Tỷ lệ tử vong thuộc nhóm cao khu vực
2 giờ 30 phút sáng, chuyến xe khách đưa chị Nguyễn Thị Út (ngụ tỉnh Ninh Thuận) và con gái tên H. có mặt tại Bệnh viện Ung bướu TPHCM cơ sở 2 (TP Thủ Đức, TPHCM). Vài giờ sau, bệnh viện mở cổng, mẹ con chị hòa vào dòng người bệnh đang chờ xếp hàng lấy số.
Con gái chị 19 tuổi, bị sarcoma phần mềm bẹn đùi trái (một loại ung thư ác tính), di căn phổi. Sau khi phẫu thuật cắt bỏ một chân, H. tiếp tục hóa trị, đi lại giữa Ninh Thuận - TPHCM gần 1 năm nay. “Hôm nay khám, xét nghiệm thì một tuần sau mới đến lịch hóa trị. Bệnh nhân đông lắm, con tôi được ưu tiên vì khuyết tật, nhưng chờ cả tuần để vào thuốc”, chị Út tâm sự.
Quá tải, đợi chờ là tình cảnh diễn ra tại Bệnh viện Ung bướu TPHCM - bệnh viện ung bướu lớn nhất phía Nam. Mỗi ngày, nơi đây tiếp nhận khoảng 4.800 lượt khám, 900 người bệnh nội trú, 1.000 người bệnh điều trị ngoại trú. Áp lực ngày càng tăng, máy móc và y, bác sĩ làm việc tối đa công suất cũng chưa đáp ứng được yêu cầu.
Trong khi đó, trên địa bàn Hà Nội, Bệnh viện K có 3 cơ sở thăm khám, điều trị cho người bệnh ung thư, với trên 2.400 giường bệnh, cũng không tránh được có thời điểm quá tải. GS Lê Văn Quảng, Giám đốc Bệnh viện K, cho biết, theo thống kê năm 2023, số lượt khám tại bệnh viện đã tăng 34% so với năm 2022, tương đương khoảng 450.000 lượt người bệnh. Bệnh viện chỉ có 6 máy xạ trị, trong khi mỗi năm có trên 17.000 lượt người bệnh cần xạ trị nên máy phải hoạt động tận đêm khuya.
“Bệnh viện áp dụng nhiều kỹ thuật mới, công nghệ cao trong chẩn đoán, điều trị. Tuy nhiên, với tình hình người bệnh gia tăng như hiện nay thì trang thiết bị hiện đại ngang tầm thế giới cũng chưa đáp ứng được nhu cầu. Hơn nữa, người bệnh ung thư thường có tâm lý phải lên tuyến trên mới yên tâm nên gây quá tải cho các bệnh viện tuyến trung ương”, GS Lê Văn Quảng nói.
Còn tại Bệnh viện Ung bướu Hà Nội, dù có quy mô 615 giường bệnh nhưng công suất sử dụng luôn ở mức 150-160%. Để đáp ứng nhu cầu của người bệnh, bệnh viện này đang chuẩn bị cho việc xây dựng cơ sở 2 tại huyện Quốc Oai, Hà Nội.
Theo GLOBOCAN 2022, Việt Nam có khoảng 180.000 ca mắc mới và 120.000 ca tử vong vì ung thư mỗi năm. Tỷ lệ tử vong vì ung thư thuộc nhóm cao so với khu vực. Nguyên nhân chủ yếu do 70-80% trường hợp phát hiện bệnh ở giai đoạn muộn.
Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn, mạng lưới phòng chống bệnh ung thư trên toàn quốc đã phát triển với 11 bệnh viện chuyên khoa, 83 trung tâm/khoa/đơn vị điều trị ung bướu tại nhiều tỉnh, thành phố. Trong bối cảnh hiện nay, Bộ Y tế yêu cầu tăng cường các hoạt động phòng chống ung thư ở tất cả các tuyến. Đặc biệt, tuyến y tế cơ sở cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người dân đi khám sàng lọc, phát hiện sớm bệnh ung thư và chăm sóc người bệnh ung thư dựa vào cộng đồng
Ngày càng gia tăng người mắc
ThS-BS Nguyễn Triệu Vũ, Trưởng khoa Ung bướu, Bệnh viện TP Thủ Đức (TPHCM), cho rằng, gia tăng người bệnh ung thư tại Việt Nam là tình trạng đã được cảnh báo trước. “Dân số bùng nổ và già hóa dân số được xem là những nguyên nhân chính dẫn đến gánh nặng ung thư cho các nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam”, BS Nguyễn Triệu Vũ nêu ý kiến.
Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, năm 2023, dân số cả nước đạt 100,3 triệu người, tuổi thọ trung bình của người dân là 73,7 tuổi (năm 2022 là 73,6 tuổi). Tính riêng tuổi thọ nam giới là 71,1 tuổi và nữ giới là 76,5 tuổi. So với các quốc gia Đông Nam Á, tuổi thọ người Việt Nam khá cao nhưng trung bình mỗi người có 10 năm phải sống chung với bệnh tật.
“Tuổi càng cao, nguy cơ mắc ung thư càng lớn”, BS Nguyễn Triệu Vũ nói. Theo lý giải của BS Nguyễn Triệu Vũ, quá trình lão hóa khiến các cơ chế sinh sản của tế bào kém hiệu quả, dễ sai sót, tăng khả năng phát triển của ung thư. Bên cạnh đó, người lớn tuổi có nhiều thời gian tiếp xúc với các yếu tố như tia UV, bức xạ, khói thuốc, hóa chất... nên làm tăng nguy cơ mắc ung thư.
Các chuyên gia nhận xét, hiện nay y học rất phát triển, các phương tiện chẩn đoán bệnh ung thư khá hiệu quả và người dân quan tâm hơn đến chăm sóc sức khỏe. Vì thế, nhiều người phát hiện ung thư ở giai đoạn sớm qua khám sức khỏe định kỳ và tầm soát, dẫn đến số ca mắc mới tăng dần hàng năm.
Giáo sư Nguyễn Chấn Hùng, nguyên Chủ tịch Hội Ung thư Việt Nam, nhận định, tình hình bệnh ung thư cũng là vấn đề mà cả thế giới đang đối mặt. Hầu hết các loại ung thư là do những gì con người hít thở, ăn uống, cọ xát hoặc phơi trải. Dân số già hóa, môi trường sống ô nhiễm, thói quen lạm dụng rượu bia, thuốc lá, ăn uống sinh hoạt không điều độ... đều là những tác nhân gây bệnh. Theo GS Nguyễn Chấn Hùng, chiến lược ứng phó, chăm sóc và điều trị bệnh ung thư đòi hỏi sự đầu tư rất lớn và lâu dài về nguồn lực, công sức, chuyên môn, nhân lực nên nếu chỉ riêng ngành y tế sẽ không thể làm được.
Phải chờ từ 4-6 tuần mới đến lượt xạ trị
Trung bình mỗi ngày, Bệnh viện Ung bướu TPHCM cơ sở 2 xử lý 550 lượt hóa trị, 780 lượt xạ trị. Mặc dù sở hữu nhiều máy xạ trị nhất Việt Nam (13 máy gia tốc) nhưng người bệnh tại đây vẫn phải chờ từ 4-6 tuần mới đến lượt xạ trị, còn người bệnh phẫu thuật phải chờ khoảng 3 tuần.
Theo TS-BS Đặng Huy Quốc Thịnh, Phó Giám đốc Bệnh viện Ung bướu TPHCM, áp lực quá tải rơi vào nhóm người bệnh khám và điều trị ngoại trú. Đây là tình trạng quá tải về mặt thời gian để đáp ứng điều trị ngay, còn vấn đề chăm sóc vẫn đang đáp ứng rất tốt. Hiện bệnh viện tổ chức khám bệnh từ 4 giờ 30 phút sáng, xạ trị từ 5 giờ đến 22 giờ mỗi ngày để phục vụ người bệnh.
Bệnh viện Ung bướu TPHCM cơ sở 2 được xây dựng với tổng mức đầu tư 5.800 tỷ đồng, có bãi đáp trực thăng, là trung tâm điều trị ung bướu hiện đại nhất phía Nam, phát triển nhiều kỹ thuật chuyên sâu trong chẩn đoán và điều trị ung thư. Năm 2023, Bệnh viện Ung bướu TPHCM có gần 800.000 lượt người bệnh đến khám, thực hiện gần 37.000 ca phẫu thuật, hơn 180.000 lượt xạ trị, gần 300.000 lượt điều trị nội khoa.
Đầu tư cho mạng lưới điều trị ung thư
Theo BS Lê Tuấn Anh, Giám đốc Trung tâm Ung bướu, Bệnh viện Chợ Rẫy, người bệnh đến TPHCM khám và điều trị vì mong muốn được điều trị ở nơi có chuyên môn tốt nhất, dẫn đến tình trạng “nước chảy chỗ trũng”. Quá tải bệnh viện sẽ ảnh hưởng không tốt đến chất lượng điều trị bệnh ung thư.
Vì vậy, cần tính toán đến tăng cường mạng lưới ung thư, giãn đều các trung tâm điều trị ung bướu về các tỉnh, thành phố thay vì tập trung tại TPHCM. Nếu không đầu tư và giải quyết sớm, khoảng 10 năm nữa, tình hình điều trị bệnh ung thư sẽ khó khăn hơn.
Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM Nguyễn Anh Dũng cũng đánh giá, đến nay ung thư vẫn là một loại bệnh nguy hiểm, nguy cơ tử vong cao, người bệnh dễ khủng hoảng về tâm lý và rất tốn kém trong điều trị. Vì thế, cần phải đầu tư trang thiết bị hiện đại, tăng hiệu quả điều trị, nâng cao tay nghề của y, bác sĩ để ngăn chặn và đẩy lùi ung thư.
3 loại ung thư phổ biến nhất là ung thư vú, gan và phổi
Theo Tổ chức Y tế thế giới, sau đại dịch Covid-19, toàn cầu đối mặt với đại dịch của bệnh không lây nhiễm (ung thư, tim mạch, đái tháo đường, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính...). Ước tính mỗi năm tại Việt Nam, số ca tử vong do bệnh không lây nhiễm chiếm 77% tổng số tử vong do mọi nguyên nhân.
Theo Bộ Y tế, có khoảng 345.000 người Việt Nam đang sống chung với căn bệnh ung thư. Hiện nay, 3 loại ung thư phổ biến nhất là ung thư vú, gan và phổi; 3 loại ung thư hàng đầu gây tử vong là ung thư gan, phổi và dạ dày. Hiệp hội Ung thư Mỹ dự báo đến năm 2050, số ca ung thư trên toàn cầu có thể lên đến 35 triệu người.