Hầu hết sản phẩm được các DN đưa ra thị trường trong chương trình “Sản phẩm mới” do Hội DN hàng Việt Nam chất lượng cao phát động đều có đặc điểm chung thêm tính năng và giảm giá thành. Trong khi người tiêu dùng đang thắt chặt chi tiêu, những sản phẩm như thế luôn được ưu tiên chọn lựa.
Cơ hội và thách thức
Trong đợt đưa sản phẩm mới ra thị trường lần này, CTCP Bóng đèn Điện Quang giới thiệu loại đèn compact chống ẩm đã được Điện Quang kết hợp với Viện Nghiên cứu cây ăn quả miền Nam thử nghiệm thay thế đèn tròn dùng trong trang trại (phổ biến loại 75W, dễ vỡ khi trời mưa). Loại đèn này có độ bền cao gấp 6 lần và chỉ tiêu thụ khoảng 30% điện năng, giá bán lại rẻ hơn từ 10.000-15.000 đồng/chiếc so với đèn tròn; sử dụng hiệu quả trong trồng thanh long, hoa cúc, nuôi tôm.
Công ty Nhôm Kim Hằng giới thiệu loại bếp cồn tiết kiệm năng lượng, không rỉ sét, có khay giữ cồn dư để tái sử dụng. Ngoài ra công ty cũng cho ra mắt dòng sản phẩm khuôn bánh khọt không tốn dầu ăn.
![]() |
CTCP Bóng đèn Điện Quang quan tâm việc đưa sản phẩm mới |
Hầu hết sản phẩm mới đều nhận được sự hưởng ứng của người tiêu dùng. Việc đưa ra thị trường các dòng sản phẩm mới là yêu cầu cấp thiết, vì DN không thể chỉ khai thác mãi các dòng sản phẩm truyền thống, chủ lực của mình. Tuy nhiên, trước khi tung ra sản phẩm mới, các DN phải hết sức quan tâm nghiên cứu, tìm hiểu nhu cầu thị trường.
GS. George J. Abe, Giảng viên Đại học UCLA (Hoa Kỳ), chia sẻ: “Việc nghiên cứu thị trường sẽ giúp DN tìm ra nhu cầu của người tiêu dùng và tạo những sản phẩm phù hợp với thị trường. Điều này giúp tăng lợi nhuận cho DN”. Chiều theo thị hiếu tiêu dùng là yếu tố cần quan tâm, cách làm này có thể làm giảm khả năng sáng tạo, đột phá của DN trong việc nghiên cứu sản phẩm mới, nhưng trong tình hình kinh tế khó khăn hiện nay, an toàn vẫn là yếu tố được các DN đặt lên hàng đầu.
Song song với những thành công mà sản phẩm mới mang lại cho các DN, cũng có không ít rủi ro. Điều quan trọng là các DN cần tỉnh táo để tránh mọi rủi ro không đáng có.
Hạn chế rủi ro
Ông Phạm Phú Ngọc Trai, Chủ tịch Công ty Tư vấn kinh doanh hội nhập toàn cầu, nhận định: Khi tung sản phẩm mới ra thị trường, thành công nhiều và thất bại cũng không ít, vì đầu tư luôn đi kèm với rủi ro.
GS. J.Abe cũng chia sẻ: Việc cạnh tranh luôn luôn diễn ra. Khi DN đưa ra được sản phẩm mới không có nghĩa đã hoàn toàn làm chủ thị trường, DN đối thủ có thể sẽ dựa trên những phiên bản cũ để sáng tạo ra sản phẩm ưu việt hơn. Nhưng nếu không làm có nghĩa đã nhường sân cho đối thủ ngay từ đầu. Ngoài ra, còn vô số rủi ro khác như: gián đoạn việc làm thương hiệu của các sản phẩm đã có; mất nhiệt huyết của nhân viên (mọi người đều muốn tạo ra sản phẩm mới lạ và sẽ thất vọng nếu không được chọn).
Rủi ro có thể khiến DN nhụt chí. Trong thời kinh tế khó khăn hiện nay, nhiều DN Việt Nam có tâm lý muốn thu hẹp hoạt động thay vì bung rộng ra. Song, nếu không dám đối mặt với thử thách, các DN sẽ tự nhường sân cho các sản phẩm ngoại nhập. Không chỉ các sản phẩm có nguồn gốc từ Trung Quốc, mà ngay cả từ các nước ASEAN cũng luôn nhăm nhe vào thị trường Việt Nam. Vậy làm sao để hạn chế các rủi ro này? Điều này phụ thuộc vào khả năng nắm bắt và quản trị của các lãnh đạo DN.
Cũng cần lưu ý thêm, việc tung ra một sản phẩm mới trong thời điểm hiện nay thường được các DN áp dụng theo phương pháp cải tiến sản phẩm cũ chứ không phải đột phá hoàn toàn, tung ra những sản phẩm đi đầu. Với những sản phẩm đột phá hoàn toàn, DN phải khá mạo hiểm vì đây là việc tạo ra sản phẩm trước khi người tiêu dùng nhận thức được họ muốn có nó.