Hết cảnh ngột ngạt
Sáng sớm, bên trong sảnh Khoa Khám bệnh, Bệnh viện Ung bướu TPHCM cơ sở 2 mát lạnh, tấp nập người dân tới khám chữa bệnh. Sau khi đọc qua một lượt các đầu mục bảng kê chi phí khám bệnh, chị Ng.T.N. (SN 1972), ngụ xã Xà Bang, huyện Châu Đức, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, kể: “Tôi được bệnh viện địa phương chẩn đoán bị u ác của vú, lo đến mất ăn mất ngủ. 2 giờ sáng đã bắt xe lên thành phố, tới bệnh viện trời còn tối mù, bước vô cổng đã được bảo vệ hướng dẫn cặn kẽ tìm vào Khoa Khám bệnh. Dù rất mệt, nhưng tại khoa đã có bác sĩ, y tá đón tiếp, không còn cảnh vật vờ chờ đợi như bên cơ sở 1 (quận Bình Thạnh)”, chị N. phấn khởi nói.
Bệnh nhân B.T.B. (SN 1974, ở huyện Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh) thường xuyên tới Bệnh viện Ung bướu TPHCM tái khám. “Mỗi lần tái khám ở cơ sở 1, tôi rất mệt mỏi vì cơ sở vật chất nhỏ hẹp, xuống cấp, người bệnh ngồi kín như nêm, ngột ngạt đến thở cũng mệt. Biết cơ sở 2 ở xa hơn nên tôi bắt xe đò từ lúc nửa đêm và tới bệnh viện tầm 5 giờ sáng. Do bệnh viện làm việc sớm, bố trí nhiều phòng khám nên tôi không phải chờ lâu. Chưa tới 30 phút tôi đã tái khám xong và nhận thuốc đầy đủ. Giờ tôi khỏe hơn trước nhiều rồi”, chị B. chia sẻ.
Đi sang các Khoa Nội tuyến vú, tiêu hóa, gan, niệu; Khoa Nhi… là những dãy hành lang dài, rộng, thoáng đãng. Không gian mỗi phòng bệnh rộng gần 30m2, được kê 2-4 giường bệnh với hệ thống máy lạnh trung tâm hoạt động liên tục, nhà vệ sinh riêng biệt, sạch sẽ. Chị L.T.T. (47 tuổi, ở huyện Cần Giờ, TPHCM) chia sẻ: “Con tôi đang học lớp 6, không may bị u não, phải điều trị nội trú dài ngày. Điều trị ở cơ sở 1, có lúc trong phòng lên tới 30 người (15 bệnh nhân và 15 người thân) rất ngột ngạt, mệt mỏi không tả được. Kể từ ngày cháu được chuyển về điều trị ở đây, thoải mái và tiện ích như ở... khách sạn, các con vui, trong người cũng cảm thấy khỏe khoắn, dễ chịu. Tôi và nhiều thân nhân khác không còn cảnh ngủ ở gầm giường, hành lang bệnh viện nữa. Hy vọng con tôi sẽ mau hết bệnh”.
Bệnh nhân ung thư điều trị tại Bệnh viện Ung bướu TPHCM cơ sở 2
TS-BS Diệp Bảo Tuấn, Phó Giám đốc Bệnh viện Ung bướu TPHCM, cho biết, tổng số ca ung thư được phẫu thuật mỗi năm tại bệnh viện dao động từ 31.000-33.000 ca. Khi chưa có cơ sở 2, số người bệnh phải chờ đến lượt để được điều trị, phẫu thuật có khi lên tới cả ngàn ca. Nay cơ sở 2 đi vào hoạt động hoàn toàn, bệnh nhân không còn cảnh chen chúc, ghép giường. Bệnh viện được trang bị 13 máy xạ trị kỹ thuật cao - nhiều nhất cả nước, 16 phòng mổ áp lực dương, hệ thống xét nghiệm liên hoàn, hệ thống giải trình tự gene giúp phát hiện đột biến để điều trị chính xác, đơn vị tế bào gốc. Thời gian khám, chờ mổ, chờ xạ trị… được rút ngắn so với cơ sở 1 rất nhiều, góp phần nâng cao chất lượng phục vụ, điều trị cho bệnh nhân. Đặc biệt, cơ sở 2 còn có cảnh quan khá đẹp, nhiều cây xanh, không khí trong lành, góp phần giúp bệnh nhân thư giãn, mau khỏi bệnh.
Cần tiếp tục đầu tư, hoàn thiện
Theo ThS-BS Nguyễn Thị Thanh Huyền, Phó Trưởng khoa Khám bệnh, Bệnh viện Ung bướu TPHCM, từ khi chuyển toàn bộ các khoa về cơ sở 2, với trang thiết bị đầy đủ, bình quân mỗi ngày khoa tiếp nhận từ 1.700-2.000 lượt người tới khám và điều trị. Cơ sở 1 vẫn duy trì khoa cấp cứu, khu cách ly, khu khám bệnh trong ngày. “Tuy nhiên, hiện thiết kế sảnh Khoa Khám bệnh chỉ có sức chứa khoảng 200 người, trong khi bình quân mỗi ngày có gần 2.000 lượt người dân tới thăm khám. Chúng tôi mong mỏi chủ đầu tư là Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp TPHCM cần có phương án mở rộng sảnh của khoa, nhằm đón tiếp người bệnh được tốt hơn và tránh không để xảy ra tình trạng quá tải ngay ở Khoa Khám bệnh”, BS Thanh Huyền nói.
TS-BS Diệp Bảo Tuấn cho biết, cơ sở 2 nằm ở vị trí khá xa nên chiếm nhiều thời gian di chuyển của nhân viên y tế đang ngụ ở các huyện Hóc Môn, Bình Chánh, Củ Chi, Cần Giờ, mỗi ngày đi về mất gần 100km. Hiện thành phố đã dành 2,7ha đất cạnh bệnh viện để xây dựng khu nhà nghỉ cho thân nhân, khu nhà nghỉ cho các chuyên gia, học viên đến nghiên cứu, học tập. Thành phố cũng có dự án mở tuyến xe buýt kết nối trạm dừng metro đến bệnh viện để phục vụ người dân khám chữa bệnh, các nhân viên y tế.
TS-BS Diệp Bảo Tuấn kiến nghị: “Để vận hành tòa nhà này, riêng tiền điện mỗi tháng mất gần 5 tỷ đồng, đặc biệt hệ thống trang thiết bị được đầu tư trên 2.000 tỷ đồng, ước tính mỗi năm bệnh viện cũng phải bỏ ra 10% số tiền này (tương ứng khoảng 200 tỷ đồng) để duy tu, bảo dưỡng. Đây thực sự là bài toán khá nan giải. Bệnh viện đã có văn bản kiến nghị với lãnh đạo thành phố sớm tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ cho bệnh viện khoản phát sinh này”.
Cơ sở 2 Bệnh viện Ung bướu TPHCM là một trong những công trình trọng điểm của TPHCM được ngân sách trung ương đầu tư trên 5.800 tỷ đồng, xây dựng mới bệnh viện chuyên khoa ung thư với quy mô 1.000 giường theo tiêu chuẩn quốc tế. Đây cũng là một trong những công trình tiêu biểu chào mừng Đại hội đại biểu Đảng bộ TPHCM lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025. Cơ sở 2 được khởi công ngày 26-6-2016; đến ngày 27-1-2023 đi vào hoạt động với 100% công suất.