Hội nghị nhằm giới thiệu tiềm năng, lợi thế, chính sách và cơ hội hợp tác đầu tư; cung cấp thông tin về quy hoạch các khu, cụm công nghiệp và danh mục các dự án trọng điểm cần mời gọi đầu tư vào địa bàn tỉnh Bến Tre.
Đến tham dự và chỉ đạo Hội nghị, có Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong, lãnh đạo một số bộ, ngành, địa phương; đại diện các cơ quan ngoại giao và tổ chức quốc tế, cùng gần 500 doanh nghiệp (DN), nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Đến tham dự và chỉ đạo Hội nghị, có Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong, lãnh đạo một số bộ, ngành, địa phương; đại diện các cơ quan ngoại giao và tổ chức quốc tế, cùng gần 500 doanh nghiệp (DN), nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Bến Tre hiện có 2 KCN là Giao Long và An Hiệp (với diện tích 240ha), tỷ lệ lấp đầy đạt 100%. Toàn tỉnh có 54 dự án FDI còn hiệu lực, với tổng vốn đăng ký hơn 823 triệu USD; 137 dự án đầu tư trong nước còn hiệu lực, với tổng vốn đăng ký gần 13.700 tỷ đồng.
Tính riêng trong 6 tháng đầu năm 2017, tỉnh Bến Tre cấp mới 2 giấy chứng nhận đầu tư và phê duyệt chủ trương đầu tư 27 dự án trong nước, với tổng vốn đăng ký hơn 10.400 tỷ đồng. Tỉnh cũng phê duyệt chủ trương và cấp mới 4 giấy chứng nhận đầu tư dự án FDI, với số vốn đăng ký hơn 192 triệu USD.
Cho biết về chủ trương thu hút đầu tư của địa phương, ông Cao Văn Trọng, Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre, khẳng định thời gian tới, tỉnh sẽ cải thiện mạnh mẽ hơn nữa môi trường đầu tư kinh doanh, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính. Chính quyền các cấp trong tỉnh sẽ đồng hành, tháo gỡ vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho mọi hoạt động sản xuất kinh doanh; kiến tạo môi trường đầu tư thông thoáng. Từ đây, các nhà đầu tư sẽ nhận ra Bến Tre thực sự là điểm đến tin cậy, an toàn, thuận lợi, có nhiều cơ hội để phát triển.
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc biểu dương Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Bến Tre đã có những kết quả nhất định trong phát triển kinh tế - xã hội trong 6 tháng đầu năm 2017, đóng góp vào sự phát triển chung của đất nước. Đặc biệt, trong 6 tháng qua, Bến Tre có mức tăng trưởng GDP đạt hơn 6%, là rất đáng ghi nhận.
“Bến Tre là vùng đất trù phú, có sông nước bao quanh, thuận lợi về giao thông thủy - bộ, về địa lý gần TPHCM - đầu tàu kinh tế của cả nước. Đây lại là vùng đất địa linh nhân kiệt. Bến Tre đang hội đủ yếu tố “thiên thời, địa lợi, nhân hòa”. Trong kháng chiến, Bến Tre nổi tiếng với phong trào Đồng khởi, nay trong công cuộc phát triển đất nước, hội nhập quốc tế, Bến Tre phải đi đầu trong Đồng khởi khởi nghiệp và phát triển DN” - Thủ tướng yêu cầu.
Trong việc thu hút các nhà đầu tư, tỉnh Bến Tre phải tạo quỹ đất sạch cho các DN trong và ngoài nước hoạt động, sản xuất. Với sự hỗ trợ của Trung ương, Bến Tre phải tiếp tục đầu tư cơ sở hạ tầng cho tốt hơn; chính quyền các cấp trong tỉnh phải cầu thị, đồng hành cùng DN, đặc biệt phải đẩy mạnh cải cách hành chính mạnh hơn nữa. Trong phát triển đô thị, với đặc thù là vùng sông nước, tỉnh cần chú trọng phát triển mô hình đô thị - ven sông, ven biển, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Là thủ phủ dừa của Việt Nam, Bến Tre phải tạo được nhiều giá trị gia tăng từ cây dừa, làm sao người trồng dừa trong tỉnh có cuộc sống đầy đủ từ loại cây mang tính đặc sản này. Bên cạnh đó, tỉnh cần phát triển mạnh nghề nuôi trồng thủy, hải sản trong dân, trong đó chú trọng đến việc nuôi tôm. Hiện nay, mỗi năm nước ta xuất khẩu tôm đạt 3 – 4 tỷ USD, Bộ NN-PTNT đang hướng đến chỉ tiêu xuất khẩu tôm đạt 10 tỷ USD mỗi năm. Đóng góp vào con số này, tỉnh Bến Tre cũng nên hướng nông dân vào công việc nuôi tôm xuất khẩu, mang lại giá trị kinh tế cao.
Thủ tướng Chính phủ và lãnh đạo các bộ, ngành chứng kiến lễ trao giấy phép đầu tư cho các DN trong và ngoài nước.
Tại Hội nghị, UBND tỉnh Bến Tre đã trao quyết định chủ trương đầu tư cho 23 dự án đầu tư liên quan đến chế biến thực phẩm; xây dựng nhà máy nước; đầu tư, kinh doanh hạ tầng khu, cụm công nghiệp; chế biến dừa; xây dựng khu đô thị; sản xuất phân bón; may mặc… với tổng vốn đầu tư trên 3.641 tỷ đồng và 37 triệu USD.
Ngoài ra, UBND tỉnh Bến Tre cũng ký bản ghi nhớ thỏa thuận hợp tác với 4 nhà đầu tư để triển khai thực hiện một số dự án trên địa bàn tỉnh với tổng vốn gần 10.000 tỷ đồng. Cụ thể, CTCP ô tô Trường Hải cam kết đầu tư 6.000 tỷ đồng để hợp tác chiến lược với tỉnh Bến Tre. CTCP đầu tư xây dựng phát triển ATM cam kết đầu tư khoảng 2.000 tỷ đồng vào dự án phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội kết hợp với bảo tồn hệ sinh thái rừng khu vực cồn Bửng (huyện Thạnh Phú). Tập đoàn Masan cam kết đầu tư 1.500 tỷ đồng vào dự án nhà máy chế biến thức ăn và trang trại chăn nuôi kỹ thuật cao. Và CTCP đầu tư xây dựng Tây Bắc có ý định đầu tư 470 tỷ đồng vào dự án chỉnh trang đô thị Bến Tre và chợ Bà Mụ mới.
Tại Hội nghị xúc tiến đầu tư này, UBND tỉnh Bến Tre đã trao quyết định chủ trương đầu tư cho 7 dự án điện gió. Cụ thể, CTCP năng lượng tái tạo Bến Tre (Ecotech) đầu tư dự án nhà máy điện gió số 7 Ba Tri với công suất 110 MW và tổng vốn đầu tư 6.543 tỷ đồng; Tổng công ty phát điện số 1 đầu tư dự án điện gió Thạnh Hải, có công suất 230 MW và tổng vốn đầu tư 3.421 tỷ đồng; CTCP điện gió Mekong, CTCP năng lượng VPL và CTCP năng lượng Thiện Phú lần lượt đầu tư vào 3 dự án điện gió là Bình Đại, P.V.L Bến Tre và Thiện Phú, có tổng công suất 115 MW và tổng vốn đầu tư 3.509 tỷ đồng. Công ty TNHH đầu tư năng lượng xanh miền Tây thực hiện dự án điện gió năng lượng xanh Bến Tre với công suất 70MW, tổng vốn đầu tư 2.898 tỷ đồng. Ngoài ra, liên doanh CTCP năng lượng dầu khí Á Châu (ASIAPETRO) và Công ty Doarm Engineering (Hàn Quốc) đầu tư dự án nhà máy điện gió Bình Đại. Dự án này có công suất 80,5MW, tổng vốn đầu tư 180 triệu USD.