Nhiều khách hàng bức xúc vì dự án Tricon Towers ngừng thi công.Thị trường BĐS trầm lắng kéo dài, trong khi các ngân hàng thắt chặt tín dụng nên nhiều dự án BĐS phải ngừng thi công. Đây cũng là lúc người ta đánh giá đúng năng lực tài chính của các chủ đầu tư.
Ngừng thi công
Nhiều khách hàng bức xúc vì dự án Tricon Towers ngừng thi công. |
Theo ghi nhận vào thời điểm này đã có nhiều công trình, nhiều dự án chung cư ngừng thi công hoặc thi công một cách cầm chừng. Trong số này, có những những dự án một thời tung “làm mưa làm gió” trên thị trường.
Điển hình như các dự án: Khu chung cư Usilk City; dự án Tricon Tower (Hoài Đức), dự án SMS Hoàng Gia (Hà Đông), dự án Trung Yên Plaza (UDIC), chung cư G3AB Yên Hòa (Cầu Giấy), chung cư L3,L4,L5 (Ciputra)…
Cụ thể, qua tìm hiểu dự án chung cư Tricon Towers tại Bắc An Khánh (huyện Hoài Đức) do Cty Minh Việt làm chủ đầu tư, một thời được biết đến với quảng cáo về các tòa nhà chung cư cao cấp sang trọng nằm trên Đại lộ Thăng Long (cách Big C 10 Km), hiện nay đã ngừng thi công từ năm ngoái sau khi mới hoàn thành phần móng và hầm.
Chỉ cần lên trang tìm kiếm Google gõ tên dự án là “Tricon Towers” lập tức tự động hiện ra ba từ tiếp là “chậm tiến độ”. Trên một diễn đàn các thành viên còn lập hẳn một đề tài mang tên: “Chủ đầu tư TRICON TOWERS Minh Việt chậm tiến độ, quyền lợi của người mua nhà ra sao? Một số khách hàng than phiền: “Hiện nay mình đã đóng đến 60% giá trị hợp đồng nhưng chủ đầu tư mới chỉ làm đến xây thô tầng 2, trong khi đó, hợp đồng mua bán chỉ rõ thời gian giao nhà là 31-12-2011”.
Theo kinh nghiệm của người trong ngành thì nhanh nhất là 7-10 ngày/tầng xây thô (không tính đến thời tiết bất lợi, trục trặc trong thi công và ... chủ đầu tư chậm thanh toán), điều đó có nghĩa là người mua nhà của dự án này sẽ phải chịu chậm bàn giao ít nhất cũng hơn 1 năm.
Đặc biệt trên công trường từ tháng 3 đến nay, nhà thầu Cottecons đã rút hoàn toàn máy móc và nhân công. Tính thời điểm này, theo quan sát của PV, trên công trường không một bóng người ngoài mấy bảo vệ công trường.
Hay như mới đây, rất nhiều khách hàng mua dự án chung cư cao cấp Usilk city (Văn Khê- Hà Đông) cũng đã tỏ ra rất lo ngại khi 9 tòa nhà thuộc dự án này đều bị chậm tiến độ so với cam kết ban đầu. ).
Điều đáng nói, nhiều khách hàng đã nộp 100% tiền mua nhà để được nhận khuyến mãi một phần diện tích sàn trung tâm thương mại. Thế nhưng 8 tháng đã trôi qua mà phần lớn toà nhà vẫn đang trong tình trạng “đắp chiếu”. Nhiều khách hàng đã đưa ra câu hỏi rằng, số tiền góp vốn mua dự án không biết chủ đầu tư đã sử dụng việc gì?
Vì đói vốn?
Đặc điểm chung các dự án chung cư phải tạm ngừng hoặc thi công cầm chừng kể trên là khi dự án đã tiến hành được một số giai đoạn chẳng hạn như, xong móng, họ đã xây thân. Lý giải về hiện tượng trên, nhiều chuyên gia cho rằng, nguyên nhân chủ yếu là do chủ đầu tư gặp vấn đề về vốn.
“Do không huy động được số vốn tối thiểu hoặc từ khách hàng, hoặc từ nguồn khác để tiếp tục dự án, mà bản thân những doanh nghiệp này gần như hoàn hoàn phụ thuộc vào nguồn vốn này nên họ buộc phải dừng dự án.”- Một vị chuyên gia đánh giá.
Theo phân tích tại thị trường BĐS Hà Nội có hai nhóm chính. Một chủ đầu tư lớn thường là nhóm các chủ đầu tư Nhà nước vốn có xuất phát từ các Tổng công ty xây dựng, sau đó do có nhiều lợi thế về quỹ đất, nhân công, kinh nghiệm xây lắp, thi công hạ tầng, các công trình công cộng cho Nhà nước, lớn mạnh theo thời gian và trở thành các chủ đầu tư BĐS hay còn gọi là nhà phát triển BĐS.
Nhóm thứ hai là các công ty tư nhân, cổ phần có tên tuổi, họ xuất phát từ các doanh nghiệp sản xuất, công nghiệp, dịch vụ hoặc làm xây dựng, thi công thuộc quy mô vừa cho đến lớn, nhưng nhóm này không nhiều.
Các nhóm còn lại với thành phần đông đảo là các doanh nghiệp Nhà nước cũng như tư nhân có thể làm “tay ngang” BĐS khi thấy có điều kiện, như có một quỹ đất nhỏ, một vài dự án khả thi được giao, hoặc liên kết với đối tác. Nhóm này chính là nhóm có khả năng chịu đựng kém nhất khi thị trường trở nên khó khăn.
Ông Nguyễn Đức Cây -Tổng giám đốc CtCP đầu tư phát triển nhà Contrexim cho rằng, thị trường BĐS xuống giá trong thời gian dài đã gây ra nhiều hệ lụy trong đó xuất hiện ngày càng nhiều những vụ tranh chấp, khiếu kiện giữa khách hàng và chủ đầu tư. Đặc biệt các chủ đầu tư dự án BĐS đã huy động vốn nhưng không triển khai hoặc ngừng thi công.
“Vì vậy, thời điểm này nhà đầu tư nên cân nhắc khi tham gia các dự án của các doanh nghiệp BĐS, nhất là các chủ đầu tư chưa có kinh nghiệm, chỉ dựa vào nguồn vốn huy động của khách hàng là chủ yếu” - ông Cây đưa ra lời khuyên.