Bị động trước giá dầu
GAS hiện là công ty duy nhất cung cấp khí thiên nhiên cho tiêu dùng trong nước, thông qua 5 hệ thống đường ống tại Việt Nam, đặc biệt là sản xuất điện và sản xuất phân bón. Trong lĩnh vực phân phối khí dầu mỏ hóa lỏng (LPG), GAS là công ty dẫn đầu thị trường với khoảng 65% thị phần.
GAS còn tham gia sản xuất và phân phối các sản phẩm khí khác như khí tự nhiên hóa lỏng (LNG), khí thiên nhiên nén (CNG), và khí ngưng tụ. GAS cũng là doanh nghiệp đầu tiên đủ điều kiện phân phối LNG tại Việt Nam, với kho cảng LNG Thị Vải đi vào hoạt động năm 2023.
Với lợi thế là công ty con của PVN (chiếm 95,8% cổ phần), GAS là doanh nghiệp độc quyền phân phối và kinh doanh khí khô tại Việt Nam, bao gồm 5 đường ống dẫn khí: hệ thống Cửu Long, hệ thống Nam Côn Sơn 1, hệ thống Hàm Rồng - Thái Bình, hệ thống Nam Côn Sơn 2, và hệ thống khí MP3 - Cà Mau. Tổng công suất thu gom, vận chuyển khí hàng năm đạt khoảng 17,5 tỷ m3.
Tuy nhiên, những lợi thế kể trên đã không thể giúp GAS vượt khó trong năm 2023, với doanh thu và lợi nhuận sụt giảm mạnh. Theo báo cáo tài chính 2023, doanh thu 2023 sụt giảm 11% xuống còn 89.954 tỷ đồng (tương đương 3,68 tỷ USD), trong khi lợi nhuận ròng giảm hơn 21% xuống còn 11.606 tỷ đồng (tương đương 471 triệu USD).
Kết quả kinh doanh của GAS phụ thuộc nhiều vào diễn biến của giá dầu thế giới. Trong khi đó, giá dầu lại chịu chi phối bởi nhiều yếu tố, có thể bị ảnh hưởng bởi sự cân bằng cung cầu trên thị trường dầu mỏ.
Theo giải trình, giá dầu thô, dầu FO và LPG năm 2023 diễn biến kém hơn hẳn so với 2022 (giảm lần lượt 24%, 29% và 26%), đã tác động tiêu cực tới kết quả kinh doanh của GAS. Trong giai đoạn cuối năm 2023, thủy điện hồi phục nhờ mưa diện rộng, nhiệt điện than và năng lượng tái tạo hoạt động ổn định, đã khiến sản lượng tiêu thụ khí tại các nhà máy nhiệt điện suy giảm. Hoạt động sản xuất nội địa trầm lắng cũng khiến nhu cầu tiêu thụ từ các khách hàng công nghiệp giảm mạnh 11%.
Chưa thể kỳ vọng trong năm 2024
Có thể dễ dàng nhận thấy, kết quả kinh doanh của GAS phụ thuộc nhiều vào diễn biến của giá dầu thế giới. Trong khi đó, giá dầu lại chịu chi phối bởi nhiều yếu tố, có thể bị ảnh hưởng bởi sự cân bằng cung cầu trên thị trường dầu mỏ.
Theo cập nhật mới nhất từ Cơ quan Thông tin năng lượng Hoa Kỳ (EIA), giá dầu dự kiến sẽ ổn định ở mức thấp trong năm 2024 do nhu cầu toàn cầu tăng trưởng chậm hơn ở mức 1,4 triệu thùng/ngày so với mức tăng 1,9 triệu thùng/ngày vào năm 2023. Bất chấp việc OPEC+ tiếp tục cắt giảm 2,2 triệu thùng mỗi ngày trong quý I-2024, các quốc gia ngoài OPEC+, đặc biệt là Mỹ, Brazil và Iran, được dự báo sẽ góp phần làm tăng nguồn cung 1,2 triệu thùng/ngày.
Ngoài yếu tố kể trên, giới phân tích đánh giá thấp về khả năng phục hồi của GAS trong năm 2024, bởi doanh nghiệp này đang chịu tác động tiêu cực từ hàng loạt yếu tố khách quan. Theo kế hoạch kinh doanh sơ bộ của GAS, dự phóng tiêu thụ khí khô năm 2024 được đặt ra thận trọng ở mức 6,3 tỷ m3 (giảm hơn 13%).
Trong khi đó, Bộ Công Thương đã phê duyệt kế hoạch cung cấp khí cho sản xuất điện năm 2024 là 4,4 tỷ m3, (giảm 19%). Việc cắt giảm đáng kể kế hoạch cung cấp khí cho ngành điện cho thấy nguồn cung cấp khí đốt tự nhiên trong nước đang dần cạn kiệt. Tiếp đến là sự cạnh tranh cao từ các nguồn điện khác do Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đang gặp khó khăn trong tài chính, có thể thúc đẩy nhu cầu sử dụng các nguồn điện rẻ hơn như thủy điện và nhiệt điện than.
Hiện nhà máy điện Nhơn Trạch 3 và 4 (khách hàng chính của LNG Thị Vải) có thể phải đối mặt với việc thời điểm đi vào hoạt động chậm hơn so với dự kiến do một số vấn đề.
Thứ nhất, việc đàm phán hợp đồng mua bán điện (PPA) với EVN vẫn bị đình trệ, do 2 bên không thống nhất được về tỷ lệ Qc (tổng sản lượng hợp đồng).
Thứ hai, việc xây dựng đường dây truyền tải kết nối nhà máy với lưới điện quốc gia bị chậm tiến độ do các vấn đề giải phóng mặt bằng và quy hoạch đô thị tại Nhơn Trạch.
Cuối cùng, tranh chấp với bên cho thuê đất, Tập đoàn Tín Nghĩa, liên quan đến phí sử dụng cơ sở hạ tầng đã khiến việc xây dựng kênh xả nước làm mát bị đình trệ, gây thêm chậm trễ trong việc hoàn thành dự án. Từ các yếu tố trên, giới phân tích dự báo sản lượng khí của GAS sẽ giảm 10% trong năm 2024.
Kỳ vọng trái chiều
Dù thực tế chưa thật sự sáng sủa, nhưng về dài hạn GAS được giới phân tích đặt kỳ vọng trong 3 năm tới với tâm điểm là mảng LNG. Cụ thể, bên cạnh đại dự án Lô B dự kiến sẽ khai thác dòng khí đầu tiên vào cuối năm 2026, thì Sư Tử Trắng 2B cũng là một dự án lớn đang được GAS triển khai, với tổng sản lượng khai thác là 8 tỷ m3 và nguồn cung hàng năm là khoảng 1,2 triệu m3.
Tuy nhiên, dự án dự kiến sẽ khai thác dòng khí lần đầu tiên vào năm 2027. Trong vài năm tới, có thể có thêm một số nguồn khí từ một số bể nhỏ như Kình Ngư Trắng (năm 2024) ở vùng biển Đông Nam Bộ, như cũng như Nam Du - U Minh và Khánh Mỹ ở vùng biển Tây Nam, nhưng tổng nguồn cung của các bể khí nổi bật trong nước dự kiến vẫn sẽ giảm khoảng 500 triệu m3/năm trong 2-3 năm tới. Nhờ đó, mảng LNG sẽ là nguồn bổ sung chủ yếu bù đắp cho sự sụt giảm nguồn cung trong nước trong những năm tới.
Có lẽ chính vì sự kỳ vọng ở thì tương lai khá xa, nên GAS luôn nhận được các quan điểm phân tích trái chiều từ các công ty chứng khoán (CTCK). Cụ thể, trong khi nhiều CTCK khuyến cáo nhà đầu tư theo dõi với mức giá mục tiêu từ 85.000-87.000 đồng, thì CTCK DSC đánh giá GAS hiện đang ở mức giá hấp dẫn.
Do vậy, DSC kỳ vọng GAS sẽ đạt giá mục tiêu 92.000 đồng, cao hơn 18% so với giá đóng cửa tại thời điểm cuối tháng 2 là 78.000 đồng.
Tuy nhiên, yếu tố tích cực DSC đưa ra lại không xuất phát từ hoạt động kinh doanh mà đến từ lượng tiền mặt doanh nghiệp đang nắm giữ. Theo DSC, chất lượng tài sản là điểm sáng của GAS với điểm nhấn là lượng tiền mặt và tiền gửi ngân hàng 40.754 tỷ đồng, trong khi dư nợ vay chỉ vỏn vẹn 5.876 tỷ đồng.
Vì vậy, GAS có sức đề kháng cực kỳ tốt trước các rủi ro tài chính, cũng như có khả năng mở rộng, đầu tư khi cần thiết. Nhờ trạng thái tài sản này nên trong năm qua GAS thu về 1.686 tỷ đồng lãi tài chính ròng, gần gấp đôi so với năm trước đó.