Hiện nay, Bến xe Miền Đông mới đang phục vụ các tuyến từ Quảng Trị trở ra các tỉnh phía Bắc với cự ly hơn 1.000km, đang phải cạnh tranh với loại hình máy bay.
Theo Sở GTVT TPHCM, hạ tầng kết nối vẫn là vấn đề then chốt để phục vụ hành khách vào bến xe. Xung quanh Bến xe Miền Đông mới sẽ có các dự án đang triển khai và sớm hoàn thành trong 1-2 năm tới. Cụ thể, Metro số 1 dự kiến sẽ hoàn thành cuối năm 2023, mở rộng Xa lộ Hà Nội, xây dựng cầu vượt Bến xe Miền Đông, đường Hoàng Hữu Nam và đường A8 đang được các chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ để sớm hoàn thiện nhưng vẫn còn vướng giải phóng mặt bằng.
Hiện có 4 tuyến xe buýt đi ngang Bến xe Miền Đông mới như 150, 601, 602, 604. Trước tiên, Sở đã chỉ đạo đưa tuyến 150, 601, 602, 604 vào tới sảnh đón khách để thuận lợi hơn và tùy theo nhu cầu có thể mở thêm các tuyến mới. Tương lai, có doanh nghiệp đưa 2 tuyến xe buýt điện kết nối vào Bến xe Miền Đông mới, đang hoàn thành thủ tục xây dựng trạm sạc tại bến. Để tăng chất lượng dịch vụ đi xe buýt, hành khách đến Bến xe Miền Đông mới được phép mang hàng hóa, hành lý dưới 10kg, để tránh việc thu thêm phí. Bên cạnh đó, Sở cũng chỉ đạo Trung tâm Quản lý giao thông công cộng TPHCM đưa thêm xe buýt có lộ trình từ bến xe cũ đến bến xe mới. Bến xe mới phải tổ chức phục vụ khách tốt hơn khi đến bến.
Ngoài ra, Sở sẽ tăng cường tuần tra xử lý “bến cóc xe dù” đoạn từ bến xe cũ đến ngã tư Bình Phước và Bến xe Miền Đông mới. Đồng thời kết hợp xử lý thêm bằng camera phạt nguội.
Cũng theo sở này, hiện nay, chủ đầu tư là Tổng công ty Cơ khí giao thông vận tải Sài Gòn - TNHH MTV (Samco) cũng có nhiều khó khăn do chưa hoàn thành pháp lý liên quan đất đai để có thể ký hợp đồng thuê đất. Bên cạnh đó, Samco chưa có cơ chế cho thuê dịch vụ, việc này chỉ thực hiện được khi có mặt bằng, thủ tục pháp lý hoàn chỉnh. Ngoài ra, sang tuần sau, Samco sẽ báo cụ thể hơn, kèm với tiến độ.