Bất ngờ trái phiếu chính phủ

Thị trường trái phiếu chính phủ (TPCP) liên tục bị ế trong nhiều tháng đầu năm vì thiếu hấp dẫn về kỳ hạn và lãi suất. Huy động vốn không tốt khiến nguồn thu ngân sách thiếu hụt và Bộ Tài chính phải đưa ra nhiều giải pháp để cân đối. Và trong hơn 1 tháng qua thị trường này có những diễn biến bất ngờ khi TPCP đắt hàng trở lại.

Thị trường trái phiếu chính phủ (TPCP) liên tục bị ế trong nhiều tháng đầu năm vì thiếu hấp dẫn về kỳ hạn và lãi suất. Huy động vốn không tốt khiến nguồn thu ngân sách thiếu hụt và Bộ Tài chính phải đưa ra nhiều giải pháp để cân đối. Và trong hơn 1 tháng qua thị trường này có những diễn biến bất ngờ khi TPCP đắt hàng trở lại.

Trong tuần cuối cùng của tháng 10-2015, trái phiếu kỳ hạn 5 năm tiếp tục nhận được sự quan tâm rất lớn từ các nhà đầu tư khi tỷ lệ trúng thầu đạt mức 100% (huy động thành công 3.000 tỷ đồng) với lãi suất 6,63%/năm; kỳ hạn 15 năm huy động thành công 892 tỷ đồng (tỷ lệ trúng thầu 89%) với mức lãi suất không đổi 7,65%/năm. Điểm đặc biệt khác là trong 2 tháng qua khối ngoại cũng liên tục mua ròng với giá trị đạt 5.879 tỷ đồng TPCP trên thị trường thứ cấp.

Vùng lãi suất trúng thầu trong thời gian từ đầu năm đến nay đối với trái phiếu kỳ hạn 5 năm là 5,1-6,65%/năm, nhưng trong tháng 10 đã tăng mạnh lên 6,53-6,65%/năm. Tương tự, các kỳ hạn trái phiếu khác cũng nhích nhẹ lên 6,9-7%/năm ở kỳ hạn 10 năm và 7,65-7,65%/năm kỳ hạn 15 năm. Như vậy, lãi suất trúng thầu trái phiếu đã tăng khá nhiều so với trước đó.

Diễn biến hiện nay đang khác hẳn so với giai đoạn đầu năm khi TPCP luôn bị ế. Nguyên nhân của tình trạng này là do từ năm 2015 chỉ phát hành trái phiếu kỳ hạn từ 5 năm trở lên, trong khi các nhà đầu tư chỉ chuộng trái phiếu kỳ hạn ngắn. Mặt khác, lãi suất trái phiếu không hấp dẫn khi liên tục bị sụt giảm và có những giai đoạn vùng lãi suất trúng thầu của trái phiếu kỳ hạn 5 năm chỉ 5,1-5,3%/năm.

Kết quả này khiến dự báo khó hoàn thành kế hoạch 250.000 tỷ đồng được đưa ra từ rất sớm. Trong báo cáo tình hình kinh tế 10 tháng của Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia cũng nhấn mạnh kế hoạch phát hành TPCP năm 2015 khó khả thi nếu không có điều chỉnh thích hợp về kỳ hạn.

Dòng vốn NH lại quay trở lại đầu tư vào TPCP.

Dòng vốn NH lại quay trở lại đầu tư vào TPCP.

Thực ra việc huy động TPCP gặp khó và bội chi ngày càng lớn khiến Bộ Tài chính phải vay của NHNN 30.000 tỷ đồng và phát hành 1 tỷ USD TPCP cho Vietcombank với mức lãi suất khoảng 4%/năm để bù vào các khoản chi ngân sách. Chính vì vậy Chính phủ xin Quốc hội chấp thuận việc phát hành lại trái phiếu kỳ hạn dưới 5 năm để linh động hơn trong việc huy động vốn. Đặc biệt, mới đây Chính phủ còn đề nghị Quốc hội cho phép phát hành khoảng 3 tỷ USD trái phiếu quốc tế để trả cho các khoản nợ đến hạn trong nước.

Số liệu từ Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) cho thấy, đối với nghiệp vụ tín phiếu, hoạt động phát hành mới không thật sự sôi động khi chỉ có 20.000 tỷ đồng được phát hành trong khi lượng tín phiếu đáo hạn là 66.668 tỷ đồng. Như vậy đã có 46.668 tỷ đồng quay trở lại hệ thống NH trong tháng qua thông qua kênh tín phiếu. Đây có thể là một trong những nguyên nhân khiến nhiều NH lớn thừa tiền và bỏ tiền nhiều hơn để mua trái phiếu và giúp việc giao dịch TPCP sôi động trở lại.

Ngoài ra, có thể do tăng trưởng tín dụng của các NH không như kỳ vọng. Hiện nay, tăng trưởng tín dụng của các NH vẫn bị NHNN kiểm soát bằng “room”. Báo cáo của các NH hiện nay cho thấy nhiều NH đã hết room này và đang xin NHNN nới rộng. Tuy nhiên, phần lớn NH vẫn trong tình trạng chờ đợi, do đó chắc chắn các NH đang có một lượng tiền nhàn rỗi không nhỏ. Để sử dụng hiệu quả nguồn vốn này, mua TPCP là một giải pháp khá tốt. Diễn biến trên cho thấy trạng thái khá dồi dào của thanh khoản toàn hệ thống NH trong tháng 10. Tốc độ tăng chậm lại của tín dụng trong tháng 10 (chỉ tăng 0,37% so với tháng 9) đã giúp giải tỏa áp lực cho vấn đề thanh khoản.

Thời gian qua lãi suất huy động trên thị trường tăng nhẹ trong bối cảnh lạm phát chỉ tăng ở mức rất thấp. Điều này có thể lý giải do các NH đang dự phòng cho tăng trưởng tín dụng trong năm tới. Hiện nay kinh tế đang khởi sắc trở lại, đặc biệt là thị trường bất động sản. Do vậy, nhu cầu vay vốn có thể tăng mạnh trong thời gian tới, nên các NH phải tăng huy động vốn để dự phòng khả năng này. Với số vốn huy động dự phòng này, NH có thể tạm thời đầu tư vào trái phiếu. Qua đây cũng có thể dự báo việc hạ lãi suất trên thị trường trong thời gian tới là không dễ dàng. TPCP sẽ cạnh tranh với lãi suất cho vay, khiến lãi suất bình quân trên thị trường có thể tăng.

Trong tháng 10, tình hình kinh tế diễn biến theo chiều hướng cải thiện so với tháng 9, nhưng so với cùng kỳ một số chỉ tiêu như sản xuất công nghiệp, doanh số bán lẻ có tốc độ tăng trưởng không bằng. Tuy nhiên, tín hiệu tích cực là chỉ số PMI đã quay trở lại trên ngưỡng 50 điểm sau 1 tháng giảm xuống dưới.

Các tin khác