Lợi nhuận lao dốc, REE có đủ sức 'cầm cự' khi thị trường quay đầu?

(ĐTTCO) - CTCP Cơ điện lạnh (REE), được xem là doanh nghiệp khá “trung thành” với các mảng kinh doanh cốt lõi. Tuy nhiên, “bước hụt” của mảng điện và cơ điện trong năm 2023, đã đặt ra nhiều nghi ngờ về triển vọng của REE trong tương lai.

Một dự án điện gió được REE góp vốn
Một dự án điện gió được REE góp vốn

Kinh doanh cốt lõi sa sút

REE được thành lập năm 1977, với ngành nghề truyền thống là cơ điện lạnh (M&E). Đây là ngành tạo nên tên tuổi cho REE, với các công trình cơ khí - điện (M&E) trong các lĩnh vực cơ sở hạ tầng, thương mại và công nghiệp. Trong hoạt động cơ điện lạnh, REE còn sở hữu thương hiệu Reetech điều hòa không khí đầu tiên của Việt Nam.

Tuy nhiên, mảng kinh doanh này không thực sự hiệu quả, khi thương hiệu Reetech chưa thể cạnh tranh với các thương hiệu lớn khác trong cùng sản phẩm. Đây là 1 trong những nguyên nhân khiến REE quyết định lấn sân sang lĩnh vực bất động sản, với các dự án cao ốc văn phòng cho thuê, và đầu tư vào các doanh nghiệp trong lĩnh vực hạ tầng tiện ích như điện, nước.

Dù mới chỉ đầu tư trong vài năm trở lại đây, nhưng khoản đầu tư này đã trở thành mảng kinh doanh chính của REE, trong đó ngành chủ lực là mảng năng lượng đóng góp trên 59% doanh thu.

Hiện tổng công suất lắp đặt của các nhà máy có sự sở hữu của REE đạt 2.763 MW, trong đó tổng công suất REE thực sở hữu là 1.023 MW, bao gồm: thủy điện, điện gió và điện mặt trời. Mảng cơ điện lạnh bao gồm hoạt động kinh doanh các sản phẩm cơ điện lạnh công trình và cung cấp các dịch vụ tư vấn, thiết kế, lắp đặt, vận hành, bảo trì các hệ thống cơ điện công trình và hệ thống điện mặt trời.

REE hiện được nhiều CTCK khuyến nghị giá mục tiêu 65.000 đồng, nhưng cũng có CTCK khuyến cáo nhà đầu tư theo dõi diễn biến giá của REE, bởi trong kịch bản tiêu cực, mã CP này có thể lùi về mốc 50.000 đồng.

Tuy nhiên, trong năm 2023, các lĩnh vực kinh doanh của REE đang có dấu hiệu “đuối sức”. Theo báo cáo tài chính quý IV-2023, tổng doanh thu của REE giảm 33% xuống còn 2.065 tỷ đồng, chủ yếu do sự suy giảm của 2 mảng kinh doanh cốt lõi là điện và cơ điện lạnh.

Cụ thể, mảng điện ghi nhận doanh thu giảm 21% xuống 1.237 tỷ đồng, do điều kiện thời tiết bất lợi dẫn đến sản lượng thủy điện giảm 14,7%; mảng cơ điện lạnh ghi nhận doanh thu giảm mạnh 51% xuống 574 tỷ đồng, do thị trường bất động sản trì trệ.

Doanh thu giảm kéo theo sự sụt giảm đáng kể về lợi nhuận, thậm chí ghi nhận con số âm. Cụ thể, mảng cơ điện lạnh ghi nhận khoản lỗ 76 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm 2022 lãi 42 tỷ đồng, do phải trích lập thêm dự phòng cho các khoản phải thu khó đòi (173 tỷ đồng) trong bối cảnh thị trường bất động sản trì trệ và lãi suất tăng cao; lợi nhuận sau thuế của mảng điện giảm 14,6% xuống còn 408 tỷ đồng, do hiện tượng El Nino gây ảnh hưởng tiêu cực tới sản lượng thủy điện (giảm 14,7%).

Lũy kế cả năm 2023, doanh thu và lợi nhuận ròng của REE lần lượt đạt 8.570 tỷ đồng (giảm 9%) và 2.188 tỷ đồng (giảm 19%).

Chuyển hướng không suôn sẻ

Hiện tượng thời tiết bất thường đã gây tác động tiêu cực đến các công ty liên doanh, liên kết của REE. Nguyên nhân chủ yếu do ảnh hưởng của El Nino làm giảm lợi nhuận từ các công ty thủy điện và nhiệt điện liên kết từ 20-80%. Để giảm sự phụ thuộc vào các công ty thủy điện và nhiệt điện, REE đã chủ động chuyển hướng mở rộng danh mục đầu tư sang mảng năng lượng tái tạo.

Đầu tháng 10-2023, REE đã tiếp tục giảm tỷ lệ sở hữu của mình tại CTCP Nhiệt điện Phả Lại (PPC) về mức 23%, và tăng tỷ lệ sở hữu tại CTCP Thủy điện Sử Pan 2 lên 28,87%. Bên cạnh đó, REE cũng đang tích cực tiến hành các thủ tục liên doanh với Tập đoàn KANSAI (Nhật Bản) để thực hiện dự án phát triển 1.800 MW điện gió ngoài khơi.

Tuy nhiên, hướng đi đối với mảng năng lượng của REE, được dự báo là chưa thể phục hồi mạnh trong nửa đầu năm 2024, do ảnh hưởng từ hiện tượng El Nino sẽ tác động đáng kể tới sản lượng các nhà máy thủy điện. Theo Viện Nghiên cứu quốc tế về khí hậu (IRI), dự kiến pha El Nino sẽ tiếp tục duy trì đến ít nhất quý II, kéo theo thời tiết cực đoan, nắng nóng và các đợt khô hạn.

Theo đó, dự kiến nửa đầu năm sản lượng thủy điện tiếp tục duy trì ở mức thấp, tạo dư địa huy động cho các nguồn điện khác. Trong khi đó, mảng năng lượng tái tạo vẫn đang “xoay vần”, bởi Quy hoạch điện VIII dù đã được thông qua nhưng vẫn chưa có cơ chế rõ ràng cho các chủ đầu tư năng lượng tái tạo.

Nhằm bù đắp cho sự sụt giảm của 2 mảng kinh doanh kể trên, REE đã chủ động đẩy mạnh đầu tư vào mảng bất động sản với kỳ vọng thúc đẩy doanh thu. Tuy nhiên, trong bối cảnh kinh tế khó khăn, nhu cầu văn phòng cho thuê không mấy sáng sủa. Đáng chú ý, mảng phát triển dự án của REE với dự án nhà ở thương mại The Light Square (Thái Bình), vẫn chưa ghi nhận doanh thu trong năm 2023. Thậm chí doanh thu từ mảng kinh doanh này âm 18 tỷ đồng trong quý IV-2023.

Cổ phiếu thiếu sức hút

Ngày 28-7-2000, cùng với SAM, REE trở thành mã cổ phiếu (CP) đầu tiên được niêm yết trên sàn HoSE, với giá tham chiếu 16.000 đồng/CP. Phiên chào sàn của REE diễn ra khá buồn tẻ chỉ vỏn vẹn 1.000 CP được chuyển nhượng. Sau gần 2 tháng chập chờn quanh mức giá chào sàn, REE bắt đầu bứt phá từ nửa cuối tháng 10-2000 và kéo lên mốc 95.000 đồng/CP (tháng 6-2001).

Sau khi chạm đỉnh này, REE bị bán ra mạnh, rơi về 10.000 đồng/CP (tháng 8-2003). REE chỉ thật sự “thăng hoa” trong năm 2007 với mức đỉnh 285.000 đồng/CP, được xác lập trong phiên giao dịch ngày 5-3-2007.

Tuy nhiên, sau giai đoạn bùng nổ cùng TTCK giai đoạn 2007-2008, REE bước vào giai đoạn điều chỉnh và có nhiều thời điểm CP rớt xuống dưới mệnh giá (10.000 đồng/CP). Ngoài tác động của thị trường chung, biến động giá CP chịu tác động từ kết quả kinh doanh trồi sụt của REE.

Ở thời điểm hiện tại, REE cũng đang rơi vào tình cảnh không mấy suôn sẻ khi CP không nhận được sự quan tâm của nhà đầu tư. Vì lẽ đó, REE rất hiếm khi có sóng tăng như kỳ vọng của nhà đầu tư. Từ đầu năm 2024 đến nay, dù thị trường chung có nhiều đợt tăng mạnh, nhưng REE chỉ dao động trong biên độ trên dưới 1%, với giá tham chiếu hiện tại là 63.000 đồng.

Các tin khác