Với lợi thế giá rẻ, hạ tầng ngày càng kết nối với TPHCM và khả năng sinh lợi cao, thời gian qua tại các địa phương lân cận TPHCM như Long An, Đồng Nai, Bình Dương có nhiều dự án được bung ra thị trường. Tuy nhiên, không phải dự án nào cũng “tiềm năng” như những lời có cánh của nhân viên môi giới và chủ đầu tư.
Mở rộng kết nối
Theo phân tích của giới kinh doanh địa ốc, sự ra đời của nhiều dự án hạ tầng giao thông kết nối giữa TPHCM, Bình Dương, Long An là một trong những nguyên nhân chính khiến các nhà đầu tư quyết định đổ vốn vào các thị trường này. Long An, Đồng Nai, Bình Dương là những địa phương nằm trong Vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam, là “sân sau” của TPHCM trong xu thế giãn dân và chiến lược liên kết vùng trong phát triển kinh tế.
Những địa phương này có chiến lược xây dựng hệ thống giao thông, hạ tầng đồng bộ, tạo ra một diện mạo mới trong quy hoạch. Kết nối Long An có dự án đường cao tốc Sài Gòn - Trung Lương nối TPHCM với Tân An (Long An) và Mỹ Tho (Tiền Giang) thông xe từ tháng 2-2010, đường cao tốc Tân Sơn Nhất - Long An sẽ được đầu tư nối liền sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất và Long An.
Tại Bình Dương, ngoài Quốc lộ 13, còn nhiều tuyến đường trọng điểm khác đang được khẩn trương xây dựng. Đây là tuyến đường xung yếu kết nối vùng, nhằm giúp Bình Dương trở thành cửa ngõ vận chuyển hàng hóa từ khu vực Tây nguyên, các tỉnh miền Đông Nam bộ đến sân bay, cảng biển quốc tế của TPHCM.
Đồng Nai có hệ thống giao thông được nâng cấp, mở rộng và đầu tư mới như đường cao tốc nối TPHCM với Bà Rịa - Vũng Tàu, tuyến đường sắt Biên Hòa - Vũng Tàu, đường cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây đã khởi động, đặc biệt là sân bay quốc tế Long Thành.
Một yếu tố quan trọng khác cũng tạo nên sự hấp dẫn cho nhà đầu tư là mặc dù giáp ranh với TPHCM, nhưng mặt bằng giá BĐS ở các dự án Long An, Bình Dương, Đồng Nai khá thấp. Hơn nữa, phần lớn là dự án mới, được bán với giá gốc, nên tiến độ thanh toán rất linh hoạt, chia thành nhiều giai đoạn. Do đó, những người có thu nhập trung bình thấp vẫn có khả năng tham gia.
Nở rộ dự án
Sôi động nhất là Bình Dương và Đồng Nai. 2 địa phương này đã có hàng trăm dự án đất nền căn hộ đưa ra thị trường trong thời gian qua. Điểm qua một vài dự án được đầu tư bài bản tại Bình Dương, chúng ta có thể kể đến Green River do Becamex IJC làm chủ đầu tư, Ecolake do liên doanh Becamex- Setia (Malaysia) làm chủ đầu tư hay Eco Xuân Lái Thiêu do Công ty Setia Lái Thiêu làm chủ đầu tư…
Với lợi thế quỹ đất nhiều nên hầu hết giá đất tại các dự án ở Bình Dương chỉ trên dưới 2 triệu đồng/m2. Trong khi đó một số biệt thự giao thô trên dưới 4 tỷ đồng/căn, cá biệt có dự án gần 20 tỷ đồng/căn.
Khách hàng tham quan dự án của Kim Oanh tại Đồng Nai. Ảnh: T.GIANG |
Tại thị trường Đồng Nai, từ đầu năm đến nay mặc dù thị trường còn rất nhiều khó khăn nhưng CTCP BĐS Kim Oanh đã “làm mưa làm gió” khi lần lượt đưa ra thị trường 3 dự án: Biên Hòa City 1 và 2, Lavender City và theo báo cáo của công ty, đến nay các dự án trên đã được bán hết.
Thị Trường Long An cũng được các nhà đầu tư hướng đến nhờ lợi thế gần TPHCM, hạ tầng kết nối qua đường cao tốc Trung Lương - TPHCM. Thời gian qua một số dự án được đưa ra như Long Hội City (do Thuduc House và PPI làm chủ đầu tư), dự án khu dân cư Bến Lức do Công ty TNHH Tân Thuận làm chủ đầu tư… Hầu hết dự án này hạ tầng đã được hoàn chỉnh, khách hàng đã nhận nền và tiến hành xây nhà.
Rủi ro tiềm ẩn
Tuy nhiên, không phải cứ đầu tư vào khu vực này là “ăn ngay” được. Thực tế nhiều dự án đã triển khai hàng chục năm nhưng đến nay vẫn là những bãi đất trống hoang hóa mà chưa có bất kỳ những tiện ích nào. Đặc biệt khu vực Nhơn Trạch (Đồng Nai) với hàng chục dự án đã được giao đất, chủ đầu tư phân lô và cứ thế bán qua bán lại, thậm chí có dự án bán hoài không được chủ đầu tư phải “làm mới” bằng cách đổi tên dự án thành… tiếng Tây cho “sang”, như dự án Sun Flower.
Đến nay, nhiều dự án khu vực này chỉ là bãi đất trống dù đã triển khai hàng chục năm nay. Nhiều khách hàng mua đất khu vực này bị “sa lầy” không rút ra được.
Mặc dù Nhơn Trạch chỉ cách TPHCM có con sông, nằm gần sân bay Long Thành, nhưng giá đất khu vực này bao năm nay vẫn lẹt đẹt 1-2 triệu đồng/m2 và không tăng giá vì nhu cầu thực không có. Giới chuyên môn khuyến cáo, đối với dự án các tỉnh lân cận TPHCM, nhà đầu tư cần phải xem kỹ pháp lý của từng dự án, đặc biệt là khả năng tài chính của chủ đầu tư cũng như tình hình triển khai dự án trên thực tế.
Điều quan trọng nhất là khả năng thanh khoản, tức nhu cầu thực của người mua đối với dự án như thế nào. Đây là yếu tố quan trọng nhất để nhà đầu tư quyết định đầu tư.