Thời gian gần đây, liên tục nhiều thông tin được phát đi từ cơ quan quản lý và các đơn vị trực thuộc bất nhất, thậm chí mâu thuẫn nhau. Điều này dễ gây mất niềm tin của người dân, xã hội đối với những phát biểu của lãnh đạo các cơ quan quản lý.
Trao đổi với báo giới tại hội thảo “Tăng trưởng tín dụng của NHTM Việt Nam - Thực trạng và giải pháp” diễn ra ngày 16-9, ông Nguyễn Tiến Đông, Vụ trưởng Vụ tín dụng các ngành kinh tế (NHNN), cho biết cơ quan này đang nghiên cứu xây dựng gói hỗ trợ vay mua nhà cho cán bộ công chức, viên chức, lực lượng vũ trang nhân dân, sau khi hoàn thiện sẽ trình Thủ tướng Chính phủ xin ý kiến.
Ông Đông còn cho biết khá chi tiết gói tín dụng này nhằm hỗ trợ người có thu nhập trung bình khá trở lên có điều kiện vay vốn mua các loại căn hộ cao cấp, trung cấp và nhà liền kề. Thời gian vay dự kiến tối đa 10 năm, số tiền vay có thể lên đến 2 tỷ đồng với mức lãi suất dự kiến 6-7,5%/năm.
Gói hỗ trợ này xuất phát từ nhu cầu nhà ở diện tích lớn 70-100m2 của người dân và do thị trường đang tồn kho căn hộ diện tích lớn. Gói tín dụng này sẽ triển khai song song với gói 30.000 tỷ đồng dành cho người thu nhập thấp vay mua nhà. Tất cả NHTM kể cả NHTMCP không do Nhà nước nắm cổ phần chi phối đều được tham gia cho vay.
Thông tin trên đã thu hút sự quan tâm lớn của xã hội, đặc biệt là giới kinh doanh bất động sản, thì mới đây, tại phiên họp thứ 31 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 29-9, khi được hỏi về gói tín dụng dành cho cán bộ, công chức vay mua nhà với mức tới 2 tỷ đồng, Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình khẳng định NHNN không có chủ trương này. Điều đáng nói, trong gần nửa tháng thông tin này được công bố rộng rãi, NHNN không hề có văn bản hay thông cáo báo chí nào liên quan đến vấn đề này.
Hồi tháng 4 vừa qua, ông Nguyễn Vinh Hiển, Thứ trưởng Bộ Giáo dục - Đào tạo phát biểu trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội về đề án đổi mới chương trình sách giáo khoa phổ thông với kinh phí 34.000 tỷ đồng. Khi bị các chuyên gia chất vấn, vị lãnh đạo này nói thêm số tiền “khủng” trên dùng để triển khai nhiều hạng mục, không chỉ riêng việc đổi mới sách giáo khoa.
Sau đó vài ngày, tại chương trình “Dân hỏi - Bộ trưởng trả lời” của VTV, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận nói ông không đồng tình vì sự lãng phí và phi lý của “gói” 34.000 tỷ đồng này, đồng thời khẳng định con số 34.000 tỷ đồng không có trong tờ trình và hồ sơ liên quan Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Con số 34.000 tỷ đồng là tổng hợp từ kết quả nghiên cứu của nhiều nhóm chuyên gia đề xuất nhiều hạng mục, trong đó riêng về biên soạn chương trình sách giáo khoa trên 100 tỷ đồng.
Thực tế, NHNN cũng từng vấp phải nhiều vấn đề trong bất nhất thông tin. Giữa năm 2013, số liệu nợ xấu ngành NH được các cơ quan quản lý công bố không đồng nhất 4,67%, 4,65%, rồi khoảng 8%... đã khiến dư luận chẳng biết con số nào chính xác.
Cơ quan Thanh tra giám sát NH thuộc NHNN đã lý giải rằng sự chênh nhau về số liệu là do trích dẫn từ các nguồn khác nhau của đại diện cơ quan quản lý ở những thời điểm khác nhau. Sau đó, con số nợ xấu tiếp tục gây tranh cãi khi tháng 2-2014, hãng xếp hạng tín nhiệm Moody’s công bố báo cáo triển vọng hệ thống NH năm 2014, trong đó đánh giá tỷ lệ nợ xấu của hệ thống NH Việt Nam đến cuối năm 2013 ít nhất chiếm 15%, trong khi NHNN lại đưa ra con số 3,63%.
Chưa hết, tại phiên họp thường kỳ tháng 3-2014 của Chính phủ, Thống đốc NHNN cho biết tỷ lệ nợ xấu theo báo cáo của các tổ chức tín dụng đã giảm khá mạnh, chỉ còn khoảng 3,6-3,9%, nhưng theo đánh giá của NHNN tỷ lệ này vẫn ở khoảng 7%. Cũng chính vì sự bất nhất trong thông tin, đến thời điểm này, số liệu nợ xấu được công bố vẫn khiến người dân và doanh nghiệp có suy nghĩ NHNN và các NHTM đang che giấu con số nợ xấu thực. Và nếu không biết chính xác con số nợ xấu, việc xử lý sẽ rất khó khăn.
Qua những sự việc trên, có thể thấy việc công bố thông tin của các cơ quan quản lý đang có sự không thống nhất, từ đó dẫn đến tình trạng cấp dưới công bố thông tin sau đó cấp trên bác bỏ hoặc đính chính. Phải chăng, khi có ý tưởng nào đó, cơ quan quản lý thường thăm dò ý kiến bằng cách để cho cấp dưới công bố, nếu dư luận ủng hộ sẽ thực hiện, còn nếu dư luận phản ứng, người quản lý đứng đầu sẽ lên tiếng bác bỏ thông tin.
Và thực tế thời gian qua, nhiều đề xuất không phù hợp sau khi vấp phải sự phản đối của dư luận đã không được thực thi. Tuy nhiên, việc ban hành chủ chương, chính sách mới theo kiểu này sẽ làm mất niềm tin của người dân đối với các thông tin do cơ quan nhà nước công bố.