Bão số 9: Đặc biệt nguy hiểm; tất cả các tỉnh đã cấm biển

(ĐTTCO)-Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nêu rõ, đây là cơn bão đặc biệt nguy hiểm, một trong những cơn bão mạnh nhất trong vòng 20 năm trở lại đây hướng vào miền Trung, vì vậy chúng ta không được phép chủ quan. Hiện, tất cả các tỉnh trong vùng nguy hiểm của bão đã cấm biển.
      Phó Thủ tướng kiểm tra vị trí sạt lở và khu sơ tán dân tại Cửa Đại, Hội An, tỉnh Quảng Nam. - Ảnh: VGP
      Phó Thủ tướng kiểm tra vị trí sạt lở và khu sơ tán dân tại Cửa Đại, Hội An, tỉnh Quảng Nam. - Ảnh: VGP

      Từ trưa 27/10, thực hiện quyết định của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng có mặt tại Đà Nẵng, trực tiếp chỉ đạo ứng phó bão số 9 từ Ban Chỉ đạo tiền phương. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thường xuyên nghe báo cáo từ hiện trường và có các chỉ đạo trực tiếp qua điện thoại với Phó Thủ tướng.

      Sau khi thăm hỏi bà con tại khu sơ tán Cửa Đại, Hội An, Quảng Nam, Phó Thủ tướng yêu cầu đoàn công tác chia thành 3 mũi đi kiểm tra, đôn đốc công tác ứng phó bão. 

      Phó Thủ tướng tiếp tục đi kiểm tra công tác tác ứng phó bão tại khu công nghiệp Dung Quất, tỉnh Quảng Ngãi. 

      Đoàn do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường kiểm tra công tác ứng phó bão tại khu kinh tế Chu Lai, tỉnh Quảng Nam.

      Đoàn công tác do Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Văn Sơn kiểm tra công tác đảm bảo an ninh an toàn cho người dân tại Quảng Nam, Đà Nẵng. 
      Thăm hỏi, động viên người dân tại khu sơ tán dân tại Cửa Đại, Hội An, tỉnh Quảng Nam, Phó Thủ tướng nêu rõ, đây là cơn bão mạnh nhất trong 20 năm, các nhà yếu sẽ không chịu nổi.

      “Nên bà con chịu khó vất vả, thực hiện ý kiến chỉ đạo chính quyền, chủ động sơ tán. Tôi đề nghị lực lượng công an bảo vệ tài sản người dân, bảo vệ an ninh trật tự để bà con yên tâm. Tôi cũng đề nghị chính quyền bảo đảm lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm cho bà con tại nơi sơ tán. Khi an toàn, chúng ta sẽ trở về”, Phó Thủ tướng chia sẻ với người dân địa phương.

      Phó Thủ tướng yêu cầu các tỉnh cần khẩn trương gia cố các khu vực sạt lở nguy hiểm, xung yếu, bảo vệ các cơ sở kinh tế ven biển, nhà cửa, tài sản của người dân.

      Kết luận cuộc họp tại Ban chỉ đạo tiền phương, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đánh giá cao việc chủ động ứng phó với bão số 9 của các địa phương dự báo bão số 9 sẽ vào như Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định. Cả hệ thống chính trị đã vào cuộc quyết liệt cùng với nhân dân ứng phó hiệu quả với thiên tai.

      Tuy nhiên đây là 1 trong 2 cơn bão mạnh nhất trong vòng 20 năm trở lại đây hướng vào miền Trung, vì vậy chúng ta không được phép chủ quan, triển khai có hiệu quả biện pháp ứng phó với mục tiêu bảo vệ an toàn tính mạng và tài sản của nhân dân cũng như của nhà nước. Phó Thủ tướng đề nghị các địa phương chủ động, khẩn trương triển khai phòng chống bão số 9 và mưa lũ sau bão với phương châm “4 tại chỗ” với sự hỗ trợ của các Bộ, ngành Trung ương.

      Phó Thủ tướng lưu ý các bộ ngành, địa phương cần phải bảo đảm an toàn trên biển. Rà soát tất cả các tàu thuyền trên biển ra khỏi khu vực nguy hiểm hoặc đưa về nơi tránh trú an toàn; tổ chức neo đậu an toàn để hạn chế các tàu va vào nhau, gây hư hỏng, chìm tàu khi bão vào.

      Phải tập trung bảo đảm an toàn trên đất liền khi bão đổ bộ, chú trọng triển khai sơ tán dân ra khỏi khu vực nguy hiểm, nơi không an toàn; bảo đảm an toàn tại các công trình, tổ chức chằng chống nhà cửa, kho tàng, bệnh viện, trường học, công sở, các biển quảng cáo...; bảo vệ các công trình hạ tầng trọng điểm như đường dây 500 kV, cơ sở sản xuất, nhà máy, xí nghiệp, khách sạn, nhà hàng....

      Bảo vệ an toàn hồ đập, đê điều. Bộ NN&PTNT, Bộ Công Thương, Bộ Xây dựng cùng với các địa phương phải rà soát tất cả các hồ, đập để kịp thời phát hiện, xử lý sự cố nếu có; đồng thời quản lý, vận hành an toàn hồ đập, đặc biệt là quy trình vận hành các hồ thủy điện.

      Chủ động triển khai biện pháp ứng phó với mưa lũ, sạt lở đất ở miền núi sau bão số 9. Các tỉnh miền Trung-Tây Nguyên khẩn trương rà soát các hộ dân còn ở các khu vực có nguy cơ mất an toàn phải di dời ngay.

      Các địa phương bộ trí lực lượng, sẵn sàng cơ động với phương châm “4 tại chỗ”; các bộ, ngành phải huy động lực lượng hỗ trợ các địa phương ứng phó với bão và mưa lũ sau khi bão đi qua, chủ lực là các lực lượng của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Giao thông vận tải, Ủy ban Quốc gia về ứng phó thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, các Quân khu.

      Nhấn mạnh cơn bão số 9 là cơn bão lớn, Phó Thủ tướng yêu cầu các bộ ngành, địa phương tập trung ứng phó, giảm thiểu tối đa các thiệt hại về người và tải sản của người dân.

      Tại cuộc họp do Phó Thủ tướng chủ trì tại Ban chỉ đạo tiền phương, lãnh đạo TP Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam đều khẳng định đã chuẩn bị các phương án ứng phó khẩn trương, nỗ lực tối đa bảo đảm an toàn cho người và tài sản. 

      Theo báo cáo, các tỉnh từ Thừa Thiên Huế đến Phú Yên dự kiến sơ tán 448.067 người trong khu vực nguy hiểm; thời gian hoàn thành vào 17-19h chiều 27/10.

      Cụ thể, Quảng Nam: 129.194 người dự kiến xong trước 17h/27/10; đã hoàn thành sơ tán 42.950 người. Quảng Ngãi: 94.269 người, dự kiến xong trước 17h/27/10. Bình Định: 96.513 người, dự kiến xong trước 19h/27/10.

      Phú Yên: 27.653 người dự kiến xong trước 17h/27/10. Thừa Thiên Huế: 67.812 người, dự kiến xong trước 15h/27/10. Đà Nẵng: 32.626 người, dự kiến xong trước 15h/27/10.

      Các tỉnh từ Thừa Thiên Huế đến Bình Định quyết định cho học sinh nghỉ học từ ngày 27/10.

      Đến 11h ngày 27/10, đã thông báo, kiểm đếm, hướng dẫn cho 45.009 tàu cá/229.290 lao động. Hiện còn trong vùng nguy hiểm: 142 tàu/1.118 lao động (Bình Định). Các tàu đều đã nhận được thông tin và đang di chuyển trú tránh.

      Đối với tàu vận tải, tàu vãng lai, các tỉnh đã chỉ đạo hướng dẫn neo đậu, rời khỏi khu vực nguy hiểm, cụ thể  Đà Nẵng: 144 tàu; Quảng Nam: 1 tàu neo tại Cù Lao Chàm; Bình Định: 78 tàu.

      Các tỉnh từ Thừa Thiên Huế đến Bình Định đã cấm biển.

      Các tỉnh đang tổ chức gia cố, sơ tán người dân trên các lồng bè nuôi trồng thủy sản, cụ thể là 190.959 lồng, bè (Huế: 7.586, Đà Nẵng: 1.606, Quảng Nam: 960, Quảng Ngãi: 67, Bình Định: 1.118, Phú Yên: 85.703, Khánh Hòa: 91.225, Ninh Thuận: 2.600, Bình Thuận: 94).

      Tổng diện tích: 29.980 ha (Huế: 6.898, Đà Nẵng: 418, Quảng Nam: 4.810, Quảng Ngãi: 1.554, Bình Định: 3.835, Phú Yên: 2.628, Khánh Hòa: 3.779, Ninh Thuận: 908, Bình Thuận: 5.150).

      Hệ thống đê các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Bình Thuận có tổng chiều dài 1.361km, gồm 788km đê biển, đê cửa sông và 573km đê sông, trong đó có 53 vị trí xung yếu, 32 công trình đang thi công. Nhiều vị trí đê kè có nguy cơ sạt lở, nhất là khu vực Cửa Đại, tỉnh Quảng Nam.

      Về hồ thủy điện, Bắc Trung Bộ có 7 hồ đang xả qua tràn. Nam Trung Bộ có 13 hồ đang xả qua tràn. Tây Nguyên có 20 hồ đang xả qua tràn.

      Hồ thủy lợi, Bắc Trung Bộ có 2.323 hồ, đã tích 75-95% dung tích; trong đó có 55 hồ xung yếu, 41 hồ đang thi công. Hiện có 4 hồ đang xả tràn, trong đó Hồ Kẻ Gỗ lúc 05h ngày 27/10: mực nước 29,51/32,5m; Qxả = 200m3/s.

      Nam Trung Bộ có 517 hồ, đã tích 30-90% dung tích; trong đó có 26 hồ xung yếu và 32 hồ đang thi công. Hiện không có hồ xả qua tràn.

      Tây Nguyêncó 1.246 hồ, đã tích 75-96% dung tích; trong đó có 41 hồ xung yếu và 43 hồ đang thi công. Hiện có 1 hồ xả tràn.

      Dự kiến, Phó Thủ tướng sẽ kiểm tra khu neo đậu tránh trú Thọ Quang (Đà Nẵng), kiểm tra vị trí sạt lở và khu sơ tán dân tại Cửa Đại, Hội An, tỉnh Quảng Nam, kiểm tra công tác chuẩn bị ứng phó bão tại khu công nghiệp Dung Quất (Quảng Nam) và tại tỉnh Quảng Ngãi.

      Trước đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa quyết định thành lập Ban Chỉ đạo tiền phương để chỉ đạo ứng phó bão số 9, do Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng - Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai, Chủ tịch ủy ban quốc gia ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn làm Trưởng ban.

      Sáng 26/10, trước tình hình bão khẩn cấp, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã điều hành cuộc họp trực tuyến với các địa phương để ứng phó bão. Cùng dự có Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai.

      Ngay sau cuộc họp, Thủ tướng cũng đã làm việc với Bộ Tài nguyên và Môi trường, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia về công tác dự báo, đảm bảo thông tin nhanh và chính xác nhất đến các địa phương, người dân để có các biện pháp ứng phó phù hợp, kịp thời. 

      Theo Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai, trong phạm vi 08 tỉnh bị ảnh hưởng của bão, tổng số dân phải sơ tán theo kịch bản ứng phó với bão cấp 12, 13 là 1.279.163 người.

      Bộ Quốc phòng, Bộ Tổng tham mưu ứng phó khẩn cấp bão số 9

      Ngày 26/10, Bộ Quốc phòng có công văn số 4013/BQP-VP của Bộ Quốc phòng, do Thượng tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Tổng Tham mưu trưởng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng ký, gửi các cơ quan, đơn vị về việc triển khai ứng phó khẩn cấp với cơn bão số 9 (MOLAVE).

      Bộ Tổng Tham mưu có điện gửi Tổng cục Chính trị; các Tổng cục: Hậu cần, Kỹ thuật, Công nghiệp Quốc phòng và Tổng cục II; các Bộ Tư lệnh Quân khu 4, 5, Bộ đội Biên phòng; Bộ Tư lệnh Quân chủng: Hải quân, Phòng không - Không quân, Cảnh sát biển; Bộ Tư lệnh Binh chủng: Thông tin liên lạc, Đặc công, Hóa học, Pháo binh, Tăng - Thiết giáp; Bộ Tư lệnh Quân đoàn 3.

      Theo đó, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 1470/CĐ-TTg ngày 26/10/2020; ý kiến chỉ đạo của Đại tướng Ngô Xuân Lịch, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng về việc triển khai ứng phó khẩn cấp với bão số 9, yêu cầu các cơ quan, đơn vị, nhất là Quân khu 4, Quân khu 5 quán triệt, thực hiện nghiêm túc Công điện số 1470 của Thủ tướng Chính phủ; chủ động theo dõi nắm chắc diễn biến của bão; kịp thời triển khai lực lượng, phương tiện ứng phó theo phương châm “bốn tại chỗ”.

      Tập trung bảo đảm an toàn cho người, phương tiện trong khu vực chịu ảnh hưởng của bão, nhất là cho người, tàu thuyền, phương tiện hoạt động trên biển và tại nơi tránh trú; rà soát phương án, chủ động sơ tán người, phương tiện tại các khu vực nguy hiểm. Tùy theo diễn biến của bão và tình hình cụ thể, các đơn vị có phương án phòng chống hiệu quả, giảm thiểu hạn chế thấp nhất thiệt hại do bão số 9 gây ra.

      Bộ Quốc phòng thành lập 2 đoàn do Thủ trưởng Bộ tổng Tham mưu và Thủ trưởng Tổng cục Chính trị làm trưởng đoàn tiến hành kiểm tra công tác phòng chống bão số 9 tại thành phố Đà Nẵng và tỉnh Khánh Hòa. Thời gian kiểm tra bắt đầu từ 9 giờ ngày 27/10/2020. Giao Cục Cứu hộ - Cứu nạn theo dõi đôn đốc, tổng hợp báo cáo Thủ trưởng Bộ tổng Tham mưu, Thủ trưởng Bộ Quốc phòng theo quy định.

      Các tin khác