Bất an hệ giá trị gia đình

(ĐTTCO) - Mọi người Việt Nam dù giàu hay nghèo đều mong muốn xây dựng nên một gia đình, có vợ, có chồng, sau đó sinh con đẻ cái, chăm lo cho chúng lớn khôn. Con cái lớn khôn được dựng vợ gả chồng rồi sinh ra thế hệ kế tiếp.
Các khu công nghiệp mọc lên nhiều ở các đô thị lớn đã hút hàng triệu thanh niên bỏ nông thôn lên thành thị, là một trong những nguyên nhân làm mô hình gia đình truyền thống biến đổi mạnh mẽ
Các khu công nghiệp mọc lên nhiều ở các đô thị lớn đã hút hàng triệu thanh niên bỏ nông thôn lên thành thị, là một trong những nguyên nhân làm mô hình gia đình truyền thống biến đổi mạnh mẽ
 Ông bà, hàng ngày buồn vui với con cháu, khi về già vợ chồng nương tựa vào nhau, nương tựa vào con cái cho đến lúc nhắm mắt ra đi. Các thế hệ nối tiếp nhau lặp đi lặp lại cái vòng đời tạo nên dòng chảy không dứt. Chính nhờ dòng chảy đó tạo nên gia đình, tam tứ đại đồng đường, dòng họ, làng mạc. Nhưng chừng 30 năm trở lại đây, dòng chảy ấy không còn suôn sẻ nữa, ở một bộ phận không nhỏ dường như bị đứt gẫy và tách ra khỏi nguồn cội. Đất nước đã và đang trải qua ít nhất 2 lần biến động trong cấu trúc gia đình.
Lần thứ nhất là từ năm 1990, khi các TP lớn như Hà Nội, TPHCM trở nên sôi động, các khu công nghiệp, khu chế xuất mọc lên, kinh tế thị trường bung ra khắp nơi. Trong bối cảnh đó, mô hình gia đình truyền thống biến đổi mạnh mẽ. Ban đầu là hàng triệu thanh niên nam nữ bỏ nông thôn ùn ùn về các TP, khu công nghiệp tìm cơ hội đổi đời. Họ là sinh viên, viên chức, lao động tự do, hăm hở đến lập nghiệp, lập gia đình ở TP và không quay về bản quán nữa. Vậy là gia đình tam, tứ đại đồng đường nhiều thế hệ tan rã, để hình thành các gia đình chỉ có vợ chồng với 1, 2 đứa con. 
Làng xã truyền thống bắt đầu thay đổi nhanh chóng. Đại gia đình nhiều thế hệ cùng nhau quây quần trên mảnh đất, hay loanh quanh cách vài ngõ xóm, mỗi lần dựng vợ gả chồng cho con cái là tiến hành tách hộ, tách thửa kèm theo miếng đất thổ cư để làm nhà và mảnh ruộng vườn làm kế sinh nhai, dần ít đi. Con cháu tứ tán kiếm ăn khắp nơi, mỗi năm may lắm gặp nhau được một hai lần, số lần nhóm họ cũng thưa dần. Nhiều gia đình có nhà thờ họ hoành tráng nhưng lạnh tanh, phải thuê người quét dọn. 
Sự biến đổi cấu trúc gia đình Việt lần thứ 2 vào khoảng 10 năm trở lại đây, khi nổi lên hiện tượng ly hương sang xứ người định cư. Ban đầu hiện tượng này chỉ diễn ra ở một số gia đình giàu có, quan chức. Họ cho con đi du học theo con đường nhà nước hay tự túc.
Những cô cậu này sau khi tốt nghiệp đại học ở lại, với sự trợ giúp của gia đình mua sắm nhà cửa, xe cộ, lấy vợ lấy chồng (tây có, ta có), sau đó bảo lãnh cha mẹ người thân qua. Thấy cuộc sống có vẻ dễ chịu, nhiều người sử dụng các mánh khóe để kéo nhau qua. Nào là kết hôn giả, xin tỵ nạn chính trị, đầu tư giả, vượt biên, kể cả việc bỏ trốn ở lại sau khi học xong, kết thúc thời gian hợp đồng lao động. 
Cách nay ít năm người ta rỉ tai nhau rằng ở Mỹ, Australia có những khu định cư mới với hàng chục biệt thự của người Việt. Nay chuyện người Việt mua nhà chuẩn bị cho tương lai ở Mỹ, Australia, Canada trở nên phổ thông. Báo chí nói mỗi năm người Việt Nam bỏ ra hơn 3 tỷ USD mua nhà ở Mỹ, những người am hiểu nói con số đó mới chỉ bằng phân nửa thực tế.
Các đại gia, các quan chức đang xúc tiến xây dựng căn cứ sinh sống lâu dài ở  Mỹ, Australia là chuyện có thật. Những năm sau này, việc tìm mọi cách đưa con em ra đi lan dần xuống các gia đình trung lưu và cả ở tầng lớp thấp hơn. Chương trình EB3, EB5 của Mỹ, chương trình định cư của Canada, cách thức chuyển tiền phi chính thức… trở thành tâm điểm của những cuộc gặp gỡ.
Ngoài kênh di cư còn có kênh xuất khẩu lao động. Theo báo cáo của Bộ LĐ-TB-XH, mỗi năm nước ta đưa 80.000-120.000 người đi lao động ở nước ngoài. Như vậy, tính từ năm 2000 đến nay (trừ 2 năm dịch bệnh) ước khoảng 1,2-1,5 triệu lượt người lao động ra nước ngoài làm việc, trong số đó nhiều người trốn ở lại tìm cách định cư, nhiều nhất tại Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan. Hiện có hơn 5 triệu người Việt sinh sống ở nước ngoài, chiếm tỷ lệ 5% dân số (nằm trong nhóm có người định cư nước ngoài cao nhất thế giới).
Những năm 90 của thế kỷ trước, việc phân rã cấu trúc gia đình diễn ra ít đau đớn, bởi con cái có bỏ cha mẹ, bỏ nơi chôn nhau cắt rốn đi xa, bất quá cũng chỉ loanh quanh trong nước, tết nhất, giỗ chạp họ vẫn về. Nhưng làn sóng thứ 2 này mang bản chất và hình thái rất khác. Đó là việc những người đi khỏi gia đình đến một nơi xa thẳm và mang quốc tịch khác, con của họ mang những cái tên mà ông bà chúng trẹo cả mồm không sao phát âm đúng như David, James, Anthony… Một dòng chảy truyền thống văn hóa gia đình (và cũng là giá trị sống) tồn tại hàng ngàn năm nay đang bị thách thức và dần bị tan rữa từng mảng. 
Một ông giáo sư nọ những tưởng viên mãn đến cuối đời mà thế hệ ông mong mỏi. Một ngày nọ con gái ông học ở Australia báo tin sẽ kết hôn với chàng rể “mắt xanh, mũi lõ” và không về nước nữa. Tiếp sau đó vợ ông bỏ ông đi sang Mỹ sau khi ly dị, kết thúc 30 năm chung sống. Bà này làm kết hôn giả với người đàn ông đang sống bên Mỹ và mang thằng con trai còn sót lại của ông đi theo.
Vậy là ông sụp đổ hoàn toàn không chỉ vì những căn bệnh già hành hạ, mà chính là tâm bệnh đã đẩy ông vào tuyệt vọng. Là nhà văn hóa học danh tiếng, cả đời ông tin vào những giá trị được coi là bất biến và rao giảng bấy lâu, nay nó tuột khỏi tay ông. Sau chuyện này, ông mới để ý và phát hiện ra không chỉ ông mà rất nhiều người bạn ông rơi vào hoàn cảnh “bị chặt hết rễ cành còn trơ thùi lùi một cái gốc mục” như thế. 
Xem ra trong suốt chiều dài phát triển của lịch sử đất nước, kể cả trong thời gian bị lên án là “phong kiến lạc hậu”, hay thời gian chiến tranh, giai đoạn hiện nay là lúc gia đình lớn (đại gia đình), gia đình nhỏ bị xáo trộn và va đập nhiều nhất. Ai cũng thấy bất an, ai cũng hoang mang rằng giá trị thật sự của cái gọi là gia đình ở đâu? Làm sao duy trì được các giá trị gia đình, trong khi dòng chảy bị ngắt quãng, đứt gẫy? Một câu hỏi rất khó trả lời.
 Do vậy, cuộc hội thảo “Hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới”, do Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với Hội đồng Lý luận Trung ương, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam, tổ chức, diễn ra thật đúng lúc.  

Các tin khác