BIDV ký hợp tác toàn diện với 3 NH hợp nhất

(ĐTTC) - Chiều 6-12, tại TPHCM, lễ ký kết hợp tác chiến lược toàn diện giữa BIDV, Ficombank, SCB và VietNam Tin nghia Bank đã được tổ chức dưới sự chứng kiến của của NHNN và đại diện các bên.

Tại lễ ký kết, NHNN cũng công bố chấp thuận chủ trương cho 3 ngân hàng Ficombank, SCB và VietNamTinNghiaBank hợp nhất trên cơ sở tự nguyện và đảm bảo quyền lợi của các bên.

Phó Thống đốc NHNN Trần Minh Tuấn cho biết vừa qua 3 ngân hàng này xảy ra tình trạng thiếu thanh khoản trầm trọng, đến nay đã căn bản được ổn thỏa. Đây không phải là sáp nhập, thâu tóm mà là tự nguyện hợp nhất và đây được xem là bước đầu tiên trong lộ trình cơ cấu lại hệ thống NHTM Việt Nam.

Việc hợp nhất 3 ngân hàng này sẽ trở thành một ngân hàng có quy mô lớn cả về năng lực tài chính và quản trị, kinh doanh, phát huy thế mạnh ba ngân hàng trong một ngân hàng hợp nhất. NHNN cũng chỉ định BIDV tham gia vào ngay từ đầu quá trình cơ cấu lại về mặt quản trị điều hành, quản lý kinh doanh kể cả hỗ trợ về nguồn vốn trong điều kiện 3 ngân hàng thiếu thanh khoản.

Trả lời phóng viên về việc tại sao Thủ tướng Chính phủ và NHNN chỉ định BIDV hợp tác tham gia, Phó thống đốc NHNN Trần Minh Tuấn cho rằng đây là lựa chọn đúng đắn bởi BIDV là ngân hàng lớn, có tiềm lực về quản trị, có năng lực quản lý điều hành các sản phẩm dịch vụ ngân hàng.

“Hiện nay BIDV đang được Nhà nước chọn lựa để cổ phần hóa, tôi cho rằng sự hợp tác và tham gia hợp tác một cách toàn diện ngay từ đầu của BIDV đối với việc hợp nhất 3 ngân hàng sẽ làm cho ngân hàng hợp nhất từng bước được củng cố mạnh hơn, vững hơn trong quá trình phát triển ngân hàng sau hợp nhất” - ông Tuấn khẳng định. 

Cũng theo Phó thống đốc NHNN Trần Minh Tuấn, lộ trình hợp nhất được thiết kế trong đề án hợp nhất của 3 ngân hàng với quá trình củng cố 3 năm, trong đó năm đầu tiên tập trung xử lý nợ, giảm tài sản có ở mức hợp lý theo hệ số an toàn quy định của NHNN. Khi tập trung làm việc này khả năng thanh khoản của ngân hàng hợp nhất sẽ tốt hơn nhiều.

Bên cạnh đó sự hỗ trợ về thanh khoản bằng vay mượn giữa BIDV và ngân hàng hợp nhất. Như vậy, ngân hàng hợp nhất chưa sử dụng đồng vốn nào của NHNN hết mà vay mượn trên cơ sở hỗ trợ nguồn vốn của BIDV. Khi hợp nhất ngân hàng sẽ có tên mới và tên mới đang được ban trù bị ngân hàng hợp nhất chọn lựa trước ngày 25-12 để báo cáo NHNN. Sau đó ban trù bị sẽ dựng điều lệ hợp nhất để trình Thống đốc NHNN chuẩn y điều lệ và công nhận tên gọi mới của ngân hàng hợp nhất. Dự kiến ngân hàng hợp nhất sẽ khai trương ngày 1-1-2012.

Trả lời báo chí về việc đầu tư bao nhiêu % vốn vào 3 ngân hàng hợp nhất, ông Trần Bắc Hà, Chủ tịch HĐQT BIDV, cho biết: "Trước khi hợp nhất do sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn, 3 ngân hàng trên thiếu thanh khoản tạm thời. BIDV và một số ngân hàng khác đã tham gia hỗ trợ 3 ngân hàng trên liên ngân hàng. Đến nay BIDV đã cấp vốn hỗ trợ thanh khoản 2.400 tỷ đồng trên tổng số tài sản đảm bảo nợ của các ngân hàng này là 30.000 tỷ đồng. Sau ký hợp tác toàn diện chiến lược, BIDV tiếp tục hỗ trợ một cách toàn diện. BIDV cam kết tất cả khoản tiền gửi hợp pháp tại 3 ngân hàng trên sẽ không bị ảnh hưởng".

Ngoài ra, ông Trần Bắc Hà cũng cho biết BIDV chưa đặt vấn đề có tham gia vào cổ phần 3 ngân hàng này hay không. Bởi quan trọng nhất HĐQT của 3 ngân hàng này có đồng ý hay không. Thứ hai, chi phí phát sinh trong quá trình hợp nhất 3 ngân hàng này phải chịu.

Ông Bắc Hà cũng khẳng định việc hỗ trợ 3 ngân hàng này không ảnh hưởng đến bảng cân đối kế toán của BIDV trước, trong và sau khi cổ phần hóa. BIDV sử dụng các nguồn lực về con người, trí tuệ, để tham gia quá trình hợp tác, hỗ trợ cho 3 ngân hàng này trước trong và sau khi hợp nhất.

“Tôi khẳng định rằng chắc chắn rằng sau khi hợp nhất 3 ngân hàng này phải chịu trách nhiệm nghĩa vụ nợ theo quy định của pháp luật và không thể xóa bỏ nghĩa vụ nợ này" - ông Trần Bắc Hà nói.

Các tin khác