Bí VNĐ vòng qua USD

Lượng tiền gửi ngoại tệ của cá nhân trong tháng 5 giảm mạnh sau các biện pháp của NHNN khống chế lãi suất huy động ngoại tệ xuống 3%/năm. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng tín dụng ngoại tệ tại các NHTM vẫn tăng mạnh dù Thông tư 07 của NHNN hạn chế đối tượng cho vay ngoại tệ. vì sao?

Lượng tiền gửi ngoại tệ của cá nhân trong tháng 5 giảm mạnh sau các biện pháp của NHNN khống chế lãi suất huy động ngoại tệ xuống 3%/năm. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng tín dụng ngoại tệ tại các NHTM vẫn tăng mạnh dù Thông tư 07 của NHNN hạn chế đối tượng cho vay ngoại tệ. vì sao?

Chuộng vay USD

Có thể thấy việc hạ lãi suất huy động ngoại tệ với khách hàng cá nhân đã giúp giải tỏa lượng USD đang găm giữ trên tài khoản NH và tăng cung cho thị trường. Trên thực tế, tỷ giá USD tại các NHTM liên tục giảm trong hơn 2 tuần đầu tháng 5, có thời điểm giá mua vào dưới 20.500 đồng/USD, bán ra dưới 20.600 đồng/USD.

 

Các NHTM cho biết nguồn cung USD dồi dào hơn, khi người dân và doanh nghiệp tích cực bán ra. Theo NHNN, lượng ngoại tệ huy động từ các cá nhân tính đến ngày 23-5 giảm 2,89%. Nhưng nếu tính chung 5 tháng đầu năm, huy động vốn VNĐ giảm 2,75%,  vốn USD tăng 18,84%. Lượng vốn cho vay nền kinh tế trong 5 tháng với tín dụng tiền đồng tăng 2,59%, tín dụng ngoại tệ tăng 18,9%.

Lý giải việc tín dụng ngoại tệ tăng vượt mức tăng trưởng huy động ngoại tệ, một lãnh đạo ACB, cho biết với mức lãi suất cho vay VNĐ hiện nay 20-25%/năm, doanh nghiệp muốn có lợi nhuận 10%, lãi biên phải đạt ít nhất trên 30%/năm.

Điều này rất khó thực hiện bởi doanh nghiệp chưa thể kỳ vọng vào lãi suất tiền đồng sẽ giảm do thanh khoản của hệ thống NH vẫn chưa ổn định, lãi suất thị trường mở của NHNN cao. Trong khi đó, tỷ giá USD hiện nay đã khá ổn định, nên vào thời điểm này vay USD vẫn là lựa chọn ưu tiên của doanh nghiệp.

Theo ông Lê Quang Trung, Phó Tổng giám đốc VIB phụ trách nguồn vốn và ngoại hối, một trong những yếu tố đẩy tỷ giá ngoại tệ trên thị trường gần đây rớt từ 21.000 đồng /USD xuống 20.600 đồng/USD là các doanh nghiệp xuất khẩu đang ứng trước ngoại tệ để bán lên thị trường cho vay. “Lãi suất huy động USD cá nhân 3%/năm, tương đương 10 đồng/ngày.

Tính chung 1 tháng tỷ giá biến động dưới 300 đồng, cá nhân giữ tiền đồng có lợi hơn USD. Với các doanh nghiệp giữ tiền đồng cũng có lợi như việc doanh nghiệp có ngoại tệ trong tương lai quyết định bán ngoại tệ có kỳ hạn và gửi tiền đồng tại NH. Xu hướng này đang phổ biến trên thị trường hiện nay” - ông Trung nói.

Sử dụng công cụ bảo hiểm

Với tình hình thị trường hiện nay, hầu hết NHTM và các chuyên gia đều có chung nhận định: 6 tháng đầu năm thị trường sẽ có xu hướng tỷ giá ổn định, nhưng không ai dám chắc 6 tháng cuối năm tỷ giá có tiếp tục ổn định hay lại biến động như những năm trước.

Nếu vay ngoại tệ nhiều, đến kỳ thanh toán doanh nghiệp có tiền đồng nhưng không mua được ngoại tệ, không thanh toán đúng hợp đồng với đối tác, sẽ mất uy tín. Theo một chuyên gia NH, hiện nay cầu ngoại tệ trong 6 tháng cuối năm bắt đầu tăng do nhu cầu đáo hạn tín dụng ngoại tệ mà các doanh nghiệp ứng vay trước đây.

Nhằm giảm rủi ro, nhiều NHTM khuyên doanh nghiệp nên chấp nhận mức lãi biên thấp để sử dụng bảo hiểm rủi ro tài chính.

Theo một phó tổng của HDBank, tỷ giá từ nay đến cuối năm phụ thuộc nhiều vào chênh lệch lãi suất giữa USD/VNĐ. Nếu lãi suất VNĐ cao người dân vẫn chọn giữ tiền đồng, còn nếu lãi suất tiền đồng giảm người dân có thể chuyển một phần qua giữ USD.

Trong khi đó, áp lực tăng trưởng tín dụng đang buộc các NHTM phải kéo giảm lãi suất tiền đồng. Do đó xu hướng chuyển dịch tiền đồng qua USD vào cuối năm cũng sẽ là yếu tố gây áp lực lên tỷ giá. Điều này NHNN đã tính đến nên đã chủ động trong việc áp trần lãi suất huy động ngoại tệ cả khách hàng cá nhân và doanh nghiệp.

Hiện nay nhiều doanh nghiệp nhập khẩu đang cân nhắc việc mua ngoại tệ có kỳ hạn do lo ngại tỷ giá trong tương lai tăng. Trong khi đó các doanh nghiệp xuất khẩu lại bán ngoại tệ có kỳ hạn vì dự báo tỷ giá sẽ không biến động quá lớn.

Trước diễn biến này, nhiều NH đã triển khai nghiệp vụ par forward, cho phép doanh nghiệp kết hợp tất cả các dòng tiền trong tương lai và ký một hợp đồng mua bán kỳ hạn theo tỷ giá tối ưu, thay vì ký từng hợp đồng kỳ hạn riêng lẻ theo từng dòng tiền. Bởi thông thường hợp đồng foward càng ngắn, tỷ giá kỳ hạn càng thấp, hợp đồng forward càng dài, tỷ giá kỳ hạn càng cao.

Nếu ký par forward sẽ giúp chi phí mua hàng nhập khẩu của doanh nghiệp cạnh tranh, giúp định giá được sản phẩm trên thị trường trong tương lai.

Các tin khác