PHÓNG VIÊN: - Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, GDP 9 tháng năm 2019 ước tính tăng 6,98% so với cùng kỳ năm ngoái, mức tăng cao nhất của 9 tháng trong 9 năm gần đây. Ông bình luận thế nào về con số này?
TS. NGUYỄN ĐÌNH CUNG: - Tăng trưởng kinh tế thời gian này cao nhưng chủ yếu nhờ xuất khẩu, nên ẩn chứa nhiều rủi ro.
Cụ thể, xuất khẩu trong 9 tháng tăng 7,6% nhưng phụ thuộc rất lớn vào Mỹ (tăng 26,6%), trong khi các thị trường khác tăng thấp hơn hoặc giảm, như EU đạt 34,2 tỷ USD, giảm 1,9%; Trung Quốc 32,5 tỷ USD, giảm 2,9%; hay ASEAN 21,3 tỷ USD, tăng 2,6%; Nhật Bản đạt 16,6 tỷ USD, tăng 7,5% và Hàn Quốc đạt 16,6 tỷ USD, tăng 9%.
Việc xuất khẩu lớn nhất vào thị trường Mỹ đã đặt kinh tế Việt Nam vào thế bất định và có rủi ro, bởi Mỹ sẽ siết chặt hơn hàng hóa Việt Nam.
Không chỉ vấn đề tăng trưởng, nền kinh tế nói chung đang bộc lộ điểm yếu là phụ thuộc quá nhiều vào khu vực doanh nghiệp FDI. Kim ngạch xuất - nhập khẩu thuộc khối doanh nghiệp FDI chiếm 60% tổng kim ngạch xuất khẩu. Thậm chí, tốc độ tăng trưởng nền kinh tế phụ thuộc vào số ít doanh nghiệp FDI lớn.
Như Samsung năm ngoái xuất khẩu 60 tỷ USD, bằng 1/4 tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước. Nên tăng trưởng ở đây về tính chất rất bấp bênh, tiềm ẩn nhiều rủi ro, chất lượng tăng trưởng không cao.
- Ông đánh giá thế nào về cơ cấu và triển vọng của các ngành kinh tế hiện nay khi đóng góp cho tăng trưởng?
- Hiện nay, tăng trưởng kinh tế nước ta vẫn chưa thực sự ổn định. Cơ cấu kinh tế có sự đóng góp của các ngành, nhưng thực tế đóng góp của các ngành vào GDP về cơ bản vẫn giữ nguyên, không có sự dịch chuyển trong nội bộ nền kinh tế, không có dịch chuyển nguồn lực để có các ngành kinh tế hiệu quả hơn.
Nhìn vào thành phần kinh tế nước ta hiện nay sẽ chỉ thấy khu vực FDI đang tăng lên nhanh chóng, khiến tỷ trọng khu vực kinh tế tư nhân và nhà nước giảm, trong khi sự chuyển dịch nguồn lực phát triển vẫn chủ yếu theo mệnh lệnh hành chính.
Thực trạng trên cho thấy, những cái mới đang rất khó phát triển tại Việt Nam, trong khi cơ chế kinh tế vẫn “làm theo quy định, tiến theo quy trình” đang triệt tiêu mọi sáng tạo.
Theo tôi, nguyên nhân của thực trạng này do Việt Nam không có thị trường đúng nghĩa, khiến nền kinh tế rất kém năng động. Từ đó dẫn đến không có sản phẩm, ngành nghề và chính sách mới để thúc đẩy tăng trưởng, trong khi đây mới chính là những yếu tố then chốt quyết định đến sự phát triển nội lực của nền kinh tế.
- Thời gian qua chúng ta đã nói nhiều đến việc sàng lọc vốn FDI, cần những dòng vốn FDI thế hệ mới. Điều này có giúp tăng trưởng bền vững hơn, thưa ông?
Việc xuất khẩu lớn nhất vào thị trường Mỹ đã đặt kinh tế Việt Nam vào thế bất định và có rủi ro, bởi Mỹ sẽ siết chặt hơn hàng hóa Việt Nam. |
Trong khi đó, FDI tăng 26% về số dự án, nhưng lại giảm 14,6% về số vốn đăng ký mới. Vốn giảm, quy mô dự án giảm, đủ cơ sở để nghi ngờ về chất lượng dự án và cách thức đầu tư của doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam.
Thêm vào đó, vốn FDI bổ sung cũng giảm 16,4% so với cùng kỳ, vốn FDI thực hiện chỉ tăng 7,4%, trong khi vốn đầu tư nước ngoài gián tiếp lại tăng đột biến lên 70,5%. Vậy nhà đầu tư nước ngoài ở đây cụ thể là ai, họ mua cái gì, ở đâu, khả năng tiến triển dự án sẽ như thế nào… là điều rất đáng để chúng ta phải lo ngại.
Bên cạnh quy mô và cơ cấu bất thường, vấn đề chất lượng dự án FDI rất đáng quan tâm. Trong số 74 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư trong 10 tháng qua, Hàn Quốc là nhà đầu tư lớn nhất với 2,752 tỷ USD (chiếm 21,5% tổng vốn đăng ký cấp mới). Tiếp theo là Trung Quốc 2,115 tỷ USD (chiếm 16,5%), Singapore 1,839 tỷ USD (14,3%), Hồng Kông 1,639 USD (12,8%), Nhật Bản 1,63 tỷ USD (12,7%), Thái Lan 538,1 triệu USD (4,2%), Đài Loan 454,6 triệu USD (3,5%).
Điều đáng chú ý, không thấy nhà đầu tư đến từ châu Âu và Mỹ, trong khi có vẻ vốn đầu tư của Trung Quốc trực tiếp và gián tiếp (có yếu tố Trung Quốc) chiếm đến gần 50%.
Câu hỏi đặt ra là liệu xu hướng này có được đảo ngược khi Nghị quyết 50 mới đây của Bộ Chính trị yêu cầu phải sàng lọc vốn FDI tại Việt Nam? Câu trả lời có lẽ cần thời gian, đặc biệt là sự quyết tâm thực hiện của các bộ, ngành.
- Theo ông, động lực cho tăng trưởng kinh tế bền vững thời gian tới là gì?
- Nhiều năm qua, chúng ta mới chú trọng cải cách thủ tục hành chính, cắt bỏ môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, tức mới dừng ở phần ngọn của vấn đề, trong khi điều chính yếu nằm ở tư duy của chính chúng ta.
Tôi cho rằng nếu không tháo trần tư duy để cải cách mạnh mẽ, chuyển triệt để và nhất quán sang kinh tế thị trường, ngay cả “kịch bản số 0” cũng khó đạt, chứ đừng nói đến tăng trưởng bền vững.
Ở đây, phải thấy rằng vấn đề cốt lõi của ta nằm ở hiệu quả sử dụng nguồn lực, nên trọng tâm cải cách phải dồn vào đó. Nếu nâng cao được hiệu quả, với tổng nguồn lực hiện nay chúng ta có thể tăng trưởng như các nước trong khu vực.
- Xin cảm ơn ông.