Bất động sản “tắt” một phần do thực thi pháp luật

(ĐTTCO)- Đó là nhận định của ông Lê Hoàng Châu- Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM tại hội thảo “Vực dậy bất động sản, thúc đẩy phục hồi kinh tế” do báo Thanh Niên tổ chức sáng 27-4.
Bất động sản “tắt” một phần do thực thi pháp luật

Theo ông Châu, tình trạng hàng trăm dự án vướng pháp lý không thể triển khai trong thời gian qua một phần do quy định pháp luật chồng chéo, một phần do cán bộ thực thi cũng như lãnh đạo một số địa phương không mạnh dạn triển khai mặc dù đã có quy định pháp luật. Cụ thể, từ năm 2020 Chính phủ đã ban hành nghị định 148, trong đó có nội dung giao thẩm quyền cho chủ tịch UBND các tỉnh, thành trực thuộc trung ương có hướng dẫn cụ thể đối với các dự án đấu giá phần đất công xen cài trong các dự án mà doanh nghiệp đang triển khai dự án để thực hiện dự án độc lập hoặc giao đất thu tiền sử dụng đất đối với những phần đất không đủ điều kiện để thực hiện dự án. Tuy nhiên đến thời điểm này chỉ có 50% các tỉnh thành có hướng dẫn, các thành phố trực thuộc trung ương cũng chỉ có Hà Nội có hướng dẫn. Hay việc cấp GCN cho các sản phẩm bất động sản du lịch pháp luật cũng đã có quy định rất rõ, nhưng nhiều địa phương không dám làm, mới đây Chính phủ lại ban hành Nghị định 10 để “nhắc nhở” việc này…

Tại hội thảo hàng loạt chuyên gia, doanh nghiệp đều có chung quan điểm: nếu tháo gỡ được bất động sản thì nhiều ngành nghề khác, như vật liệu xây dựng, nội thất, thiết kế, thu ngân sách… cũng sẽ khởi sắc theo. Trong lúc chờ đợi Quốc hội sửa luật thì Chính phủ cần có những hướng dẫn cụ thể để cán bộ thực thi mạnh dạn thực thi nhiệm vụ để vực dậy lĩnh vực bất động sản. GDP quý 1 năm 2023 không như kỳ vọng. Đặc biệt, TP.HCM - đầu tàu tăng trưởng của cả nước nhưng lại nằm trong top 10 tỉnh thành có mức tăng trưởng thấp nhất đang là vấn đề được quan tâm hàng đầu hiện nay. Có nhiều nguyên nhân nhưng sự sụt giảm của thị trường bất động sản đóng vai trò quan trọng dẫn tới kết quả này. Là ngành kinh tế tổng hợp, đầu vào và đầu ra của nhiều lĩnh vực, việc bất động sản tê liệt suốt từ quý 4 năm 2022 đến nay kéo theo sự đình đốn của sản xuất vật liệu, xây dựng, thiết kế, nội thất... Vì thế, vực dậy thị trường bất động sản đồng nghĩa với hồi sinh gần 40 lĩnh vực liên quan, giải quyết công ăn việc làm cho hàng triệu lao động, tạo nguồn thu lớn cho ngân sách, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế các quý tiếp theo của năm 2023.

Các tin khác