Chiều 12-10, Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) TPHCM giám sát việc thực hiện công tác phòng chống dịch Covid-19 theo Nghị quyết số 30 của Quốc hội, các giải pháp để kiểm soát dịch Covdi-19, phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn TPHCM trong thời gian tới.
Phát biểu tại buổi giám sát, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên bày tỏ, TPHCM đã trải qua những ngày tháng hết sức khốc liệt chưa từng có, do đại dịch Covid-19 biến chủng Delta hoành hành.
Ông chia sẻ trong đại dịch, một lần nữa TPHCM nhận thấy rõ tinh thần đoàn kết, thương yêu, đùm bọc, kiên cường chịu đựng, đồng cam cộng khổ, thắt lưng buộc bụng của đồng bào, của cộng đồng doanh nghiệp để vượt qua những thời khắc hết sức cam go.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc thăm hỏi các đại biểu dự buổi giám sát. Ảnh: Việt Dũng
Qua đó cũng nhận thấy rất rõ sự lãnh đạo, chỉ đạo, sự chia sẻ, động viên, tinh thần trách nhiệm và quan tâm sâu sắc của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, đặc biệt là hệ thống y tế, lực lượng vũ trang và các lực lượng tham gia tuyến đầu đối với công tác phòng chống dịch tại TPHCM.
Thay mặt Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TPHCM, Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên trân trọng cảm ơn Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã quan tâm, tiếp sức cho TPHCM. Ông gửi lời cảm ơn tổ chức, cá nhân đã trực tiếp, gián tiếp đóng góp tinh thần, vật chất cho TPHCM có kết quả hôm nay.
Qua buổi giám sát, Bí thư Thành ủy TPHCM nhận xét các ý kiến xác đáng của các ĐBQH đã gợi mở cho TPHCM chuẩn bị nhiều vấn đề quan trọng trong giai đoạn mới. Đồng thời, cũng nêu ra các vấn đề cần phải rút kinh nghiệm trong phòng chống dịch.
Bởi vì, dịch Covid-19 bùng phát, diễn ra rất đau thương, để lại nhiều bài học xương máu, giúp TPHCM sẵn sàng ứng biến trong tình hình mới.
Các ĐBQH đã gợi mở các biện pháp phòng chống dịch theo hướng làm thế nào có thể phòng chống dịch mà ít thiệt hại nhất; đề xuất các chiến lược hết sức quan trọng trong thời gian tới. Bí thư Nguyễn Văn Nên chia sẻ, khi TPHCM thực hiện “ai ở đâu, ở yên đó”, số lượng người dân trên địa bàn thành phố không phải là 10 triệu người, mà có thể 14 triệu người dân.
Việc kiến thiết lại một thành phố, một đô thị làm thế nào để người dân đến làm ăn, sinh sống yên ổn, yên tâm và được đảm bảo các yêu cầu cho cuộc sống an toàn thì cực kỳ khó khăn.
Người đứng đầu Đảng bộ TPHCM bày tỏ mong muốn Chủ tịch nước, các ĐBQH tiếp tục ủng hộ, thúc đẩy cơ chế chính sách giúp thành phố sớm xây dựng nhà ở xã hội cho người dân. Tình trạng ở TPHCM không giống nơi khác. Có nhiều người đến thành phố đã ăn ở một cách rất đơn giản.
Thậm chí, khi thành phố phát gạo, họ cũng không có nồi mà nấu ăn; khi gặp dịch phải giữ khoảng cách nhưng cũng không giữ được.
Trong môi trường như thế, dịch Covid-19 biến chủng Delta diễn biến phức tạp, khiến TPHCM trở tay không kịp.
“Phải khắc phục ngay, nhanh nhất có thể”, Bí thư Nguyễn Văn Nên nhấn mạnh và cho biết TPHCM đang chuẩn bị cùng lúc các chiến lược cho giai đoạn mới.
"TPHCM chuẩn bị nhiều chiến lược trong giai đoạn tới. Trụ cột là chiến lược về y tế; trong chiến lược về xã hội, có quan tâm đến dân cư, nhà ở cho người lao động", Bí thư Thành ủy TPHCM chia sẻ.
Ông khẳng định bất cứ một biện pháp nào mà TPHCM thực hiện cũng đều cân nhắc. Thành phố cũng sẵn sàng chia sẻ cùng các tỉnh, cứ tỉnh nào khó khăn là TPHCM hỗ trợ, đưa máy xét nghiệm, đưa lực lượng, đưa an sinh, thậm chí hỗ trợ test, giúp các tỉnh trong phòng chống dịch.
Lập danh sách các doanh nghiệp cần hỗ trợ
Tại buổi giám sát, các ĐBQH đã nêu ra nhiều ý kiến đóng góp báo cáo kết quả công tác phòng chống dịch Covid-19 theo Nghị quyết số 30 của Quốc hội, các giải pháp để kiểm soát dịch Covdi-19, phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn TPHCM trong thời gian tới.
ĐBQH Nguyễn Thiện Nhân nêu 6 kiến nghị, trong đó TPHCM cần đặt mục tiêu đến tháng 11-2021 phải tiêm vaccine mũi 2 đạt trên 90%. Kiến nghị Bộ Y tế sớm ban hành tiêu chí kiểm soát dịch để các địa phương thực hiện. ĐBQH cho biết hiện nay người dân, người lao động rời TPHCM về quê rất nhiều, các doanh nghiệp cũng gặp rất nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19, đặc biệt là nguồn tiền để duy trì trong các trường hợp khẩn cấp.
TP cần sớm lập danh sách các doanh nghiệp cần hỗ trợ nguồn vốn để duy trì trả lương tối thiểu cho người lao động và sản xuất. Đồng thời xem xét giảm tiền thuê đất cho doanh nghiệp… Ngoài ra, các chi phí xét nghiệm hiện nay các doanh nghiệp cũng gặp áp lực rất lớn, do đó nhà nước cần hỗ trợ các doanh nghiệp về chi phí này từ nay đến hết tháng 12-2021.
ĐBQH Trương Trọng Nghĩa đề nghị cần xây dựng và ban hành chiến lược “bình thường mới” tổng thể trong cả nước, để có thể sống thích nghi an toàn với Covid-19. Trong đó, bao gồm chiến lược thành phần ở từng lĩnh vực, từng ngành, từng vùng kinh tế trọng điểm với các giải pháp, chính sách mang tính vĩ mô.
Đặc biệt, không nên để tình trạng gỡ bỏ rồi áp dụng lại, rồi lại gỡ bỏ rồi lại áp dụng lại các biện pháp giãn cách xã hội nhiều lần trên phạm vi rộng, sẽ gây tác động lớn đến cuộc sống người dân và làm mất đi ưu thế ổn định của môi trường đầu tư, phát triển kinh tế.