Ông Vương Duy Dũng, Cục phó Cục Quản lý Nhà và thị trường BĐS, Bộ Xây dựng cho rằng đến thời điểm này, hệ thống pháp luật liên quan đến BĐS du lịch nghỉ dưỡng đã hoàn thiện và đảm bảo cơ bản cho hoạt động của thị trường. Đồng thời, sắp tới Chính phủ cùng các bộ ngành sẽ tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện đồng bộ các luật trong tổng thể hệ thống pháp luật để tạo môi trường hoạt động tốt hơn cho thị trường BĐS, BĐS du lịch.
Tuy nhiên trên thực tế còn nhiều vấn đề cần phải hoàn thiện để tạo hành lang pháp lý cho những sản phẩm BĐS phục vụ du lịch nghỉ dưỡng phát triển tốt hơn, giúp nhà đầu tư yên tâm đầu tư vào lĩnh vực này.
Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TPHCM (Horea), có 3 luật phải sửa đổi toàn diện trong thời gian tới: Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh BĐS, Luật Quy hoạch đô thị. Mặt khác, cũng cần sửa đổi một số điều của Luật Xây dựng, Luật Đấu giá, đấu thầu, Bộ luật Dân sự…
Tính chính danh của BĐS du lịch được quy định trong các văn bản đã có nhưng cần phải hoàn thiện. Để bảo đảm an toàn cho cán bộ công chức trong thực thi công vụ, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của chủ đầu tư và khách hàng, ông Lê Hoàng Châu cho rằng cần thực hiện Nghị quyết 18 của Trung ương. Theo đó, phải sửa đổi, hoàn thiện Luật Đất đai 2013, đồng thời phải xây dựng đồng bộ, hoàn thiện hệ thống pháp luật.
Cũng tại hội thảo, Chủ tịch Horea Lê Hoàng Châu cho biết khoảng 80-90% thị trường BĐS du lịch nghỉ dưỡng nằm ở khu vực ven biển, hải đảo, do đó các tỉnh, thành ven biển nước ta (Quảng Ninh, Hải Phòng, Thanh Hóa, Thừa Thiên – Huế, Ninh Thuận, Bình Thuận, Bà Rịa – Vũng Tàu…) có lợi thế lớn để phát triển loại hình này.
“BĐS du lịch có tiềm năng cực kỳ lớn. Sau khi chuẩn hóa các hành lang pháp lý sẽ định hướng cho sự phát triển lành mạnh, bền vững của thị trường BĐS du lịch”, ông Châu nhấn mạnh.
Theo ông Châu, thị trường BĐS du lịch hiện nay đang dần được định hình lại, các chủ đầu tư đã có tương tác, gắn bó quyền lợi của mình với khách hàng tốt hơn trước. Văn hóa kinh doanh này sẽ thống lĩnh trên thị trường BĐS du lịch bởi BĐS du lịch là “con gà đẻ trứng vàng” khi chúng ta thu hút đông đảo khách du lịch trở lại.
"Chúng tôi rất kỳ vọng BĐS và ngành du lịch Việt Nam sẽ trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. BĐS Việt Nam sẽ tiếp tục phát triển một cách lành mạnh, bền vững. Điều này sẽ có lợi cho cả chủ đầu tư, khách hàng”, ông Lê Hoàng Châu bày tỏ.
Với vai trò là luật sư tư vấn cho các nhà đầu tư sản phẩm về BĐS, luật sư Lê Trung Phát - Giám đốc Hãng luật Lê Trung Phát – Đoàn luật sư TPHCM, cho rằng với sự phát triển nhanh của sản phẩm BĐS nghỉ dưỡng, trong khi về mặt luật pháp chưa rõ ràng, nó đã để lại không ít các tranh chấp phát sinh giữa chủ đầu tư dự án và những người mua lại dự án.
Theo luật sư Phát, thực tế cho thấy, để có thể kinh doanh được sản phẩm này, để người mua được cấp sổ, thì bản thân sản phẩm đang phải chịu sự điều chỉnh của rất nhiều luật gồm Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh BĐS, Luật Đầu tư, Luật Du lịch,… Và mấu chốt là các văn bản luật này “chưa đặt được tên cho nó”, để từ đó có thể ghi “giấy khai sinh” cho chúng. Nó đang được các địa phương tạm gọi là: đất ở không hình thành đơn vị ở. “Vì vậy theo tôi, chúng ta cần phải luật hóa được vấn đề này”- luật sư Trung Phát chia sẻ.
Cũng theo luật sư Phát, khi trao đổi với các nhà kinh doanh BĐS nghỉ dưỡng, ông đã đặt vấn đề về tính ưu việt của việc cần chấp thuận từ luật pháp cho sản phẩm này. Phần lớn các nhà đầu tư đều đưa ra lý do: Thu hút nhà đầu tư phát triển cho địa phương, tạo công ăn việc làm cho người dân.... Nhưng khi ông trao đổi lại, nếu địa phương quy hoạch phát triển các khu đất này làm du lịch, các chủ đầu tư doanh nghiệp vô đầu tư xây resort, khách sạn thì nó cũng mang lại những lợi ích như vậy. Hoặc là chủ đầu tư ký hợp đồng hợp tác đầu tư tài sản với cá nhân, rồi quy định cho người góp vốn có quyền hưởng lợi nhuận từ chính căn nhà của mình.
“Vấn đề ở đây chính là người mua thứ cấp vẫn muốn có thuộc tính sở hữu, mà chỉ có việc sửa luật thì mới đảm bảo được thuộc tính này. Để làm được việc này, chúng ta cần phải kịp thời thay đổi và điều chỉnh quy định của pháp luật, cụ thể là: Cần bổ sung khái niệm “đất ở nông thôn không hình thành đơn vị ở” vào điểm A khoản 2 Điều 10 Luật Đất đai năm 2013; Cần đưa thêm khái niệm vào Điều 3 của Luật nhà ở 2014; Cần bổ sung khái niệm “nhà ở không hình thành đơn vị ở” vào Điều 5 của Luật Kinh doanh BĐS 2014 để thuộc diện là các BĐS đưa vào kinh doanh. Bản thân, tôi hiểu rằng, việc thay đổi này, sẽ tạo rất nhiều áp lực cho các cơ quan quản lý nhà nước, nhưng để xét về tính ưu việt cho việc cần thay đổi, thì nó xứng đáng để chúng ta cần phải thay đổi. Có như vậy, các quyết tâm chính trị của Nhà nước mới sớm hiện thực hóa vào cuộc sống, giúp đất nước ngày càng phát triển hơn”- luật sư Trung Phát cho hay.
Theo Tiến sĩ kinh tế Đinh Thế Hiển, khi nghiên cứu các resort để đầu tư thì nơi đó phải tương ứng với thị trường và khả năng sinh lời. Khi bắt đầu xuất hiện các công ty đầu tư BĐS nghỉ dưỡng thì có cái tốt là nhanh chóng có các khu nghỉ dưỡng như ở Quy Nhơn, Sầm Sơn, Phú Quốc… nhưng lại đều có phong cách giống nhau, chưa có dấu ấn riêng, tạo phong phú cho địa phương. “Đôi khi mọc nhanh quá làm thị trường thừa cung” - ông Hiển nhìn nhận.
Dự báo tương lai, ông Hiển cho rằng, về du lịch nghỉ dưỡng biển nói riêng và du lịch Việt Nam nói chung hoàn toàn phát triển, nhưng cần làm sao để các khu du lịch này về mặt hoạt động đúng là khu du lịch để phục vụ du khách. “BĐS nghỉ dưỡng song hành với nhu cầu phát triển du lịch, còn không làm được điều đó mà chỉ để nhà đầu tư trục lợi thì sẽ làm thị trường BĐS nghỉ dưỡng bất ổn" - ông Hiển cho biết.