Dễ tìm việc nhưng cũng dễ mất việc
CMCN 4.0 tạo điều kiện cho NLĐ được tự do đi tìm việc và có nhiều sự lựa chọn hơn trong công việc; phạm vi làm việc không bó hẹp trong một quốc gia mà có thể di chuyển sang quốc gia khác; hoặc làm việc cho người sử dụng lao động ở quốc gia khác.
CMCN 4.0 tạo điều kiện cho NLĐ được tự do đi tìm việc và có nhiều sự lựa chọn hơn trong công việc; phạm vi làm việc không bó hẹp trong một quốc gia mà có thể di chuyển sang quốc gia khác; hoặc làm việc cho người sử dụng lao động ở quốc gia khác.
Thực tế cho thấy, nếu Trung Quốc được coi là công xưởng của thế giới, Ấn Độ được đánh giá là văn phòng của thế giới. Bởi hiện rất nhiều NLĐ Ấn Độ làm việc cho các công ty có trụ sở ở châu Âu, Bắc Mỹ. CMCN 4.0 cũng giúp các công ty trong việc được tự do đi tìm NLĐ, hoặc có nhiều sự lựa chọn địa điểm đầu tư ở nước này hoặc nước khác, nơi này hoặc nơi khác. Như vậy có nghĩa, khi vốn đầu tư có thể chuyển từ chỗ này qua chỗ khác, việc làm cũng được đưa từ chỗ này qua chỗ khác. Vậy là từ chỗ NLĐ phải đi tìm việc làm, nay việc làm cũng có thể đi tìm người.
Với tỷ lệ lao động chưa qua đào tạo hoặc đã qua đào tạo nhưng kỹ năng còn thấp chiếm đa số, lực lượng lao động Việt Nam cần được chuẩn bị để phòng ngừa và hạn chế các tác động tiêu cực từ CMCN 4.0. |
Về nguy cơ mất việc làm, theo Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), hơn 2/3 trong số 9,2 triệu lao động ngành dệt may và da giày tại Đông Nam Á đang bị đe dọa bởi sự bùng nổ nhanh chóng của ứng dụng khoa học công nghệ trong ngành này. Khoảng 86% lao động Việt Nam, 88% lao động Campuchia và 64% lao động Indonesia trong ngành may mặc, da giày sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề từ làn sóng tự động hóa, công nghiệp hóa. Ngoài nguy cơ bị mất việc làm tại chỗ do máy móc thay thế, NLĐ còn phải đối mặt với nguy cơ bị mất việc làm do công việc bị chuyển về nước có thị trường nơi CMCN 4.0, đã làm giảm chi phí lao động tại thị trường đó.
CMCN 4.0 chủ yếu đem lại lợi ích kinh tế cho người phát minh, nhà đầu tư, không phải là NLĐ, dẫn đến gia tăng khoảng cách giàu nghèo trong xã hội. Thực tiễn cho thấy, ở nhiều nước phát triển, thu nhập của giới chủ, lao động có chuyên môn cao liên tục tăng, trong khi thu nhập công nhân lao động có trình độ và kỹ năng thấp giảm.
Thực ra sự tác động của CMCN 4.0 đến NLĐ sẽ là sự kết hợp, đan xen các tác động tích cực và tiêu cực. Thí dụ, nhiều việc làm mới được tạo ra cho NLĐ thông qua công nghệ như lái xe Uber, Grab. Nhưng hiện nay đa số quốc gia không công nhận quan hệ giữa lái xe và công ty Uber, Grab là quan hệ lao động, chỉ coi đây là quan hệ dân sự.
Vì lý do đó, dù có việc làm mới và có thu nhập, nhưng những lái xe này không được bảo đảm nhiều quyền lợi so với NLĐ theo hợp đồng lao động (chế độ bảo hiểm, tai nạn lao động, chế độ nghỉ ngơi...).

Ảnh: LONG THANH
Cần được bảo vệ bằng luật
Đây là cuộc cách mạng trên phạm vi toàn cầu, đòi hỏi phải có giải pháp ở phạm vi toàn cầu để khắc phục những mặt tiêu cực của nó. Do đó, Việt Nam cần tham gia sâu và rộng hơn nữa vào hệ thống pháp luật lao động quốc tế, thông qua việc gia nhập, phê chuẩn thêm công ước quốc tế và khu vực về lao động; tăng cường ảnh hưởng của mình đến quá trình xây dựng pháp luật lao động quốc tế; nghiên cứu để đề xuất xây dựng và tiến tới dự thảo Công ước lao động quốc tế từ thực tiễn của Việt Nam.
Việt Nam cũng cần liên tục rà soát, đánh giá toàn diện hệ thống pháp luật lao động cả trên phương diện kỹ thuật, lập pháp cũng như trong khâu tổ chức thực hiện. Trong đó, có tính đến việc mở rộng phạm vi điều chỉnh của pháp luật lao động, đáp ứng sự thay đổi của bản chất quan hệ lao động trong bối cảnh CMCN 4.0. Những nghiên cứu dự báo chính xác xu hướng vận động và phát triển của thị trường lao động ở Việt Nam trong tương lai, trọng tâm là nghiên cứu xây dựng chiến lược phát triển nguồn nhân lực có vai trò rất quan trọng.
Tổ chức Công đoàn Việt Nam cần có sự chuẩn bị đầy đủ để thực hiện tốt chức năng Hiến định của mình là đại diện và bảo vệ NLĐ, thông qua nhiều hoạt động cụ thể. Trong đó, xây dựng chính sách, pháp luật, đẩy mạnh hợp tác quốc tế với các tổ chức công đoàn trên thế giới, hướng về cơ sở để phát huy vai trò và vị thế của công đoàn cơ sở. Song song đó, NLĐ cần có cách tiếp cận chủ động đối với CMCN 4.0, phải nhìn nhận đó là cơ hội thay vì thách thức. Theo đó, không ngừng cập nhật và nâng cao năng lực và kỹ năng làm việc để từng bước tiếp cận công nghệ, máy móc mới, tiến đến làm chủ công nghệ, máy móc.
Một hệ thống pháp luật lao động tiến bộ là cơ sở pháp lý quan trọng cho việc bảo vệ và phát triển nguồn nhân lực - tài sản quý nhất của quốc gia. Bởi chỉ có hệ thống pháp luật lao động phù hợp với các yêu cầu của quá trình toàn cầu hóa, mới là điều kiện cần thiết để tận dụng thời cơ, phát huy thế mạnh của lực lượng lao động, góp phần quan trọng đưa Việt Nam từ cường quốc về lao động trở thành cường quốc về kinh tế trong tương lai.
TS. Phạm Trọng Nghĩa Vụ Pháp luật, Văn phòng Quốc hội