Dòng tiền vào nhóm VN30 với mục tiêu “giải cứu” VN Index đã hoàn toàn thất bại trước áp lực bán tháo ở các nhóm ngành còn lại bất động sản, thép và CK.
Nhóm CP này tiếp tục bị bán ra mạnh trong phần lớn thời gian giao dịch khiến cho nhiều mã rơi vào tình trạng dư bán sàn với khối lượng lớn, như: CII, DIG, DXG, GEX, LDG, SCR, ITA, HQC, DLG, TCH, ASM, FCN, IDI, CTS, BCG, SBT, VND, BII, ITC, TLH, VIX, APG.
Nhóm CP liên quan đến ông Trịnh Văn Quyết là FLC, ROS, AMD, ART, KLF, HAI tiếp tục nằm trong tình trạng “trắng bên mua” sau khi UBCKNN có quyết định xử phạt hành vi bán chui CP.
Phía ngược lại, nhóm CP ngân hàng nhận được lực cầu đối ứng tích cực. Nhờ vậy, nhiều mã ngân hàng trong rổ VN30 ghi nhận được sắc xanh về cuối phiên, như: VPB, BID, HDB, MBB, STB, VCB.
Ngoài nhóm CP nhà băng, VN Index còn nhận được lực đỡ của nhiều mã CP có vốn hóa lớn như MSN, GAS, VNM, VRE, VJC, PLX, PDR.
Sắc xanh của nhóm CP trên đã phần nào giúp cho VN Index thoát phiên giảm sâu. Chốt phiên hôm nay, chỉ số này giảm 13,9 điểm (tương đương 0,96%) xuống 1.438,94 điểm.
Số mã giảm trên sàn HoSE tiếp tục chiếm áp đảo với 339 mã, trong đó có 90 mã giảm sàn, so với 135 mã tăng và 35 mã đứng giá.
Nếu VN Index có sự trợ giúp từ nhóm CP lớn thì HNX Index gần như “buông xuôi” trước áp lực xả hàng của bên nắm giữ. Chỉ số này ghi nhận mức giảm lịch sử trong phiên hôm nay là 24,13 điểm (tương đương 5,42%) xuống 421,21 điểm.
Số mã giảm trên sàn HNX cao gấp 4 lần số mã tăng. Cụ thể, số mã giảm của HNX lên đến 197 mã (59 mã giảm sàn) so với 48 mã tăng và 35 mã đứng giá tham chiếu.
Đáng báo động là thanh khoản trong phiên hôm nay sụt giảm mạnh với giá trị giao dịch của sàn HoSE đạt chưa đầy 23.000 tỷ đồng (tương đương 740 triệu CP), sàn HNX là 2.332 tỷ đồng (91 triệu CP).