Bí quyết giúp doanh nghiệp Việt chinh phục thị trường tỷ dân

(ĐTTCO)-Một số chuyên gia đã bật mí "bí quyết" xuất khẩu vào các thị trường tỷ dân, cũng như giải pháp marketing giúp hàng Việt chinh phục người tiêu dùng ở Trung Quốc, Ấn Độ.

Chế biến thủy sản xuất khẩu. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)
Chế biến thủy sản xuất khẩu. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

Trước thực trạng kinh tế toàn cầu vẫn diễn biến phức tạp và tác động không nhỏ đến hoạt động sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu của doanh nghiệp thì câu chuyện bán hàng của năm 2024 là vấn đề cấp bách hiện nay.

Một số chuyên gia đã bật mí "bí quyết" xuất khẩu vào các thị trường tỷ dân, cũng như giải pháp marketing giúp hàng Việt chinh phục người tiêu dùng.

Cụ thể, đối với thị trường như Ấn Độ, bà Nguyễn Phi Vân, Chủ tịch Retail & Franchise Asia (Công ty hoạt động trong lĩnh vực bán lẻ và nhượng quyền), đồng thời là chuyên gia, cố vấn về quản trị thương hiệu và xây dựng thương hiệu quốc gia cho chính phủ Malaysia chỉ ra rằng, doanh nghiệp phải chuẩn bị sẵn sàng tâm lý để vượt qua một số rào cản như phân biệt đẳng cấp, giai cấp xã hội vẫn còn mạnh mẽ ở quốc gia này.

Ấn Độ cũng là cái nôi của Hindu giáo, Jaina giáo, Phật giáo và đạo Sikh, nên sự khác biệt giữa các địa phương, nhóm khách hàng là rất lớn.

Một điểm cần lưu ý nữa là khi tiếp cận thị trường Ấn Độ, doanh nghiệp phải nhận diện đây là thị trường cạnh tranh khốc liệt về giá. Người tiêu dùng Ấn Độ có thói quen tối ưu hóa sản phẩm và tái sử dụng sản phẩm như khi mua một chai nước, thực phẩm đóng hộp… họ quan tâm đến việc tận dụng vỏ chai, vỏ hộp để chứa đựng đồ dùng khác.

Hiện giữa ASEAN và Ấn Độ đã có Hiệp định thương mại tự do nhưng không có nghĩa thuế bằng 0 cho tất cả hàng hóa mà có một số mặt hàng đặc biệt thuế suất chỉ giảm từ 75% xuống 45%, hay thuế suất cực cao.

Vì thế, khi vào thị trường Ấn Độ, để tránh những khoản thuế quan này thì doanh nghiệp có thể phải tính trước chuyện tìm đối tác tại thị trường nội địa để hợp tác sản xuất, kinh doanh.

Về thương mại, Ấn Độ đang nằm trong nhóm 10 đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam. Ngược lại, Việt Nam được đánh giá là một quốc gia quan trọng trong "chính sách hướng Đông" của Ấn Độ, đồng thời nằm trong top 4 quốc gia ASEAN có quan hệ thương mại với Ấn Độ và điều này được thể hiện qua sự hợp tác đa chiều giữa hai nước trong những năm gần đây.

Thống kê cơ cấu mặt hàng xuất nhập khẩu cân bằng và có sự bổ sung cho nhau cho thấy, trong khi Ấn Độ là nguồn cung cấp nguyên liệu và thành phẩm quan trọng cho Việt Nam đối với các mặt hàng sắt thép, hóa chất, dược phẩm, dệt may, thức ăn chăn nuôi, thủy sản… thì nhóm mặt hàng xuất khẩu hàng đầu của Việt Nam sang Ấn Độ là máy tính cá nhân; điện thoại di động và linh kiện, sắt thép, hóa chất, gỗ và sản phẩm từ gỗ, giày dép, gia vị, càphê, hồ tiêu.

Trong khi đó, đối với thị trường Trung Quốc, ông Nguyễn Lâm Viên, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty cổ phần Vinamit cho biết đây là một thị trường hơn 1,4 tỷ dân quá gần Việt Nam. Đồng thời, thị trường Trung Quốc vẫn luôn được đánh giá có sức mua tốt, cũng như người tiêu dùng nước này khá quen thuộc với hàng hóa Việt Nam.

Hiện kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam và Trung Quốc đã đạt trên 170 tỷ USD; trong đó, ở ngành hàng trái cây mỗi năm đều tăng trên 20% và dự báo sẽ còn tăng nhiều hơn nữa bởi Việt Nam còn nhiều dư địa cung ứng cho thị trường Trung Quốc các loại trái cây tươi, khô, chế biến.

Mặc dù vậy, do tâm lý nghĩ rằng Trung Quốc chỉ mang hàng sang Việt Nam bán mà chưa được nhận diện như một thị trường tiêu thụ tiềm năng nên nhiều doanh nghiệp chưa mạnh dạn xúc tiến thị trường này một cách bài bản.

Cũng như người Ấn Độ, người Trung Quốc không ưa chuộng ăn rau nhiều so với ưu tiên tiêu dùng ăn trái cây các loại.

Theo ông Nguyễn Lâm Viên, sau đại dịch COVID-19, người Trung Quốc chuyển đổi thói quen tiêu dùng theo xu hướng tốt cho sức khỏe, nên tiêu thụ trái cây nhiều hơn nên đã mở hàng rào cho các nước như Việt Nam, Philippines, Malaysia để đa dạng nguồn cung trái cây nhập khẩu.

Đây là tín hiệu quan trọng mà doanh nghiệp Việt Nam phải lưu ý để có thể tham gia vào thị trường Trung Quốc.

Đặc biệt, một thị trường ngách mà doanh nghiệp Việt Nam có lợi thế thâm nhập thị trường Trung Quốc là nước trái cây. Tuy vậy, muốn chinh phục những thị trường tỷ dân như Trung Quốc thì doanh nghiệp và hàng hóa các nước phải chủ động chiến bài bản bên cạnh nhanh chóng nắm bắt tín hiệu thị trường, thị hiếu tiêu dùng và quy định tiêu chuẩn chất lượng.

Một số chuyên gia cho rằng trước thực trạng sức mua yếu tại thị trường nội địa và nhiều thách thức tại thị trường xuất khẩu thì tăng cường giải pháp, mô hình kinh doanh mới bằng việc khai thác hiệu quả ứng dụng công nghệ marketing, bán hàng là xu hướng tất yếu.

Thậm chí, doanh nghiệp không thể đứng ngoài cuộc hay để bị tuột lại phía sau vì không kịp cập nhật phương thức kinh doanh mới như đưa hàng hóa từ nhà máy thẳng đến khách hàng.

Điển hình, doanh nghiệp ở nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ chinh phục thị trường tỷ dân trên toàn cầu không chỉ dừng lại ở hoạt động xuất khẩu mà bùng bổ mô hình cửa hàng trực tuyến (shop) trên sàn thương mại điện tử đa quốc gia, nền tảng mạng xã hội xuyên biên giới… Hay xu hướng hiện nay là shoppertainment – vừa mua hàng (shopping), vừa giải trí (entertainment).

Với kinh nghiệm 13 năm làm livestream, vừa quản lý khoảng 300 nhân viên và là người trực tiếp livestream bán hàng, Livestreamer ViruSs (tên thật là Đặng Tiến Hoàng và là một nam YouTuber, streamer) cho rằng xu hướng hiện nay là chính đơn vị sản xuất kinh doanh hay người chủ doanh nghiệp đứng trước khách hàng nói về sản phẩm của mình là một trong những phương thức bán hàng hiệu quả xuyên biên giới. Do đó, doanh nghiệp Việt Nam hãy cố gắng học livestream bán hàng vì đây là phương thức rẻ và hiệu quả nhất.

Để triển khai livestream bán hàng, Livestreamer ViruSs chia sẻ thêm, doanh nghiệp chỉ cần chi phí khoảng 40-50 triệu đồng cho tất cả thiết bị nên rẻ hơn rất nhiều so với đầu tư cửa hàng vật lý, trong khi khả năng tiếp cận khách hàng vượt trội so với hầu hết phương thức bán hàng truyền thống, nhất là mở rộng thị trường bán hàng xuyên biên giới.

Hơn thế nữa, đội ngũ người làm ra sản phẩm đứng bán hàng là cách marketing 0 đồng nhưng hiệu quả nhất hiện nay.

Các tin khác