Bí quyết giúp doanh nghiệp quản trị rủi ro giá cà phê

(ĐTTCO) - Thị trường cà phê trong và ngoài nước đang bị ảnh hưởng mạnh mẽ bởi đại dịch Covid-19 có thể kéo dài, khó nhìn thấy khả năng tăng giá về trung và dài hạn.
Bí quyết giúp doanh nghiệp quản trị rủi ro giá cà phê

Bên cạnh đó, kinh tế toàn cầu đang đứng trước nguy cơ tăng trưởng chậm, biến động khó lường; nhiều loại tài sản bị bán tháo. Trước bối cảnh đó, câu hỏi đặt ra là các doanh nghiệp Việt phải làm gì để quản lý rủi ro giá cà phê trong thời điểm cực kỳ nhạy cảm hiện nay?

Cuốn sách “Quản trị rủi ro giá cà phê bằng hợp đồng tiêu chuẩn trên sàn ICE” của 2 tác giả ThS. Nguyễn Cảnh Thọ (chủ biên) và TS. Đặng Hữu Mẫn (NXB Kinh tế TPHCM) giúp độc giả hệ thống hóa những quy định và cách thức tham gia giao dịch trên thị trường hàng hóa quốc tế, cụ thể là mặt hàng cà phê Robusta và Arabica trên sàn ICE.

Làm rõ một số lý do tại sao ngành cà phê Việt Nam và thế giới lại lựa chọn sàn LIFFE và NYBOT để tham chiếu mua bán, liệu có đáng tin hay uy tín không? Sàn dựa trên cơ chế hoạt động và thanh toán bù trừ hiện đại như thế nào? Các điều kiện để người Việt Nam có thể tham gia giao dịch?

Theo các tác giả, hợp đồng trừ lùi hay cộng tới là hợp đồng mà theo đó hai bên mua và bán thỏa thuận một mức trừ hoặc cộng dựa trên giá hợp đồng cà phê (thường là spot month) giao dịch trên sàn LIFFE (ICE Europe) để xác định giá mua bán trong hoạt động kinh doanh cà phê. Những thương vụ kiểu này được gọi là hợp đồng có giá “chốt sau” (price to be fixed). Lý thuyết là vậy nhưng thực tế như thế nào, cuốn sách đã đưa ra các hợp đồng ngoại cũng như trong nước PTBF giao dịch hiện nay để cùng độc giả mổ xẻ tính chất, cũng như sự ảnh hưởng lớn đến thành công của mỗi doanh nghiệp cà phê.

Thông qua câu chuyện của một đại lý cà phê để thấy rằng kinh doanh cà phê không hề đơn giản, những khó khăn và thăng trầm lên xuống khi mua bán cà phê đặt ra nhiều câu hỏi cho các nhà quản lý doanh nghiệp hiện nay. Những cách thức mua bán và đòn bẩy được đại lý này sử dụng, đồng thời nhấn mạnh sự quản lý rủi ro khi trữ hàng, bán hàng, lãi suất vay, lãi suất nhận… được tác giả miêu tả kỹ hơn trong cuốn sách.

Hiện nay, rất ít doanh nghiệp, chuyên gia có thời gian và điều kiện để hiểu kỹ và tham gia giao dịch quyền chọn trên thị trường cà phê, thậm chí còn tồn tại nhiều cách hiểu chưa đúng về thị trường quyền chọn thí dụ như có thể mua quyền chọn mua ở giá (strike) cao hơn giá thị trường ATM và ngược lại, phí giao dịch là mất đi hoàn toàn khi giao dịch mua/bán…do đó thông qua các tình huống thực hành về quyền chọn, tác giả sẽ giúp người đọc tự tin hơn khi sử dụng.

Ngoài ra, tác giả còn giới thiệu những công cụ bậc cao như cấu trúc các hợp đồng quyền chọn, quyền chọn chênh lệch giá, hợp đồng quyền chọn hàng tuần (weekly C coffee Option), hợp đồng tương lai giá cà phê theo giá thanh toán (Coffee TAS future)…để người đọc hình dung hết các sản phẩm tài chính ở nước ngoài đang hoạt động.

Và cuối cùng, làm sao để giúp doanh nghiệp kinh doanh cà phê có thể vững vàng trên từng thương vụ, dự đoán xu hướng giá để mua bán, quyết định bán hay tiếp tục trữ hàng, nhận nợ vay hay gửi hàng xuất khẩu…tác giả đã đưa ra mô hình tính toán hiệu quả của 2 phương thức kinh doanh truyền thống và trên sàn để so sánh tìm ra cách thức tối ưu áp dụng vào hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.

Các tin khác