Bảo vệ môi trường từ những việc nhỏ

(ĐTTCO) - Ngày nay, vấn đề bảo vệ môi trường đang trở thành một yêu cầu cấp bách trong cuộc sống của mỗi chúng ta. Từ những hành động nhỏ trong sinh hoạt hàng ngày cho đến những thay đổi lớn trong cách thức tiêu dùng.

Trong bối cảnh vấn đề ô nhiễm môi trường ngày càng nghiêm trọng, một trong những giải pháp quan trọng và thiết thực nhất là thay đổi thói quen tiêu dùng, lựa chọn những sản phẩm có thể tái sử dụng hoặc tái chế.

Thay vì sử dụng sản phẩm một lần rồi vứt đi, chúng ta có thể thay thế bằng các sản phẩm thân thiện với môi trường như túi vải thay vì túi ni lông, bình nước inox thay vì chai nhựa dùng một lần, dùng các loại nước, sữa được đóng bằng túi giấy thay vì đựng trong hộp/chai nhựa, thay vì dùng hộp xốp đựng thức ăn có thể dùng hộp tự hủy hoặc đồ dùng nhiều lần...

Đặc biệt, việc tiêu dùng sản phẩm tái chế giúp giảm thiểu lượng rác thải nhựa và các chất thải khác, đồng thời góp phần tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên. Những việc này ai cũng có thể làm được và làm thường xuyên, hàng ngày.

Bên cạnh đó, mọi người cần quyết liệt hơn trong việc tiết kiệm năng lượng, không chỉ giúp giảm chi phí sinh hoạt mà còn góp phần bảo vệ môi trường. Việc sử dụng các thiết bị tiết kiệm điện, tắt điện khi không sử dụng, hay sử dụng các phương tiện giao thông công cộng thay vì xe cá nhân có thể giảm lượng khí thải carbon ra môi trường.

Bên cạnh đó, việc sử dụng năng lượng tái tạo như năng lượng mặt trời hay gió sẽ tạo ra nguồn năng lượng sạch, bền vững, góp phần vào việc giảm thiểu ô nhiễm môi trường và hạn chế sự biến đổi khí hậu. Ngay cả việc tăng cường đi bộ, đi xe đạp thay vì sử dụng phương tiện cơ giới cũng là một giải pháp tích cực, cần được mọi người quan tâm thực hiện.

Ở cấp độ cộng đồng, các nhóm dân cư cần được khuyến khích xây dựng và triển khai các mô hình sinh hoạt bền vững. Thí dụ, việc tổ chức các hoạt động chia sẻ đồ dùng, sản phẩm tái chế trong các khu dân cư hay trường học không chỉ giảm thiểu rác thải mà còn tạo ra môi trường sống lành mạnh, góp phần nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, như nên có thêm ngày hội đổi rác lấy cây xanh, các buổi tập huấn, hướng dẫn về việc tái chế hoặc phân loại rác.

Ngoài ra, các tổ chức, doanh nghiệp cũng có thể áp dụng mô hình sản xuất và tiêu dùng bền vững, như việc giảm thiểu bao bì nhựa, sử dụng nguyên liệu tái chế, tiết kiệm năng lượng và sử dụng năng lượng thân thiện với môi trường.

Do vậy, việc đổi mới sáng tạo trong sản xuất và tiêu dùng bền vững để giúp nâng cao hiệu quả các giải pháp thân thiện với môi trường, cần được quan tâm nhiều hơn bằng nhiều giải pháp cụ thể. Các nghiên cứu và phát triển công nghệ mới, chẳng hạn như công nghệ tái chế tiên tiến, vật liệu thân thiện với môi trường, hay các giải pháp tiết kiệm năng lượng thông minh, sẽ góp phần giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường.

Do đó, tạo ra môi trường thuận lợi cho nghiên cứu, sáng tạo và ứng dụng công nghệ trong lĩnh vực bảo vệ môi trường là một yếu tố rất quan trọng. Điều này đòi hỏi bản thân từng doanh nghiệp, từng cơ quan, đơn vị phải rất chủ động và có trách nhiệm trong việc bảo vệ môi trường và triển khai thực hiện bằng các hình thức cụ thể, phù hợp, thiết thực.

Mặc dù các giải pháp thân thiện với môi trường đang dần trở nên phổ biến, nhưng để chúng thực sự bền vững, chúng ta cần nâng cao nhận thức cho mọi tầng lớp trong xã hội. Việc tổ chức các buổi hội thảo, chương trình giáo dục về bảo vệ môi trường, các triển lãm trực quan sinh động, các hình thức truyền thông lặp lại nhiều lần… sẽ giúp mọi người hiểu rõ hơn về tầm quan trọng của việc bảo vệ môi trường và những giải pháp thực tế mà họ có thể áp dụng trong cuộc sống hàng ngày.

Từ đó, mỗi cá nhân sẽ chủ động thay đổi thói quen tiêu dùng và sinh hoạt để phù hợp với xu thế bảo vệ môi trường.

Ngay cả việc truyền thông rộng rãi các hoạt động bảo vệ môi trường (như ngày chủ nhật xanh, các đợt dọn rác trên địa bàn, các dịp nạo vét kênh rạch…) cần được quan tâm nhiều hơn vừa khích lệ những người trực tiếp thực hiện, vừa mang ý nghĩa truyền cảm hứng, thúc đẩy, tác động nhận thức của nhiều người khác.

Đương nhiên, Nhà nước đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy các giải pháp thân thiện với môi trường thông qua việc ban hành các chính sách, quy định cụ thể. Các biện pháp như khuyến khích doanh nghiệp sản xuất sản phẩm bền vững, tăng cường xử lý rác thải, hoặc áp dụng thuế đối với sản phẩm gây hại cho môi trường, cơ chế hỗ trợ cho hoạt động nghiên cứu các giải pháp tiết kiệm năng lượng... sẽ góp phần tạo ra một nền kinh tế xanh, bền vững.

Chính sách hỗ trợ năng lượng tái tạo, khuyến khích các dự án bảo vệ môi trường cũng cần được triển khai mạnh mẽ để tạo động lực cho cả cộng đồng.

Đồng thời, Nhà nước phải có hình thức chế tài nghiêm khắc đối với các hành vi chưa chú trọng công tác bảo vệ môi trường, và xâm phạm đến môi trường, để có tác dụng giáo dục, răn đe thực sự. Các hoạt động chế tài này phải được thực hiện thường xuyên, tránh làm phong trào, theo đợt.

Để triển khai các giải pháp thân thiện với môi trường trong sinh hoạt và tiêu dùng trở nên thiết thực và bền vững, chúng ta cần sự đồng lòng của toàn xã hội từ các cá nhân đến các tổ chức, doanh nghiệp và Nhà nước.

Chỉ khi mỗi người trong chúng ta thấy rằng việc bảo vệ môi trường là cho chính bản thân và con cháu chúng ta, đồng thời tích cực thay đổi thói quen, ứng dụng các giải pháp bảo vệ môi trường một cách thực tế và hiệu quả, chúng ta mới có thể tạo ra một tương lai bền vững cho thế hệ mai sau.

Các tin khác