Bê bối công nghiệp dược phẩm (K1): Những tín hiệu báo động

Ngành công nghiệp dược phẩm ở mọi quốc gia từ lâu đã được xem là một vùng nhạy cảm với nguy cơ cao phát sinh nhiều tệ nạn, bất chấp tính mạng con người.

Ngành công nghiệp dược phẩm ở mọi quốc gia từ lâu đã được xem là một vùng nhạy cảm với nguy cơ cao phát sinh nhiều tệ nạn, bất chấp tính mạng con người.

Do tính đặc thù của sản phẩm, bắt buộc có sự hiện diện của rất nhiều nhân sự như đội ngũ nghiên cứu, bào chế, nhà phân phối, trình dược viên. Số nhân viên này lại có quan hệ phức tạp với những cá nhân, tổ chức ở các tầng khác nhau của mạng lưới tiêu thụ.

Hối lộ có tổ chức

Gần đây, sự kiện Công ty Dược phẩm Glaxo-Smith-Kline (GSK) bị chính quyền Trung Quốc tố cáo về những hành vi hối lộ có tổ chức đã thu hút sự chú ý của truyền thông thế giới. Scandal tại Trung Quốc không phải là vụ bê bối đầu tiên của Công ty GSK, lại càng không phải là trường hợp cá biệt trên thị trường dược quốc tế.

Vì sao bác sĩ Trung Quốc
dễ bị mua chuộc?

Nhiều người đổ lỗi cho hệ thống nơi hầu như tất cả các bệnh viện đều là quốc doanh nhưng lại nhận được quá ít ỏi tiền rót xuống từ Bắc Kinh. Hầu hết 2,3 triệu bác sĩ ở Trung Quốc là CB-CNV của các bệnh viện và bị cấm kiếm thêm thu nhập bằng nghề bên ngoài. Theo hệ thống hiện tại, giá quy định của nhà nước cho một lần khám bác sĩ chuyên khoa hoặc chuyên gia chỉ có 8NDT (1,25USD) - thấp hơn giá của một chiếc bánh hamburger và quá ít để trang trải chi phí của bệnh viện. Lương thấp và ngân sách thiếu hụt khiến các bác sĩ, y tá và quản trị viên phải kiếm sống bằng cách chấp nhận tiền “bồi dưỡng” từ bệnh nhân, nhà cung cấp thuốc và những người khác. Ước tính các bác sĩ và nhân viên khác của bệnh viện nhận tiền từ bên ngoài tương đương từ 30% đến 10 lần lương chính thức của họ.

Vào năm 2012 tại Hoa Kỳ, Công ty GSK cũng đã bị án phạt 3 tỷ USD vì hành vi quảng cáo và lưu hành thuốc trái phép, thí dụ nhãn hiệu Paxil là một loại thuốc chống trầm cảm không được cho phép sử dụng ở trẻ em, hoặc quảng cáo công dụng giảm béo và chữa rối loạn tình dục của thuốc Wellbutrin vốn là thuốc chống trầm cảm.

GSK cũng che giấu các cơ quan chức năng trong 7 năm về những tác dụng phụ của Avandia, một loại thuốc trị tiểu đường. Sau đó thuốc này đã bị cấm ở Hoa Kỳ và châu Âu vì có nguy cơ gây bệnh tim mạch.

Cũng khó có thể nói rằng Công ty GSK đã mạo hiểm vượt quá giới hạn so với các đối thủ của mình, vì bình quân mỗi năm chính quyền Trung Quốc điều tra hơn 1.000 vụ án hối lộ liên quan đến phân phối thuốc và thiết bị y tế.

Tại Trung Quốc, Tân Hoa Xã cho biết hầu hết bác sĩ nhận tiền của các công ty dược. Thí dụ tại thành phố Zhang Zhou, tỉnh Phúc Kiến, 1.000 bác sĩ tại 37 cơ sở y tế có nhận tiền hối lộ. Theo đài CCTV, tỷ lệ bác sĩ nhận tiền hối lộ lên tới 9/10. Trong cuộc điều tra 6 tháng qua, chính phủ Trung Quốc đã phong tỏa số tiền 3,34 triệu USD do hối lộ.

Qua đó có thể suy đoán bê bối lần này chỉ là một đòn cảnh cáo của chính phủ Trung Quốc với mong muốn thiết lập lại trật tự, theo kiểu giết gà để dọa khỉ, vì GSK là công ty có thị phần nhỏ nhất trong danh sách những tập đoàn dược phẩm quốc tế tại Trung Quốc.

Lòng vả cũng như lòng sung

Tại Hoa Kỳ và các nước châu Âu vốn là đại bản doanh và thị trường tiêu thụ chính của các tập đoàn dược phẩm lớn, việc lưu hành thuốc bắt buộc phải qua toa của bác sĩ. Vì vậy có 2 yếu tố chính dẫn tới thành công về doanh thu của một sản phẩm thuốc: thứ nhất, nó phải nằm trong danh sách các loại thuốc được bảo hiểm xã hội chi trả, sau đó là sự ưu ái của các bác sĩ kê toa. Nhà thuốc sẽ làm công việc còn lại. Trung bình người ta có thể bỏ ra hàng tỷ USD chỉ dành cho công tác tiếp thị một sản phẩm thuốc, trong đó bác sĩ điều trị là đối tượng chính.

GSK - tâm điểm bê bối hối lộ tại Trung Quốc.

GSK - tâm điểm bê bối hối lộ tại Trung Quốc.

Trong giai đoạn hiện nay, khi thuốc biệt dược ngày càng bị mất thế độc quyền do sự ra đời của thuốc tương dược, các công ty không thể không dùng mọi thủ đoạn để giành những toa thuốc về phía mình. Khi hành vi hối lộ của công nghiệp dược ở Hoa Kỳ và châu Âu bị kiểm soát chặt chẽ hơn, bóng ma này lại len lỏi sang những nước khác, vốn có hệ thống luật pháp và bộ máy nhà nước chưa hoàn thiện.

Tại nhiều nước, đối tượng hối lộ không chỉ là bác sĩ mà còn là những viên chức trong cơ quan quản lý y tế, và những người làm nghiên cứu lâm sàng… gây ra tác hại lớn hơn cho sức khỏe người bệnh.

Năm 2010 tại Belgrade- Serbia, Giám đốc viện Ung thư quốc gia là Nenad Borojević và các đồng phạm cũng đã bị bắt giữ vì nhận hối lộ của các hãng dược phẩm Roche, Astra-Zeneca…để can thiệp vào việc cung cấp thuốc chữa trị ung thư. Số tiền hối lộ trong vụ án này lên tới 150.000EUR.

Ngay từ năm 2010, Hoa Kỳ đã đưa vấn đề hối lộ của những tập đoàn dược phẩm tại các thị trường nước ngoài vào tầm ngắm. GSK cũng như Pfizer, Bristol-Myers Squibb, Merck, Eli Lilly… đã nhận cảnh báo từ Bộ Tư pháp Hoa Kỳ và bị điều tra về những hành vi này. Họ đều biết trước nhưng vẫn xảy ra  vụ GSK bị “đánh” tại Trung Quốc.

(Còn tiếp)

Các tin khác