Đã được các nước trong Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) bàn bạc từ lâu nhưng phải đợi đến những năm gần đây ý tưởng về bầu trời mở mới định hình và triển khai rõ nét để cho người dân các nước trong khu vực di chuyển bằng đường hàng không với chi phí phải chăng.
Một trong những đột phá đầu tiên có thể kể đến thị trường hàng không Singapore - Malaysia cách đây 6 năm đã được khai phóng để cho nhiều hãng máy bay vào cạnh tranh, kể cả hàng không giá rẻ khiến giá vé khứ hồi Singapore - Kuala Lumpur ở mức 400USD trước năm 2008 đến nay đã xuống dưới 100USD. Nhiều tuyến bay đã được thiết lập từ Singapore - Bangkok cho đến Kuala Lumpur - Jakarta càng làm bầu trời ASEAN nhộn nhịp hơn. Nhưng đáng nói nhất vẫn là thay đổi mới đây của thị trường hàng không Indonesia, chiếm 40% điểm đến trong khu vực với thị trường 600 triệu dân, cho phép không hạn chế tất cả các chuyến bay từ các nước ASEAN khác đến Jakarta.
Xét đến sự đa dạng văn hóa và những khác biệt về cơ cấu chính trị trong khu vực, những thay đổi trên rất đáng khích lệ. Nhưng theo nhiều chuyên gia trong ngành, tiến trình tự do hóa hàng không của ASEAN lẽ ra phải diễn ra nhanh hơn. Ông Andrew Herdman, Tổng giám đốc Hiệp hội Hàng không châu Á-Thái Bình Dương, cho biết cần phải lưu ý cơ cấu vận hành của ASEAN là các thỏa thuận của khối không vượt quá chủ quyền quốc gia của các nước thành viên. Do đó, bất cứ thỏa thuận nào trong ASEAN cũng phải có sự chuẩn thuận của từng quốc gia thành viên. Như vậy, viễn cảnh bầu trời mở ASEAN sẽ không thể xuất hiện một sớm một chiều.
Ngay cả Liên minh châu Âu (EU) cũng phải mất 2 thập niên để phát triển bầu trời hàng không chung duy nhất, và đến nay vẫn còn nhiều việc phải làm. Với ASEAN, trở ngại trước mắt cần vượt qua là cho phép hãng hàng không từ nước A khai thác chuyến bay nội địa ở nước B, cũng như bay đến một điểm trong nước B và từ đó bay sang điểm khác ngoài ASEAN, trong thuật ngữ hàng không gọi là thương quyền thứ 7. Khái niệm một bầu trời hàng không chung cũng đồng nghĩa với một hệ thống quản lý hàng không tích hợp cho phép ASEAN xử lý tốt hơn số lượng chuyến bay tăng và tránh nguy cơ ùn tắc hàng không.
Tự do hóa thị trường hàng không ASEAN sẽ giúp người dân tiếp cận với giá vé rẻ. |
Trong lúc ASEAN chưa có một bầu trời chung, hãng hàng không các nước thành viên sẽ chịu thiệt so với các đối thủ cạnh tranh ở các nước lớn như Trung Quốc và Ấn Độ. Theo giáo sư về luật hàng không Alan Tan của Đại học Quốc gia Singapore, năm 2010 Trung Quốc đã ký hiệp định hàng không với ASEAN trong đó các hãng hàng không Trung Quốc có quyền nối kết bất cứ điểm xuất phát nào trên lãnh thổ Trung Quốc với bất cứ điểm đến nào trên lãnh thổ của nước ASEAN tham gia ký kết.
Tuy nhiên, hãng hàng không của quốc gia ASEAN chỉ có thể nối với các điểm tại Trung Quốc, nhưng phải xuất phát từ lãnh thổ của nước mình. Thí dụ như máy bay Vietnam Airlines hạ cánh ở bất cứ sân bay nào tại Trung Quốc, nhưng phải xuất phát từ Việt Nam. Theo giáo sư Tan, vấn đề là các nước ASEAN không nhường nhau thương quyền thứ 7 để cho phép các hãng hàng không nước khác khai thác các chuyến bay sang Trung Quốc.
Mục tiêu đến cuối năm là cho phép máy bay các hãng hàng không các nước thành viên ASEAN bay tự do trong khu vực, nhưng chưa tính đến “thương quyền thứ 7”. Nhưng để hướng đến viễn cảnh xa hơn vẫn còn nhiều thách thức. Bởi lẽ sự khác biệt về quy mô và nội lực các hãng hàng không trong khu vực đã khiến chính phủ nhiều nước ngần ngại trong việc tự do hóa bầu trời riêng của mình.
Tuy nhiên, những lợi ích kéo theo sau việc mở cửa thị trường hàng không như thúc đẩy du lịch, kích thích tăng trưởng kinh tế khiến các quốc gia xem xét lại động thái dè dặt vốn có. Và người hưởng lợi cuối cùng trong tiến trình tự do hóa thị trường hàng không bao giờ cũng sẽ là hành khách với giá vé ngày càng rẻ.
Singapore, ngày 13-10-2014