáng 18-12 tại Hà Nội
Tại cuộc họp, các thành viên Ban Chỉ đạo quốc gia nhận định, bão số 9 với cường độ mạnh có đường đi bất thường vào cuối mùa mưa bão và còn diễn biến rất phức tạp, đe dọa toàn bộ vùng biển Bắc Biển Đông, giữa và Nam Biển Đông.
Theo ông Hoàng Phúc Lâm, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng - Thủy văn quốc gia, gió mạnh và mưa lớn sẽ bắt đầu từ đêm nay. Vì vậy công tác ứng phó phải tiến hành xong trước 18 giờ ngày 18-12. Nếu để muộn sẽ gây khó khăn cho việc di chuyển tránh trú của ngư dân.
"Mặc dù quỹ đạo bão không vào đất liền nhưng đây là cơn bão mạnh cấp 13 đến 14, khi vào gần đất liền vẫn còn cấp 12. Lúc đổ bộ vào đất liền vẫn còn gió cấp 8 tương đương như 1 cơn bão bình thường."- ông Lâm nói.
Theo nhận định, đối tượng chịu nguy cơ cao của cơn bão này là người và các phương tiện tàu cá, tàu vận tải hoạt động trên biển, phương tiện thủy nội địa, lồng bè nuôi trồng thủy sản; các giàn khoan, công trình dầu khí, hệ thống công trình đê, kè, hồ chứa nước…
Đại tá Nguyễn Đình Hưng, Trưởng phòng Cứu hộ - Cứu nạn, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng cho biết: "Còn khoảng 60 phương tiện với khoảng 500 lao động đang hoạt động ở khu vực Hoàng Sa và Bắc Biển Đông, chủ yếu là của các tỉnh Quảng Ngãi, Phú Yên, Bình Định. Mặc dù không nằm trong vùng nguy hiểm nhưng theo dự báo lại nằm trên hướng di chuyển của bão, vì vậy trong ngày hôm nay cần phải tiếp tục đôn đốc các đơn vị kêu gọi và hướng dẫn các phương tiện này thoát ra khỏi vùng nguy hiểm hoặc vào nơi trú tránh an toàn".
Trong hôm nay và sáng ngày mai (19-12) sẽ bắn pháo hiệu cảnh báo bão tại các điểm cảnh báo bão cho tàu thuyền hoạt động ven bờ và người dân trên các lồng bè, chòi canh nuôi trồng thủy sản.
Chủ trì cuộc họp, ông Nguyễn Văn Tiến, Phó chánh văn phòng Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai đề nghị quyết liệt đôn đốc đảm bảo an toàn cho ngư dân và tàu thuyền tại nơi neo đậu; cần tiếp tục bắn pháo hiệu cảnh báo bão cho các tàu hoạt động ven bờ và ngư dân trên các lồng bè, chòi canh nuôi trồng thủy sản. Không loại trừ bão số 9 sẽ đi gần bờ hoặc đổ bộ vào đất liền khi chịu tương tác của khối không khí lạnh từ phía Bắc, nên phải sẵn sàng phương án cứu hộ cứu nạn trên biển và đất liền.
"Phạm vi ảnh hưởng của bão rất rộng và cường độ bão rất lớn nên việc ứng phó phải khẩn trương. Đã có nhiều bài học khi tàu thuyền về nơi neo đậu rồi vẫn bị chìm đắm" - ông Nguyễn Văn Tiến nói và đề nghị các địa phương tạo điều kiện cho các tàu cá và ngư dân của địa phương khác vào tránh trú, đi đôi với các biện pháp đảm bảo an toàn về dịch Covid-19, không để người dân trên tàu thuyền, chòi canh, lồng bè... khi có bão.