Lối sống hiện đại làm gia tăng bệnh
Bệnh tiểu đường được hiểu đơn giản là: Sau khi ăn, hầu hết thức ăn đều chuyển thành glucose (một loại đường) là nguồn năng lượng chính của cơ thể. Khi đường vào máu, lượng đường trong máu tăng lên, và khi nhận được tín hiệu về sự gia tăng này tụy sẽ đưa chất nội tiết (hóc môn) insulin vào máu.
Insulin đưa glucose vào các tế bào và được sử dụng ngay để tạo ra năng lượng hoặc được dự trữ để sử dụng sau. Khi bị tiểu đường, thực phẩm ăn vào không thể chuyển hóa thành năng lượng, vì cơ thể người bệnh không tiết ra đủ insulin hoặc insulin do không hoạt động đúng chức năng. Do đó, đường bị giữ lại trong máu làm lượng đường trong máu tăng cao một cách bất thường. Tiểu đường có thể chữa trị và phải được chữa trị kịp thời.
BS. Nguyễn Hữu Mân,, Khoa Nội tiết, Bệnh viện FV
Tiểu đường được chia làm 2 loại, tiểu đường tuýp 2 (chiếm tới 95% các ca bệnh tiểu đường) và tiểu đường tuýp 1 (chủ yếu xảy ra ở trẻ em dưới 10 tuổi và chiếm một tỷ lệ rất thấp). Trước đây, khi nói đến bệnh tiểu đường mọi người thường nghĩ đến bệnh nhân trên 40 tuổi, sau đó trẻ dần khoảng 30 tuổi, nhưng ngày nay có nhiều người bệnh mắc tiểu đường tuýp 2 khi mới 15 tuổi.
Bệnh tiểu đường có nhiều nguyên nhân, nhưng 2 nguy cơ hàng đầu là di truyền và lối sống quá thoải mái, hiện đại, đặc biệt ở các TP lớn như TPHCM, Hà Nội hiện nay. Thói quen sử dụng đồ ăn nhanh, các thức uống nhiều đường như trà sữa, nước ngọt… nhưng lại ít vận động khiến cơ thể bị dư thừa năng lượng, gây bùng phát tiểu đường.
Một nghiên cứu gần đây ở Anh cho thấy với những người trẻ béo phì mắc tiểu đường, nếu ở giai đoạn sớm điều trị tích cực, kết hợp chế độ dinh dưỡng đúng, tập luyện thể dục thể thao để giảm cân nặng hoàn toàn có thể đẩy lùi bệnh. Hiện nay đa phần bệnh nhân mắc tiểu đường tuýp 2 phải chấp nhận “sống chung với lũ”. Tuy nhiên, nếu hiểu về bệnh, quản lý bệnh tốt sẽ hạn chế các biến chứng xảy ra.
Kết hợp thuốc, dinh dưỡng, luyện tập
Kết hợp thuốc, dinh dưỡng, luyện tập
Biến chứng nguy hiểm nhất của tiểu đường là bệnh tim mạch. Có 50-70% bệnh nhân tiểu đường có biến chứng tim mạch tử vong. Ngoài ra, tiểu đường còn dẫn đến các biến chứng khác như bệnh thận và bệnh về mắt. Khi đường lên cao, mắt có thể bị mờ, nếu để lâu không khám mắt và có phương pháp điều trị thích hợp dẫn đến mù mắt. Chính vì thế, các bác sĩ thường khuyên bệnh nhân bị tiểu đường nên đi khám mắt mỗi năm 1 lần, dù không có dấu hiệu bất thường nào.
Tuy tiểu đường gây ra nhiều biến chứng, nhưng ngày nay y học hiện đại đã giúp người bệnh có cuộc sống bình thường, kéo dài tuổi thọ. Những loại thuốc hiện nay giúp bệnh nhân điều trị rất hiệu quả, giúp kiểm soát đường huyết tốt và phòng ngừa biến chứng tim mạch, thận mà trước đây chưa làm được.
Cùng với việc dùng thuốc đúng chỉ định của bác sĩ theo từng giai đoạn bệnh, việc đảm bảo dinh dưỡng và tập luyện thể dục thể thao cũng hết sức quan trọng. Dinh dưỡng cho bệnh nhân tiểu đường trên thực tế rất phức tạp và rộng, tùy thuộc vào nhu cầu và thể trạng của mỗi người.
Do đó, không có thực đơn riêng cho người tiểu đường, mà chỉ có một số nguyên tắc cần chú ý: hạn chế nạp đường đơn (trong các loại bánh, kẹo, chè, kem); hạn chế ăn những trái cây có nhiều đường (như sầu riêng, mít, nhãn); hạn chế nước trái cây vì làm tăng đường rất nhanh. Về tinh bột cũng cần hạn chế. Nên ăn nhiều rau xanh để bổ sung chất xơ, vì chất xơ làm cho đường hấp thu chậm hơn. Hiện nay một số người đang nhắc đến việc ăn xen kẽ gạo lứt, điều này rất tốt vì gạo lứt chứa nhiều chất xơ tốt cho người bị tiểu đường.
Về luyện tập thể thao, có nhiều môn tốt cho người tiểu đường như đạp xe, bơi lội, đi bộ… Trong đó, phương pháp đơn giản nhất, ai cũng có thể thực hiện chính là đi bộ mỗi ngày 30 phút, một tuần 150 phút. Ngoài ra nếu có điều kiện và sở thích, người bệnh có thể chọn chơi các môn thể thao mang tính đối kháng như tennis.
Có một điều cần lưu ý, hiện nay không ít người bệnh đang điều trị bằng thuốc theo chỉ định của bác sĩ lại đột ngột ngưng thuốc chuyển qua sử dụng thực phẩm chức năng hoặc một số loại thuốc nam. Điều này có thể gây ra những hậu quả đáng tiếc cho bệnh nhân vì tiểu đường có thể gây ra biến chứng toàn thân. Vì thế khi có bệnh, bệnh nhân cần tìm hiểu rõ thông tin bệnh của mình, tuân thủ những liệu trình điều trị của bác sĩ.
Phòng bệnh tiểu đường
Phòng bệnh tiểu đường
Tiểu đường tuýp 2 đang ngày càng gia tăng nhanh chóng, được ví như một “bệnh dịch” dù không lây lan. Tuy nhiên nếu nắm được nguyên tắc về dinh dưỡng (cân bằng giữa các loại thức ăn), luyện tập thể dục thể thao đúng và đi kiểm tra sức khỏe định kỳ mỗi năm 1 lần (nhất là với những người béo phì), khi đó khả năng phòng bệnh cao.
Tiểu đường trong giai đoạn đầu không có triệu chứng rõ nét nên chỉ có thể phát hiện khi xét nghiệm máu. Đừng hoang mang khi phát hiện bị tiểu đường, cần phát hiện càng sớm khả năng chữa khỏi càng cao. Nhiều người bệnh thường bỏ qua việc kiểm tra sức khỏe định kỳ, đợi đến khi có những triệu chứng như đi tiểu nhiều, sụt cân nghiêm trọng mới đến khám, khi đó bệnh đã vào giai đoạn nặng và có thể chuyển sang những biến chứng đáng tiếc khác.