Từ bệ phóng 2-9-1945, chúng ta đã làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và làm hậu phương cho miền Nam chống Mỹ. Cũng từ bệ phóng này, chúng ta tiếp tục có chiến thắng 30-4-1975 lịch sử thống nhất non sông.
Từ bệ phóng 2-9-1945, chúng ta đã có hành trình 77 năm đáng tự hào. Chúng ta đã đi qua chiến tranh, đi qua cơ hàn, túng bấn, đi qua lạnh lẽo... để mỗi dòng sông được chở nặng phù sa bất tận. Sông Lô dạt dào, sông Hồng nồng ấm, sông Mã náo nức, sông Lam bịn rịn, sông Hương êm đềm, sông Tiền hối hả, sông Hậu bâng khuâng...
Mỗi con nước chảy xuôi đều réo gọi mùa màng, réo gọi no đủ, thịnh vượng, sum vầy, yêu thương. Những dòng sông nhẫn nại từng ngày đưa người Việt ra biển lớn, đương đầu với thách thức mới bằng tất cả sự tự tin của những cánh buồm lồng lộng khát vọng khơi xa. Người Việt hôm nay đang chứng minh một bản lĩnh khác: Bản lĩnh của những bàn tay cặm cụi và lương thiện, những bộ óc cẩn trọng và sáng tạo và những trái tim chắt chiu, san sẻ.
Cuộc cách mạng giải phóng dân tộc đã mang lại nhiều thay đổi cho đất nước. Điều gì đã làm nên giá trị Việt Nam?
GS. Trần Văn Giàu (1911-2010) nhận định: “Truyền thống có cái tốt, cái xấu nhưng khi chúng ta nói đến giá trị truyền thống ở đây chỉ có cái tốt, vì chỉ có cái tốt mới được gọi là giá trị. Thậm chí, không phải mỗi cái gì tốt đều được gọi là giá trị mà phải là những cái tốt phổ biến, cơ bản, tác dụng tích cực cho đạo đức, luân lý, có cả tác dụng hướng dẫn sự nhận định và hướng dẫn sự hành động mới được mang danh nghĩa là giá trị truyền thống...
Giá trị truyền thống là sức mạnh không thể xem thường. Huy động các giá trị để làm cách mạng và kháng chiến hiện đại là huy động sức mạnh của hàng mấy mươi thế kỷ, là mấy mươi thế kỷ ông cha cổ vũ và trợ chiến cho con cháu hoàn thành sự nghiệp dân tộc. Những giá trị văn hóa truyền thống bền vững của dân tộc Việt Nam là lòng yêu nước nồng nàn, ý thức cộng đồng sâu sắc, đạo lý thương người như thể thương thân, đức tính cần cù, vượt khó, sáng tạo trong lao động… Đó là nền tảng và sức mạnh to lớn để nhân dân ta xây dựng một xã hội phát triển, tiến bộ, công bằng, nhân ái”.
Thời đại Hồ Chí Minh đã mở ra chương mới cho nòi giống Tiên Rồng. Người Việt lần lượt vượt qua đạn bom và gian khổ, chiến thắng giặc đói và giặc dốt. Người Việt can đảm tranh đấu cho tự do. Người Việt ngoan cường tranh đấu cho hòa bình. Người Việt kiên định tranh đấu cho hạnh phúc.
Một dải sơn hà gấm vóc theo chân người Việt vào cuộc hội nhập toàn cầu, làm bạn với thế giới và góp sức với nhân loại. Vươn lên cùng thời gian, người Việt cũng gặp không ít nghẹn ngào và cay đắng. Thế nhưng, sự chịu đựng và sự bền bỉ của người Việt vẫn khắc phục mọi trở ngại, mọi vất vả. Sức mạnh tiềm tàng và sôi sục trong mỗi người Việt, luôn là câu chuyện đầy bí ẩn với những nhà nghiên cứu quốc tế.
Thế nhưng, mỗi người Việt đều biết rõ, chúng ta có thể chân cứng đá mềm đi về phía trước, vì chúng ta có cội nguồn thiêng liêng để nương tựa, để thúc giục. Người Việt bước cạnh nhau, sánh vai nhau, dìu dắt nhau bằng sợi dây ràng buộc kỳ diệu của phúc lộc tổ tiên. Bụi tre thần thoại Thánh Gióng từng dùng đánh đuổi ngoại xâm, tiếp tục nảy nở màu xanh khắp dải đất hình chữ S bên bờ Thái Bình Dương.
Cây tre bám rễ sâu, cây tre vươn cành thẳng, cây tre đón nắng hè, cây tre hứng mưa đông... một cách ung dung và gần gũi. Cây tre cho bóng mát, che xóm làng, giữ biên ải. Và cây tre trở thành bản sắc ngoại giao của người Việt, mềm mại, uyển chuyển mà vẫn bất khuất, hiên ngang.
Người Việt thế kỷ 21 không còn rụt rè và co cụm. Những rẫy cà phê bạt ngàn ở núi đồi Tây nguyên, những vựa thủy sản nhộn nhịp ở duyên hải miền Trung, những vườn trái cây xum xuê ở đồng bằng sông Cửu Long... đã và đang đưa những đặc sản của người Việt lan tỏa khắp năm châu.
Người Việt không chỉ gieo hạt thóc xuống cánh đồng, còn gieo nhân ái vào lòng mình, để gặt hái ngày mai tốt đẹp hơn. Với xu thế hội nhập toàn cầu, người Việt mang hình bóng quê hương trên mỗi hành trình học tập và lao động.
Tiếng Việt theo người Việt đến châu Âu, đến châu Mỹ, đến châu Phi... để mỗi âm thanh trong lành lại réo rắt từng giai điệu của bến đò cũ, của mái đình xưa, của ngôi nhà thơ ấu. Người Việt dẫu tha phương vẫn là bộ phận không thể tách rời của người Việt. Không sao xóa nhòa được những hình bóng quê hương, người Việt ở Canada nhìn cây phong đỏ lại nhớ cây cọ xanh Phú Thọ, người Việt ở Nga nhìn hàng bạch dương lại nhớ rặng dừa yên ả Bến Tre...
Người Việt ra đi để tích lũy vốn liếng và tri thức mà quay lại phụng sự đất nước, với rất nhiều dự án, rất nhiều công trình đang được triển khai từ Bắc chí Nam.
Đón Tết Độc lập lần thứ 77, vị trí Việt Nam trên bản đồ thế giới vẫn còn khá khiêm tốn. Người Việt hiểu điều ấy và với bệ phóng 2-9-1945 người Việt đang nỗ lực để sung túc và giàu mạnh. Người Việt dự phần với năm châu bằng thái độ cởi mở và chân thành.
Người Việt cầu thị và cầu tiến, dự phần với nhân loại theo phương pháp tích cực nhất. Người Việt tự nguyện hòa nhập nhưng không chấp nhận hòa tan, bởi bản sắc văn hóa của người Việt đã được hun đúc từ ngàn năm với những nét độc đáo không dễ phai mờ.
PGS.TS Bùi Hoài Sơn cho rằng: “Quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế và phát triển văn hóa thực chất là quá trình phát triển văn hóa để tạo sức mạnh nội sinh và môi trường thuận lợi cho phát triển kinh tế, đồng thời, kinh tế phát triển lại là điều kiện cho sự phát triển của văn hóa. Trong bối cảnh phát triển hiện nay, xử lý mối quan hệ giữa truyền thống và hiện đại, giữa bảo tồn truyền thống và phát triển văn hóa mới rất quan trọng để tạo ra sự phát triển xã hội hài hòa.
Việc xác định lợi ích của các bên liên quan, đánh giá tác động đến văn hóa trong các dự án kinh tế - xã hội cần được xem xét như một khâu bắt buộc trong mọi kế hoạch phát triển đất nước”.